Bài 2: “Vỡ” quy hoạch thoát nước
Ngày 14-2-2008, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1538 về Quy hoạch chiều cao và thoát nước. Thế nhưng, vì sao tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố khó kiểm soát?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tình trạng xây dựng nhà trái phép ở các vùng thấp trũng như tổ 17 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) là nguyên nhân làm phá vỡ quy hoạch thoát nước. Trong ảnh: Nước ngập sâu 80cm tại địa bàn dân cư trong trận mưa ngày 18-9-2013. |
Theo quy hoạch, chiều cao cốt nền tối thiểu tại quận Hải Châu ở mức +2,15 mét và +2 mét đối với khu vực ven sông Hàn; quận Cẩm Lệ có cốt nền tối thiểu 3,50 mét khu vực ven sông; Liên Chiểu là 2,19 mét và 3,50 mét đối với ven sông Cu Đê; Sơn Trà có cốt nền cao tối thiểu 3 mét và 2 mét ven sông Hàn; khu vực Ngũ Hành Sơn cốt nền tối thiểu 3 mét áp dụng cho cả khu vực ven sông và ven biển.
Đặc biệt, thoát nước đô thị đã xác định được lưu vực thoát nước chính. Theo đó, khu vực quận Liên Chiểu có lưu vực 2.299ha được thoát ra sông Phú Lộc; lưu vực Khu Công nghiệp Hòa Khánh có diện tích 3.922ha được thoát ra sông Cu Đê. Quận Thanh Khê thoát nước từ hồ Thanh Lộc Đán ra sông Phú Lộc với diện tích lưu vực 467ha; lưu vực cống hạ lưu hồ Công viên 29-3 và Sân bay Đà Nẵng có diện tích 388ha được thoát qua cống đường Điện Biên Phủ đổ về sông Phú Lộc và ra biển; lưu vực hồ Xuân Hòa A diện tích 133ha thoát nước cống đường Điện Biên Phủ ra sông Phú Lộc. Tại quận Hải Châu, lưu vực hồ Thạc Gián 171ha được thoát ra biển Thuận Phước; lưu vực cống trên đường Ông Ích Khiêm diện tích 60ha thoát ra biển Thuận Phước; lưu vực cống đường Lý Tự Trọng có diện tích 68ha thoát ra sông Hàn; lưu vực đường Hùng Vương và Trần Quốc Toản có diện tích 116ha và Bảo tàng Điêu khắc Chăm diện tích 58ha, khu vực cống đường Duy Tân 100ha được thoát ra sông Hàn…
Đồ án quy hoạch thoát nước đô thị được phê duyệt cũng xác định các hồ điều tiết tại quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Tuy nhiên, quy mô các hồ quá nhỏ và một số nội dung quy hoạch đến nay vẫn chưa thực hiện và “vỡ” quy hoạch vì các dự án khu dân cư mới đã chồng lấn lên khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng như hồ điều tiết 5ha phía tây đường Trường Chinh. Hoặc như, theo phản ánh của Sở Xây dựng, tại địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê có một lưu vực rộng lớn được quy hoạch thoát nước ở Thuận Phước nhưng nay đã bị dự án Khu đô thị Đa Phước chặn cửa thoát. Quy hoạch thoát nước khu vực sông Phú Lộc cũng thực hiện thiếu đồng bộ, hạ tầng chưa khớp nối nên thoát nước kém. Cống hộp thoát nước tại cầu Đa Cô cũ không đáp ứng nhu cầu thoát nước.
Tại các cuộc làm việc của đoàn giám sát thực hiện chương trình chống ngập úng đô thị của HĐND thành phố vừa qua với các đơn vị chức năng cũng đã đưa ra nhiều vấn đề cần có giải pháp tháo gỡ căn cơ hơn. Xử lý chống ngập cần có ngay định hướng và lần gỡ những nút thắt mới xây dựng giải pháp thực hiện căn cơ. Theo đó, cần có khảo sát để đánh giá quy mô, tính chất các điểm ngập, xây dựng bản đồ mô phỏng chế độ thủy văn, mô phỏng hạ tầng và mạng lưới thoát nước đô thị. Xác lập các cửa thu, họng xả, hướng thoát và cần thiết phải xây dựng lại đồ án quy hoạch thoát nước hiện tại có tầm nhìn cho nhiều năm sau. Tiếp đó thực hiện các giải pháp về huy động vốn và thiết kế dự án cơ sở; giải pháp kỹ thuật công trình; thực hiện giải pháp về quản lý, khai thác vận hành.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG