(ĐNĐT) - Lâu nay trong quy hoạch đô thị, dự án (DA) "treo" được nhắc đến như là câu chuyện dài tập, khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch luôn thấp thỏm, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn, trong khi dự án vẫn cứ ì ạch, chậm triển khai.
Nhiều DA "án binh bất động"
Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), mới thấy nỗi khổ của người dân “dính” trong vùng quy hoạch DA. Nhiều chuyện cứ ngỡ chẳng bao giờ xảy ra, thế nhưng nó đã đeo bám người dân nơi có DA “treo” hàng chục năm trời. Chẳng hạn, như: đã “dính” vào quy hoạch thì không được làm đường sá, không được xây hoặc mở rộng nhà cửa; việc chuyển quyền sử dụng đất, tách thửa cũng cấm luôn; thậm chí đất nông nghiệp cũng chẳng được phép tăng gia sản xuất, đành bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm.
Những hộ dân trong vùng quy hoạch trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. |
Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) - một trong những địa phương có diện tích đất không lớn, thế nhưng lại là địa bàn tập trung nhiều DA nhất của quận và cả thành phố. Ông Trịnh Duy Văn, cán bộ địa chính phường Hòa Khánh Nam cho biết, những tưởng có nhiều DA sẽ mang lại sự phát triển kinh tế cho phường, tuy nhiên chưa thấy lợi ích từ các DA mang lại đã thấy người dân nơi đây phải thua thiệt đủ đường vì DA “treo” kéo dài. Hiện trên địa bàn phường có đến gần 70 DA lớn, nhỏ của Trung ương, thành phố, địa phương. Trong đó, có những DA được triển khai nhanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng có nhiều DA kéo dài nhiều năm, gây không ít bức xúc cho người dân địa phương. Và hiện nay, trên địa bàn phường vẫn còn tới cả chục DA lớn, nhỏ được quy hoạch khá lâu rồi nhưng vẫn “án binh bất động”. “Thấy DA chậm triển khai, dân kéo lên phường liên tục hỏi xem DA có xúc tiến không, để dân còn tính chuyện làm ăn. Phường cũng chẳng biết trả lời sao nữa, chỉ biết hứa với dân sẽ kiến nghị lên cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết”, ông Văn nói.
Còn tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), khi chúng tôi đề cập đến vấn đề DA “treo” trên địa bàn, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý lắc đầu ngao ngán: “Cảm ơn nhà báo đã quan tâm đến địa phương, nhưng chuyện về DA “treo” chắc là nói cho vui chứ chẳng giải quyết được gì đâu. Ở phường này có những DA “treo” ngót nghét gần hai chục năm nay rồi, người dân và chính quyền địa phương cũng kiến nghị nhiều nhưng có đi đến đâu đâu. Ngoài ra, báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực đề cập đến việc DA “treo” ở phường chúng tôi, nhưng DA “treo” vẫn là “treo”. Chẳng hạn như DA Làng Đại học Đà Nẵng, kể từ khi quy hoạch, nhiều gia đình ở khu vực này vừa mới sinh con, thế mà bây giờ con họ đã có người lấy chồng rồi mà DA vẫn chưa triển khai”. Cũng theo ông Hòa, trên địa bàn phường có 25 DA được quy hoạch với tổng diện tích đất khoảng 1.525 ha, trong đó có 7 DA chưa triển khai với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 446 ha. Và trong tổng sổ 446 ha đất có tới 150 ha đất lúa, 50 ha đất màu bị bỏ hoang, ngập úng, làm ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của hơn 1.000 hộ dân.
Còn DA “treo”, dân còn khổ!
