.

Lễ truy điệu và đưa tiễn Đại tướng về Quảng Bình

.

7h sáng nay lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu với nghi thức đọc điếu văn và tuyên bố mặc niệm do Trưởng ban Lễ tang Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện. Cùng thời gian với Hà Nội, lễ truy điệu cũng được tổ chức ở Quảng Bình, quê hương Đại tướng.

Trước đó 6h50: Tại Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình (TP Đồng Hới), tất cả các đoàn đại biểu đến từ các bộ, ban ngành Trung ương, khu vực miền Trung và tỉnh Quảng Bình…đều đã xếp hàng chuẩn bị sẵn sàng chờ hiệu lệnh và nghi thức từ Nhà tang lễ Quốc gia qua hai màn hình lớn. Xếp hàng đầu tiên là đại biểu lão thành cách mạng, tiếp theo là Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời Điếu tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời Điếu tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

7h14: Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn là một phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng Bí thư khẳng định, tên tuổi và công lao của Đại tướng mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Trong điếu văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên các cương vị khác nhau. Điếu văn nhận định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Vị tướng của nhân dân, mãi mãi nhân dân trong lịch sử”. “Đại tướng có công lao to lớn, có những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”, điếu văn khẳng định. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “tổn thất to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và gia quyến”.

7h15: Thay mặt gia đình phát biểu ngay sau bài điếu văn, con trai cả Đại tướng - ông Võ Điện Biên - với đôi mắt đỏ hoe, nặng trĩu đã chia sẻ những lời cảm ơn với giọng nói nghèn nghẹn. Trước hết, gia đình Đại tướng cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quân đội cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước "đã tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của ba chúng tôi là trở về quê hương". Tiếp đó, ngoài lời cảm ơn dành cho hàng triệu người dân Việt, ông Võ Điện Biên gửi lời cảm ơn riêng đến "quân đội, Bệnh viện Quân y 108, tập thể A11" - nơi đã chăm sóc Đại tướng trong hơn 1.500 ngày nằm viện.

Con trai cả của vị Đại tướng nhấn mạnh: "Trong những phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng Đại tướng trong cuộc trường chinh và cho tới phút cuối cùng". Nói đến đây, ông Điện Biên dừng lại khá lâu vì xúc động, rồi nói tiếp: "Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi, chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng".

7h20: Các đồng chí lãnh đạo đi vòng quanh linh cữu của Đại tướng.

7h23: Đại diện gia đình đỡ phu nhân Đại tướng đi vòng quanh linh cữu, theo sau là thân nhân của Người. Gia quyến của Đại tướng tiễn biệt Người về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Bà quả phụ Đặng Bích Hà cùng các con đi vòng quanh linh cữu chồng lần cuối
Bà quả phụ Đặng Bích Hà cùng các con đi vòng quanh linh cữu chồng lần cuối

7h25: Chuẩn bị di quan Đại tướng ra cỗ linh xa. Cỗ linh xa có phủ Quốc kỳ, gắn đại pháo phía sau.

7h30: 10 sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam khiêng linh cữu Đại tướng ra khỏi Nhà tang lễ quốc gia. Cùng khiêng lĩnh cữu có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiễn linh cữu của Đại tướng ra linh xa.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiễn linh cữu của Đại tướng ra linh xa.

7h33: Linh cữu của Đại tướng được chuyển lên cỗ linh xa. Ngay sau đó, các sĩ quan quân đội đã phủ Quốc kỳ lên linh cữu của Đại tướng. Linh cữu phủ Quốc kỳ được đặt trong lòng kính một cách trang trọng trước sự chứng kiến của gia quyến Đại tướng và các vị lãnh đạo Đảng, chính phủ, quân đội...

Gia quyến cùng các vị lãnh đạo đưa tiễn linh cữu Đại tướng ra Sân bay Nội Bài. Dòng người chậm chậm tiến sau cỗ linh xa.

Các vị lãnh đạo cấp cao đi theo sau cỗ linh xa chở linh cữu Đại tướng
Các vị lãnh đạo cấp cao đi theo sau cỗ linh xa chở linh cữu Đại tướng

7 giờ 42: Cỗ linh xa chở linh cữu Đại tướng đã chầm chậm đi qua khỏi cổng Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Bên ngoài đường, hàng vạn đồng bào chiến sĩ đang đứng chờ hai bên đường.

