.

Đà Nẵng chủ động phòng, chống bão số 8

.

Bão số 8 hướng vào miền Trung

Theo dự báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 8, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10 đang di chuyển chậm theo hướng Tây. Đến 16 giờ hôm nay (18-9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ vĩ Bắc; 110 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 8 tại Âu thuyền  Thọ Quang. 				Ảnh: N.C
Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 8 tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: N.C

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình - Bình Định từ gần sáng và hôm nay (18-9), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Theo Đài Khí tượng và Thủy văn Trung Trung Bộ, trên đất liền, khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300mm, cá biệt có nơi như ở Trà My (Quảng Nam) lượng mưa có thể lên tới 350 mm. Lũ sẽ xuất hiện trên hệ thống sông khu vực Trung Trung bộ, nhiều khả năng sẽ vượt báo động 2.  

Theo dõi chặt chẽ 87 tàu cá

Tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố, đến chiều 17-9, thành phố Đà Nẵng còn 87 phương tiện đánh bắt hải sản/792 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, tại khu vực Bắc quần đảo Hoàng Sa (tọa độ 18,3 vĩ độ Bắc, 112,3 độ kinh Đông), có 9 phương tiện/114 lao động. Trong số 9 tàu cá này có 7 chiếc của quận Thanh Khê, 2 chiếc của quận Liên Chiểu. Hiện số tàu này đang sử dụng neo dù tránh bão. Tuy vậy, nguy cơ bị ảnh hưởng do bão rất lớn. Đơn vị sẽ báo cáo lên Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, làm việc với Bộ Ngoại giao xin cho số tàu này chạy về đảo Hải Nam của Trung Quốc tránh bão. Tại khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng) có 15 phương tiện/83 lao động; khu vực biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có 22 phương tiện/221 lao động; vùng biển Đà Nẵng 37 phương tiện/264 lao động; khu vực biển Khánh Hòa 1 phương tiện/ 11 lao động và 3 phương tiện/99 lao động đang neo đậu tại đảo Song Tử Tây quần đảo Trường Sa. Hiện số tàu trên liên tục nối thông liên lạc với đất liền, nắm chắc diễn biến của bão và đang triển khai phương án đối phó.  

Tại khu vực đất liền, đến chiều 17-9, Âu thuyền Thọ Quang đã đón 595 tàu vào neo đậu tránh bão. Khu vực biển bãi ngang từ Thọ Quang đến Phước Mỹ hiện còn 61 ghe thuyền và 151 thúng máy đang neo đậu. Dọc bờ đông sông Hàn có 60 tàu cá chưa di chuyển về Âu thuyền Thọ Quang. Tại vùng biển bãi ngang Liên Chiểu cũng còn hàng chục ghe thuyền, thúng máy chưa đưa lên bờ tránh bão.  

Đến chiều ngày 17-9, tại huyện Hòa Vang còn hơn 100ha lúa hè thu chưa thu hoạch; quận Ngũ Hành Sơn còn khoảng 30ha. Các hồ đập trên địa bàn Hòa Vang nước đang ở mức thấp. Tuy vậy, tại khu vực Hòa Liên, nguy cơ bị ngập cục bộ do các tuyến kênh thoát bị ách tắc do thi công công trình.

Tập trung mọi nỗ lực phòng chống bão, lũ

Chiều 17-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB &TKCN)  thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố và các sở, ngành, quận, huyện triển khai công tác đối phó với bão số 8 và lũ. Sau khi nghe đại diện Đài Khí tượng và Thủy văn Trung Trung bộ và các cơ quan, đơn vị báo cáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định: Bão số 8 nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi vào sáng mai (19-9). Kèm theo đó sẽ có mưa to gây lũ trên diện rộng.

Như vậy, công tác chuẩn bị đối phó với bão lũ rất cấp bách, yêu cầu các sở, ngành, quận huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị về PCLB&TKCN năm 2013 của Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành. Các địa phương, cơ quan, đơn vị phải triển khai ngay việc chằng chống nhà cửa, công sở, trường học... Các khu nhà tạm, nhà trọ kém kiên cố cần có giải pháp di dời trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư, khẩn trương tiến hành phòng chống cho các công trình xây dựng đang dở dang, nhất là các công trình nhà cao tầng, cần cẩu; tổ chức cắt tỉa cây xanh đường phố hạn chế đổ ngã do bão; khơi thông các điểm nguy cơ ngập úng cục bộ. Sở Giáo dục - Đào tạo, tùy tình hình thực tế, bố trí học sinh nghỉ học tránh bão. Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ lực lượng y, bác sỹ và cơ số thuốc cần thiết, bảo đảm yêu cầu cấp cứu khi tình huống xảy ra.

Sở Công thương chuẩn bị hàng hóa dự trữ, ứng phó kịp thời, linh hoạt tình trạng lũ ngập sâu nhiều ngày phải cứu trợ, đồng thời có biện pháp khả thi chống tăng giá khi bão lũ xảy ra. Sở NN&PTNT đôn đốc các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa, cá, tôm, hạn chế thiệt hại do lũ bão, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu đúng nơi quy định. Việc đưa ghe thuyền tại các bãi ngang lên bờ phải hoàn thành chậm nhất là chiều 18-9. Các phương tiện thông tin đại chúng dành thời lượng hợp lý cập nhật tình hình bão lũ, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo mọi người tích cực, chủ động đối phó hiệu quả với bão lũ...

Được biết, đến chiều 17-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã bố trí lực lượng thường trực bao gồm 300 cán bộ chiến sĩ cùng 5 tàu, 7 ca-nô, 8 ô-tô sẵn sàng làm nhiệm vụ PCLB&TKCN. Đến chiều tối 17-9, các địa phương ven biển đang tích cực đưa số ghe thuyền công suất nhỏ và thúng máy lên bờ.

N.C

;
.
.
.
.
.