Hầu hết người dân khi được hỏi đều có ý thức rằng việc quy hoạch đô thị là cần thiết, khi các DA được triển khai sẽ mang lại diện mạo mới cho địa bàn, đem lại sự thuận lợi và sung túc hơn. Tuy nhiên, đối với các hộ dân có nhà cửa, đất đai “vướng” quy hoạch đều có mong muốn chung nhất: Nhà nước và chủ đầu tư phải quan tâm và có trách nhiệm đối với dân. Khi các DA kéo dài, không thực hiện thì phải thông báo cho dân biết nguyên nhân chậm thực hiện và thời gian thực hiện; yêu cầu các cơ quan nhà nước làm nghiêm công tác kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung; "quy hoạch nào nhắm hoàn toàn không có khả năng thực hiện thì phải mạnh dạn xóa, chứ cứ để “treo” miết chỉ khổ cho người dân thôi".
Ông Nguyễn Đức Thanh, ở phường Hòa Khánh Nam, than thở, DA Khu số 1 - Đô thị bắc nhà ga mới đã được công bố quy hoạch từ năm 2005, nhưng gần 8 năm trôi qua vẫn “nằm trên giấy”, trong khi người dân “dính” trong vùng quy hoạch phải chịu khổ đủ điều. Mỗi khi mùa mưa đến, hàng trăm hộ dân nơi đây lại phải sống trong cảnh ngập lụt kéo dài, ô nhiễm môi trường kinh khủng. Anh Lê Hữu Nam, một người dân ở tổ 24 (phường Hòa Khánh Nam) bức xúc: "Cái khổ nhất mà người dân ở đây phải chịu khi DA chậm triển khai là tất cả quyền của người dân trong quan hệ nhà đất cũng bị "treo" luôn. Mấy đời gia đình tôi sống trên mảnh đất này, tuy không khấm khá nhưng với vài nghìn mét đất để canh tác ít ra cũng có của ăn. Đang sống yên lành thì năm 2005, quận công bố khu vực này bị quy hoạch làm DA Khu số 1 - Đô thị bắc nhà ga. Từ khi quy hoạch đến nay, tôi không thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất. Con cái lớn lên muốn tách đất, làm sổ cũng không được".
Trên địa quận Liên Chiểu có đến hàng chục ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang cho cỏ mọc chỉ vì dính vào DA "treo". |
Không chỉ có những hộ dân phải chịu cảnh thua thiệt vì DA “treo” trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, mà hàng nghìn người dân trong khu vực quy hoạch của gần chục DA khác trên địa bàn phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) cũng đang vấp phải cảnh "ở chịu khổ, đi chẳng xong".
Gia đình bà Hương, sống ở khu vực quy hoạch DA Làng Đại học Đà Nẵng thuộc địa bàn phường Hòa Quý cho hay: “Kể từ khi công bố quy hoạch đến nay đã gần 16 năm, dự án này vẫn "đắp chiếu". Đất gia đình là của ông cha tôi để lại, khi Nhà nước quy hoạch để phát triển, tôi cũng chấp nhận giao đất. Nhưng quy hoạch xong, hơn chục năm trời rồi cứ để đó, không trả tiền bồi thường để chúng tôi chuyển đi nơi khác, sớm ổn định cuộc sống. Chỗ này thuộc diện quy hoạch nhưng công tác kiểm định mới tiến hành ở một số hộ dân xong rồi "tịt ngòi" luôn. Vừa rồi nghe dân bàn tán, đất nằm trong quy hoạch DA nhưng chậm triển khai thì người dân vẫn được tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất. Nếu đúng như vậy, địa phương cần sớm thông báo cho dân để dân biết còn lo liệu”.
Ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết trên địa bàn phường có 67 DA được quy hoạch với tổng diện tích 417,17 ha. Hiện đã có 33 DA hoàn thành, 18 DA đang triển khai và 7 DA đã bị hủy bỏ, 9 DA hiện vẫn đang "án binh bất động" bao gồm: DA Nhà ga đường sắt mới, Khu số 1 - Đô thị bắc nhà ga mới, DA Khu kho tàng - Cơ sở sản xuất chân đèo Đại La, DA của Công ty TNHH Phúc Kiến, DA Đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, DA khu số 1 trường ĐH TDTT Đà Nẵng, DA bãi đổ bùn… Và việc 9 DA chậm triển khai đã làm "xáo trộn" cuộc sống của gần 3.000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch. |
Bài và ảnh: Trọng Hùng