Từng tốp người chờ đợi hai bên Nhà hát Lớn đứng ngồi không yên. Chốc chốc, họ lại ào dậy khi có ai đó thốt lên: "Xe Đại tướng đến rồi kìa". Trên từng gương mặt từ cụ già đến các em thơ, ai cũng hồi hộp chờ mong giây phút được nhìn thấy Đại tướng lần cuối trước khi Người trở về đất mẹ. Khi đoàn xe đến, không ai bảo ai, hai bên đường, mọi người đều đồng loạt đứng dậy, tay cầm hoa, tay lau nước mắt. Hai chị em Phương Linh đến từ trường tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn và tiểu học Nguyễn Du ôm nhau nghẹn ngào. Từ khi Đại tướng mất, mỗi khi nhắc đến tên cụ, Linh lại nức nở không cầm được lòng.

Đoàn xe khi đi qua Cột cờ Hà Nội.
Đoàn xe khi đi qua Cột cờ Hà Nội.

Khoảng 8h15, linh cữu Đại tướng bắt đầu được di chuyển khỏi nhà tang lễ để đến sân bay Nội Bài. Một đội gồm một sĩ quan và 12 chiến sĩ chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe. Trưởng ban, Phó trưởng ban Lễ tang Nhà nước cùng khiêng phía đầu linh cữu. Gia đình và các thành viên khác đi sau. Đi phía trước linh cữu là nhóm các sĩ quan làm các nhiệm vụ như rước di ảnh, gối huân chương và cờ.

Sau khi qua các tuyến phố lớn của Hà Nội, đoàn xe dừng lại trước nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Xe tiêu binh rước di ảnh ông vào nhà, theo sau là gia quyến. Các thành viên của gia đình thực hiện một số nghi lễ tâm linh trước khi đưa Đại tướng tiếp tục hành trình cuối cùng của mình. Trong khi đó, hàng trăm người dân quỳ trên đường Hoàng Diệu khóc nức nở. Một nhóm Phật tử tụng kinh niệm Phật. Trước đó, khi nghe tin đoàn xe sắp về, người dân trên đường Hoàng Diệu đồng loạt đứng dậy, sẵn sàng tâm thế chờ đón ông

Người dân bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người dân bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Linh cữu Đại tướng sau đó rời 30 Hoàng Diệu, tiếp tục lộ trình dưới sự hộ tống của xe cảnh sát, quân đội lên Nội Bài để bay tới Đồng Hới (Quảng Bình). 2 chuyên cơ được Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chuẩn bị phục vụ tang lễ, trong đó chiếc ATR72 chở linh cữu mang số hiệu VN103 phỏng theo tuổi của Đại tướng , còn chiếc A321 chở theo 184 khách đi cùng mang số hiệu VN1911, lấy theo năm sinh của Người.

Đoàn xe rước linh cữu Đại tướng di chuyển qua ngã tư Hàng Khay - Tràng Thi - Bà Triệu - Lý Thái Tổ
Đoàn xe rước linh cữu Đại tướng di chuyển qua ngã tư Hàng Khay - Tràng Thi - Bà Triệu - Lý Thái Tổ
Thanh niên tình nguyện và người dân chờ đợi ở nhà riêng Đại tướng
Thanh niên tình nguyện và người dân chờ đợi ở nhà riêng Đại tướng

Gần 10h, cỗ linh xa và đoàn tiêu binh sau khi đi một vòng quanh sân bay đã tiến sát chiếc ATR72, chuyên cơ đảm nhận trọng trách chở linh cữu. Phi hành đoàn sẵn sàng đưa ông về với đất mẹ Quảng Bình.

Trước đó vài phút, năm xe con dẫn đầu và sáu chiếc xe chở tiêu binh đưa linh cữu từ từ tiến vào sân bay. Theo sau là một đoàn xe chở vòng hoa hộ tống linh cữu vào sân bay. Linh xa đi giữa các hàng rào lực lượng an ninh nghiêm cẩn. Sau những giai điệu quân nhạc hùng tráng, đội nghi thức dỡ mặt kính phía trên quan tài. Bốn chiến sĩ đứng bên quan tài chuẩn bị nghi thức chào cờ và nâng quan tài Đại tướng lên máy bay. Ra tận sân bay có Tổng Bí thư và các thành viên Ban lễ tang Nhà nước cùng gia quyến Đại tướng.

Trước giờ máy bay cất cánh, các quân binh chủng xếp hàng ngay trước máy bay chào Đại tướng lần cuối. Các quan chức Nhà nước chuẩn bị lên chuyên cơ A321 mã hiệu 1911 để đi cùng đoàn về Quảng Bình. Còn đi cùng Đại tướng trên chuyến bay ATR có khoảng 40 người, gồm gia quyến, các vị tướng túc trực cạnh linh cữu và tiêu binh.

Đúng 10 giờ 30 phút, chiếc máy bay ATR 72 mang số hiệu VN1911 đã cất cánh rời Hà Nội, chở theo linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đưa người về với đất mẹ Quảng Bình. Những người có mặt ở sân bay hay theo dõi qua màn hình của VOV Giao thông đã không ngăn nổi những dòng nước mắt tuôn rơi, tiễn biệt vị Đại tướng của Nhân dân, người dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước.

 

Từ 10 giờ 30 sáng 13-10, hàng chục vạn người dân đổ về các tuyến đường dẫn vào Sân bay Đồng Hới để tận mắt nhìn thấy Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình.

Dường như tất cả những người dân thành phố Đồng Hới đã đóng cửa, tạm ngừng mọi hoạt động thường ngày để đi tiễn biệt người anh hùng dân tộc, thiên tài của nhân loại. Những dòng người đông đúc trên tuyến đường Lý Thánh Tông. Ô tô, xe máy nối đuôi nhau không ngớt lẫn trong dòng người đi bộ tạo nên một khung cảnh hết sức thiêng liêng, cảm động dành. Mặc dù trời nắng nhưng nhiều người dân đã chuẩn bị nước uống, dù che mát để được đứng lâu hơn bên Đại tướng.

Ông Hà Thúc Đức, người dân sống trên đường Quang Trung tâm sự: "Bằng mọi giá, chúng tôi phải đi viếng Đại tướng. Đại tướng xứng đáng để cả dân tộc nghiêng mình khóc thương".

11 giờ 55: Chuyên cơ VN1911 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Đồng Hới.

Di hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp đc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội rước tới linh xa chuẩn bị về nơi an nghỉ cuối cùng ở Vũng Chùa.
Di hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội rước tới linh xa chuẩn bị về nơi an nghỉ cuối cùng ở Vũng Chùa
Dòng người vẫn tiếp tục tiến về nơi an táng Đại tướng.
Dòng người vẫn tiếp tục tiến về nơi an táng Đại tướng ở Vũng Chùa - đảo Yến

Lúc 12h45 phút, đoàn xe bắt đầu rời sân bay Đồng Hới hướng ra Quốc lộ 1A để tới Vũng Chùa. Dẫn đầu đoàn hộ tống linh cữu là xe công vụ mở đường, sau đó đến đội cảnh sát giao thông, các xe tiêu binh. Xe kéo pháo chở linh cữu Đại tướng đi giữa đoàn.

Đoàn xe vừa ra khỏi sân bay. Hàng chục nghìn người đổ ra đường, thậm chí leo lên cây hay các tòa nhà cao tầng với mong muốn nhìn thấy linh cữu. Nhiều cha mẹ mang theo các em bé đi cùng. Họ hướng về đoàn linh xa với ánh nhìn khắc khoải. 

Đoàn tang lễ theo hướng Quốc lộ về thẳng Vũng Chùa với tổng lộ trình khoảng 60 km. Hàng nghìn người dân kêu khóc chạy theo đoàn xe đang chầm chậm diễu qua phố với tốc độ 30 km một giờ.

Mặc dù có lực lương thanh niên tình nguyện và an ninh dẹp đường, nhưng dân đổ ra quá đông, đường bị tắc khiến đoàn linh xa chỉ có thể di chuyển rất chậm.

Linh cữu Đại tướng vừa được hộ tống ra khỏi TP Đồng Hới hướng về Vũng Chùa, người dân xúc động tiễn đưa.
Linh cữu Đại tướng vừa được hộ tống ra khỏi TP Đồng Hới hướng về Vũng Chùa, người dân xúc động tiễn đưa.

13h45, đoàn xe hộ tống linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngang qua cầu Lý Hòa và còn hơn nửa chặng đường để tới Vũng Chùa, nơi an nghỉ cuối cùng theo di nguyện của ông. Lưu thông rất khó khăn khi người dân dồn về vây quanh linh xa.

