Tình trạng ngập trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực trung tâm, hằng năm tái diễn và phát sinh nhiều điểm. Việc xử lý chống ngập vẫn loay hoay bởi vướng mắc từ nhiều nguyên nhân như quy hoạch thoát nước chưa được kiểm soát, nguồn lực đầu tư phân tán, hạ tầng kỹ thuật thoát nước xuống cấp...
Bài 1: Có mưa là ngập
Khu vực đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi là điểm ngập thường xuyên. |
Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho biết, việc chống ngập mỗi khi có mưa đã trở nên quen thuộc, các điểm ngập tồn tại nhiều năm nay. Điển hình cho hiện trạng ngập đô thị Đà Nẵng thể hiện rõ qua trận mưa ngày 17 và 19-9-2013. Tại khu vực nút giao thông đường Quang Trung-Đống Đa bị ngập sâu 30cm và kéo dài 25 phút; khu vực đường Hải Hồ bị ngập sâu 60cm. Nhiều khu vực khác bị ngập nước kéo dài từ 40-60 phút như chung quanh hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung lan rộng ra các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Văn Cao, Tản Đà, Tô Ngọc Vân, Đỗ Quang, ngập nặng nhất là giữa đường Đỗ Quang và Nguyễn Hoàng.
Tại quận Thanh Khê, khu vực tổ dân cư 14, phường Thanh Khê Tây nước ngập đến 80cm gây nên lụt lội. Quận Sơn Trà vốn có địa hình cao ráo một bên là biển, một bên là sông nhưng có nhiều điểm ngập mỗi khi có mưa như khu vực dân cư dọc đường Hà Thị Thân gồm tổ dân phố 36, 37, 38 và 39, phường An Hải Tây; khu vực tổ 12 phường Mân Thái; khu vực lân cận chùa Tân Thái; khu vực đường Trương Công Định.
Từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố đã cấp 211,34 tỷ đồng để xử lý chống ngập. Tuy nhiên, vốn tập trung đầu tư xây dựng các trạm bơm cưỡng bức để tiêu thoát nước đã chiếm phần lớn, như trạm bơm Thuận Phước 88 tỷ đồng, trạm bơm khu vực đường Trương Chí Cương 13,44 tỷ đồng và tuyến cống thu gom và thoát nước qua khu đô thị Đa Phước dọc đường Nguyễn Tất Thành 70 tỷ đồng. Đối với một số công trình nâng cấp, cải tạo hoặc bổ sung hệ thống thoát nước được đầu tư 39,9 tỷ đồng. Số vốn đầu tư cho chương trình xử lý chống ngập đô thị mới đáp ứng dưới 50% nguồn kinh phí theo đề xuất của Sở Xây dựng.
Khu vực đường Hồ Học Lãm - Vũ Tông Phan, quận Sơn Trà chìm ngập trong nước. |
Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tình trạng ngập hiện nay chưa được xử lý triệt để do hạn chế từ nguồn kinh phí cấp. Ngoài ra, do có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí lớn nên một số điểm ngập xử lý theo hướng phân kỳ đầu tư, xử lý từng bước; một số dự án sử dụng nguồn kinh phí từ Trung ương nên bị động và chuyển dự án đầu tư sang sử dụng nguồn vốn từ dự án Phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tình trạng các điểm ngập xuất hiện còn do chưa triển khai thi công đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước chính, dữ liệu hiện trạng thoát nước chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng giải pháp xử lý; hoặc tình trạng xây dựng nhà trái phép ở các khu vực thấp trũng thuộc các dự án quy hoạch dẫn đến bị ngập sâu. Việc giải tỏa và bố trí tái định cư đối với người dân các khu vực này hiện rất khó khăn nên dẫn đến ngập trên diện rộng như khu vực Bàu Sen, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ; khu vực Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Sở Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung xử lý các điểm ngập tại khu vực nội thành, các điểm ngập có nhiều ảnh hưởng đến giao thông, vệ sinh môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Theo đó, có 6 điểm ngập được đề xuất tập trung xử lý gồm: Khu vực đường Quang Trung-Đống Đa; khu vực lân cận hồ Thạc Gián; đường Đỗ Quang-Nguyễn Hoàng; tổ 13 và 14 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà; tổ 18 (cũ), phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; cổng vào Khu công nghiệp Hòa Khánh. Công ty Thoát nước và xử lý nước thải đề xuất xử lý thêm các khu vực như Khe Cạn, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ; khu vực tổ 12 và 13 và đường Yên Khê phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê; khu vực Hòa Liên-Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.
14 điểm ngập do chưa có hạ tầng thoát nước Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 93 điểm ngập, đến nay đã xử lý hết ngập tại 26 điểm, còn 67 điểm ngập. Nguyên nhân ngập được xác định do hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn, hư hỏng có 10 điểm; ngập do dự án triển khai chưa đồng bộ, thi công chậm tiến độ chiếm đến 44 điểm; 25 điểm ngập do các khu dân cư hiện trạng được giữ lại chỉnh trang có cao trình chênh lệch cốt nền và đấu nối hạ tầng thoát nước không hợp lý; 14 điểm ngập khác do chưa có hạ tầng thoát nước. Các điểm ngập xuất hiện ở tất cả các quận, huyện: Liên Chiểu có 23 điểm ngập, Sơn Trà với 21 điểm ngập, Thanh Khê có 16 điểm, Hải Châu 9 điểm ngập. Thống kê trên cho thấy tình hình triển khai thực hiện quy hoạch thoát nước và chỉnh trang đô thị chưa theo kịp đầu tư phát triển đô thị. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG