Đà Nẵng đã chín mùi các điều kiện để tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT). Xúc tiến tổ chức CQĐT như một cuộc cách mạng để khoác áo mới chứ không chỉ đổi mới.
Tiến sỹ Huỳnh Năm: Điều kiện để Đà Nẵng tổ chức CQĐT đã chín muồi. |
Đó là ý kiến của các đại biểu dự hội nghị góp ý Đề án CQĐT do UBND thành phố tổ chức sáng 18-9 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm thực hiện CQĐT thành phố và các thành viên Ban Chỉ đạo: Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố. Đối tượng lấy ý kiến góp ý là các đồng chí nguyên là lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, đại diện các hội, đoàn thể, liên hiệp hội, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn.
Nắm bắt thời cơ lớn, làm ngay
TS Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND thành phố, nhận định Đà Nẵng có tốc độ phát triển rất nhanh, đô thị hóa đã đạt trên 90%; hệ thống hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư mạnh mẽ; nhiều thành tựu đột phá trong cải cách hành chính, nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử... và đã chủ động chuẩn bị Đề án CQĐT từ 4 năm trước. Vì vậy, có thể nói điều kiện để Đà Nẵng tổ chức CQĐT đã chín mùi. Đúng lúc Trung ương chọn Đà Nẵng làm thí điểm tổ chức CQĐT thì đây không chỉ là yêu cầu của thực tiễn cuộc sống mà còn là thời cơ lớn phải nắm bắt, phải thực hiện. Không làm là có tội với dân bởi như mục tiêu của Đề án CQĐT đã xây dựng là tinh gọn bộ máy, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và với CQĐT, dân phải được phục vụ tốt hơn. Tổ chức CQĐT để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Phạm Kiều Đa đồng tình với nhận định Đà Nẵng đủ điều kiện để tổ chức CQĐT và là thành phố duy nhất trong cả nước có kinh nghiệm tổ chức chính quyền thành phố 2 cấp: Thành phố và phường (tương tự như mô hình đưa ra ở giai đoạn 2 của Đề án CQĐT). Đó là khi thành phố Đà Nẵng còn thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Do đó, cần phải xúc tiến tổ chức CQĐT mang tính cách mạng là thay “áo mới” chứ không chỉ đổi mới về tổ chức chính quyền.
Rất nhiều ý kiến đồng tình việc thực hiện tổ chức CQĐT là nguyện vọng của nhân dân, là đòi hỏi cấp bách đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Tránh cắt khúc trong quản lý
Theo TS Huỳnh Năm, tổ chức bộ máy CQĐT nên chuyển các cơ quan chuyên môn làm tham mưu thuộc UBND thành phố trở thành cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời cần ủy quyền, phân cấp mạnh chuyên sâu theo lĩnh vực, giao thêm quyền tự quyết cho lãnh đạo các cơ quan này. Như vậy tránh dồn hết trách nhiệm quản lý Nhà nước lên UBND thành phố như hiện nay.
Nhiều ý kiến đề nghị Đà Nẵng đủ điều kiện để tiến hành ngay giai đoạn 2 của Đề án là bỏ cấp trung gian quận, huyện, chỉ còn chính quyền cấp thành phố và phường, xã. Như vậy bộ máy tinh gọn hơn; quản lý Nhà nước từ thành phố đến phường, xã trực tiếp hơn, tránh cắt khúc do qua trung gian.
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Đặng Công Ngữ nêu ví dụ về quản lý cắt khúc trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo hiện nay. Đó là Sở Giáo dục-Đào tạo không được điều động cán bộ, giáo viên thuộc các trường mầm non, tiểu học, THCS (thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện) để điều hòa chất lượng dạy học. Còn các quận, huyện nào đầu tư mạnh thì có trường học có chất lượng cao lại gây nên tình trạng “chạy” trường học trái tuyến. Một ví dụ khác về quản lý không bị cắt khúc mà Đà Nẵng đang làm là thực hiện thí điểm Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp đã thống nhất quản lý một đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường.
Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với đề xuất về tổ chức HĐND thành phố khi thực hiện CQĐT cần tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, tăng đại biểu chuyên trách lên chiếm ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu; tổ chức thêm Ban Đô thị thuộc HĐND thành phố là cần thiết. Theo ông Lê Diên, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, tổ chức CQĐT đòi hỏi chất lượng đại biểu HĐND thành phố rất cao, đặc biệt là đại biểu chuyên trách. Theo kinh nghiệm hoạt động của mình, ông đã thấy có những đại biểu HĐND không nói được tiếng nói của cử tri. Do đó không nên quá nặng về cơ cấu mà nên đặt nặng chất lượng để bầu cho được những đại biểu dân cử có tâm, tầm và bản lĩnh thực sự. Như vậy, HĐND thành phố mới sát dân, giám sát có hiệu lực, hiệu quả.
Ông Đoàn Hồng Chương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh thành phố, đề nghị không nhất thiết khi thực hiện CQĐT thành phố giữ nguyên 56 phường mà có thể gộp lại thành 38 phường vừa tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối quản lý. Một số ý kiến đề nghị khi triển khai tổ chức CQĐT cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức và có cơ chế đào thải đối với những người không đáp ứng được yêu của CQĐT.
Bài và ảnh: Sơn Trung