Cầu Lý Hòa nằm ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cách Vũng Chùa - Đảo Yến chừng 40 km. Đoàn tang lễ di chuyển chậm hơn dự kiến bởi liên tục bị tắc nghẽn giữa hàng trăm nghìn người dân chỉ chực nhoài tới linh cữu Đại tướng. Những người không thể đến gần linh xa cũng nhanh chóng leo lên các ngọn cây ven đường với mong muốn nhìn người anh hùng của quê hương mình lần cuối.

Khi linh cữu Đại tướng đi qua, nhiều người đang đón đã giơ tay chào theo nghi thức quân đội. Những người có mang theo di ảnh thì cố nhoài người tới gần linh cữu hơn nữa, giơ cao ảnh và hô to "Đại tướng, Đại tướng". 

Lễ an táng sẽ diễn ra lúc 16h cùng ngày, Đại tướng an nghỉ tại Vũng Chùa - đảo Yến (Quảng Bình) theo di nguyện của ông và nguyện vọng của gia đình. Tại đây, sau nghi lễ hạ huyệt và lấp mộ, Ban lễ tang sẽ dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ”. Toàn bộ lễ an táng kết thúc vào hồi 17h.

Hàng triệu người tự cài lấy băng tang

Ôi! Vẫn biết phút giây này sẽ đến
Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời
Vị tướng tài bao triệu người quý mến
Trái tim Người ngừng đập... Việt Nam ơi!
 
Tin buồn đưa giữa chiều tối đất trời
Tin buồn đưa đến muôn nơi trái đất
Tin buồn đưa ngỡ chưa là sự thật
Vị tướng tài! Nay đã mất rồi sao?
 
Từng hàng tre ngỡ như cũng lao xao
Từng trái tim thấy nghẹn ngào thương tiếc
Bữa cơm tối từng nhà dừng ăn tiếp
Cháu ngây thơ ngơ ngác biết chuyện gì?
 
Vẫn hiểu rằng vòng tử biệt sinh ly
Chẳng ai thoát, chẳng có gì níu được
Đời nhân hậu mấy ai so sánh được
Thế kỷ đời điều mong ước nhân gian!
 

Khu rừng xưa nghe vọng tiếng suối ngàn
Tên anh Văn vẫn vọng vang bờ cõi
Quân lệnh đầu tiên rõ từng tiếng nói
Phai Khắt, Nà Ngần chói lọi sử xưa...
 
Đờ Cát gục đầu, hai cánh tay đưa
Từ dưới hầm lên vẫn chưa hiểu nổi
Là tướng phương Tây không ngờ phút cuối
Thành hàng binh cúi đầu dưới sao vàng
 
Cầu Hiền Lương chia cắt Bắc Nam
Cuộc chiến mới với vô vàn gian khó
Lời Bác Hồ trong tim ai khắc rõ
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"
 
Pháo đài bay? Ta thiêu chúng ra tro!
Vua chiến trường? Ta đập bò ra hết!
Xẻ Trường Sơn! Bao đoàn quân mải miết...
Vị tướng tài thêm anh kiệt vô song.
 
Nhật lệnh tuyệt vời, dân tộc chờ mong
Thần tốc nữa lên! Vang trong quân ngũ!
Táo bạo nữa lên! Từng giây tranh thủ...
Giải phóng miền Nam! Một nửa cõi bờ...
 
Khúc khải hoàn rộn rã nhạc và thơ
Quốc kỳ tung bay ước mơ đã thỏa
Vị tướng tài thấy nỗi niềm sao lạ
Trong ngày vui như thấy có Bác về...
 
Tóc bạc một đời binh nghiệp say mê
Tạm quên chiến trường quay về cuộc sống
Đảng giao việc gì không hề nao núng
Dù có tạm quên gươm súng, sa bàn...
 
Nụ cười vẫn hiền, tình vẫn chứa chan
Tuổi tác càng cao lại càng đức độ
Bên người lính xưa chia từng cảnh ngộ
Giữa những gian nan vẫn tỏ tim hồng
 
Ôi! Vị tướng tài rạng rỡ núi sông
Sử vàng mãi ghi chiến công lừng lẫy
Lễ tang Người... có thể không đến đấy...
Hàng triệu người... tự cài lấy băng tang...

LÊ THỐNG NHẤT

(Nguồn: Tinmoi.vn)

ĐNĐT tổng hợp

;
.
.
.
.
.