.

Huấn lệnh làm thay đổi cục diện chiến trường

.

Là Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã theo dõi rất chặt chẽ chiến trường Đà Nẵng. Ngày 23-8-1947, Đại tướng nhận xét: “Mặt trận Đà Nẵng có ưu điểm hoạt động trong thành phố, nhưng miền phụ cận của Đà Nẵng kém về dân quân. Cách bố trí bộ đội ở ngoại vị Đà Nẵng có tính chất trận địa, vì vậy bộ đội ốm đau nhiều và dễ lâm vào bị động”. (1)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT Đà Nẵng trong ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT Đà Nẵng trong ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta (1945-1954), Đà Nẵng là một trong những chiến trường trọng điểm của cả nước. Đây là nơi thực dân Pháp tập trung chiếm đóng, xây dựng căn cứ liên hợp quân sự và mở rộng vành đai bảo vệ ra các vùng phụ cận để làm bàn đạp đánh phá ra các vùng tự do của ta.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy Khu 5, các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng - Hòa Vang đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đoàn kết chặt chẽ, động viên cao nhất sức người, sức của, phối hợp với lực lượng của trên chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, bám sát đội hình tiến công của địch để chiến đấu, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, lần lượt bẻ gãy các đợt tiến công của chúng, giam chân địch suốt một tháng trong thành phố, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch.

Tuy nhiên, so sánh tương quan lực lượng, trang bị không cân sức; bộ đội, du kích, tự vệ chỉ có tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm nhưng chưa có kinh nghiệm chiến đấu, trang bị thiếu, chỉ vận dụng cách đánh trận địa chiến, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch nên lần lượt các phòng tuyến bị vỡ. Không chịu lùi bước trước các đòn tiến công của địch, quân và dân Đà Nẵng - Hòa Vang đã lần lượt hồi cư trở về, củng cố lực lượng, bám dân, bám đất, tổ chức nhiều đòn tiến công liên tục, rộng khắp vào hậu phương địch, biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta, buộc chúng phải căng kéo lực lượng, đối phó bị động, lúng túng, co cụm về để giữ hậu phương chiến lược và càn quét mở rộng vành đai bảo vệ ra các vùng xung quanh, đẩy lực lượng của ta ra xa thành phố, làm cục diện chiến trường Đà Nẵng gặp những khó khăn nhất định, nhất là các vùng ngoại vi thành phố chiến sự luôn diễn ra vô cùng quyết liệt.

Lời huấn thị của Đại tướng vừa khen ngợi những thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng trong tác chiến vùng sau lưng địch, đánh vào hậu phương địch nhưng vừa phê bình về phương pháp tổ chức lực lượng và thế trận không đều khắp, chỉ tập trung đánh địch phía sau lưng, xem nhẹ tác chiến vùng ngoại vi, chưa thấy hết vai trò nòng cốt của phong trào chiến tranh du kích ở cơ sở, nghệ thuật tác chiến mang tính chất trận địa, không tạo được thế chủ động đánh địch.

Để phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khuyết điểm mà Đại tướng chỉ ra, nhất là tư tưởng nhận thức sai về phương châm du kích chiến: “Thiếu biện pháp kiên trì vận động cách mạng ở vùng địch hậu, chưa thấy hết vai trò nòng cốt của phong trào chiến tranh du kích ở cơ sở” (2); cấp ủy, chính quyền và chỉ huy các LLVT Đà Nẵng - Hòa Vang đã nhanh chóng củng cố, tổ chức lại lực lượng và thế trận, đẩy mạnh việc phát triển bộ đội địa phương và dân quân, du kích rộng khắp trên các địa bàn, thay đổi phương thức tác chiến từ “phòng ngự trận địa” sang kết hợp giữa “phòng ngự trận địa” và “vận động chiến” liên tục tiến công đánh địch cả phía trước, bên sườn và phía sau, cả bên ngoài vành đai và nội vi thành phố, ngay giữa lòng hậu phương của địch.

Từ đó tạo được thế chủ động tiến công địch trên khắp 3 vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị, liên tục bẻ gãy các đợt càn quét, bức rút hàng loạt đồn bốt, cắt đứt giao thông của đich. Độc đáo hơn, đêm 19-8-1949, ta còn mở đợt tiến công bằng các lực lượng ngót một ngàn người, bất thần đột nhập vào Đà Nẵng, đánh phá các bót gác, đài thiên văn, nhà máy điện, nhà máy nước, sở mật thám và các trụ sở ngụy quân, ngụy quyền. Quân ta đã tung hoành trong thành phố suốt 3 giờ liền, tiến sâu đến tận khu vực bệnh viện Đà Nẵng, loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên địch, trừng trị 200 tên tay sai, bắt 60 tên trong đó có 19 tên lý trưởng, phá hủy nhiều bót gác, nhiều cơ sở vật chất chiến tranh của địch.

Ngoài ra, quân và dân Đà Nẵng - Hòa Vang còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng của trên tham gia chiến đấu và phục vụ các chiến dịch do trên tổ chức lập được những chiến công to lớn mà tiêu biểu là trận đánh giao thông chiến ở khu vực đèo Hải Vân lần thứ 3, ta phá hủy một đầu máy, 12 toa xe, 15 xe cơ giới, giết và làm bị thương trên 800 tên, thu nhiều vũ khí và tổ chức lui quân an toàn, vượt qua vòng vây của địch trong sự đùm bọc, che chở của “thế trận lòng dân”.

Những chiến công liên tục, rộng khắp của lực lượng ta trên chiến trường Đà Nẵng vào những năm 1948-1949 làm cục diện chiến trường có sự thay đổi hẳn từ thế bị động đánh địch chuyển sang thế chủ động tiến công địch khắp nơi. Chiến tranh du kích phát triển rầm rộ, sôi nổi chưa từng thấy. Nơi nơi đánh giặc, người người đánh giặc, đánh giặc bằng mọi cách, bằng mọi thứ có trong tay. Địch sa vào tình thế vô cùng nguy khốn. Đó là kết quả của sự tiếp thu, khắc phục nghiêm túc lời huấn thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của cấp ủy, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng, đồng thời cũng cho thấy tầm vóc và sự sâu sát của một vị Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân.

Đại tá NGUYỄN THANH HOÀNG

Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng


(1) Huấn lệnh về nhiệm vụ chiến lược của miền Nam Trung Bộ khi chiến tranh bước vào giai đoạn mới của Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Tài liệu lưu tại BNCLSĐQĐND, ký hiệu số 134, cặp M.

(2) Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tập 1, Nxb Đà Nẵng 9-1996, trang 206.
 

;
.
.
.
.
.