(ĐNĐT) - Đó là con số thống kê về tình hình thiệt hại ban đầu mà các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng đưa ra tại cuộc họp ở Đà Nẵng trưa ngày 16-10, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Trong đó, tổng thiệt hại ban đầu của Đà Nẵng ước tính khoảng 870 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam, khoảng 500 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ngãi trên 65 tỷ đồng và tỉnh Thừa Thiên Huế 75 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình sạt lở đoạn kè biển trên tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa (Đà Nẵng). |
Theo ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cơn bão Nari (bão số 11) đổ bộ vào địa bàn với cường độ mạnh hơn bão số 10, tương đương bão Xangsane hồi năm 2006. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị tích cực, với phương châm phòng là chính, cùng với việc phân công trực tiếp lãnh đạo xuống từng địa phương để chỉ đạo, Đà Nẵng đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, đặc biệt là không có người chết do bão.
Ngay sau khi bão tan, Đà Nẵng đã lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 11, giao cho các ban, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt đảm bảo đủ lương thực, nhà ở cho người dân. Các tuyến giao thông đã cơ bản thông suốt từ chiều ngày 15-10. Số cây xanh bị gãy, đổ (khoảng 60-70% tổng số cây xanh trên địa bàn) đang được ngành chức năng tập trung dựng lại.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp Đà Nẵng khoảng 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão. Đồng thời kiến nghị lên Chính phủ xem xét việc đầu tư mở rộng, nâng cấp Âu thuyền Thọ Quang vì hiện nay đang quá tải tàu thuyền neo đậu khi cần trú mưa bão.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương lãnh đạo các tỉnh, thành trong công tác phòng, chống bão vì đã chỉ đạo cương quyết và có phương án chủ động di dời dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn, làm tốt công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, trước mắt cần tập trung khắc phục hậu quả sau bão, không để người dân không có chỗ ở, thiếu ăn, thiếu mặc; cung cấp đủ lương thực, thuốc men… phục vụ người dân. Đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau bão lũ. Huy động tối đa lực lượng Công an, Quân đội, Đoàn Thanh niên… ra quân dọn dẹp sau bão, trong đó ưu tiên các địa điểm trường học, trạm y tế… Các địa phương động viên người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão lũ để ổn định sản xuất, đời sống.
Về kiến nghị của các địa phương, trong đó chủ yếu là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông, công trình kè đê, kè biển…, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ để xem xét và có hướng ưu tiên cho các công trình này.
Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn kiểm tra của các Bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục sau bão số 11 tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng đã kiểm tra tình hình sạt lở đoạn kè biển trên tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa (Đà Nẵng), tới thăm hỏi và tặng quà cho một hộ dân ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị sập nhà hoàn toàn và kiểm tra công tác khắc phục tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng) do bị thiệt hại nặng do bão. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần nhanh chóng dọn dẹp và đảm bảo cơ sở vật chất của trường để học sinh sớm tiếp tục trở lại trường.
Đắc Mạnh