.

Mưa gió vần vũ, Đà Nẵng gồng mình chống bão trong đêm

.

(ĐNĐT) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương đối phó cơn bão số 11, tính đến 21 giờ ngày 14-10, đường đi của bão số 11 vẫn diễn tiến khó lường với sức gió ngoài khơi cấp 13-14, giật cấp 15-16. Dự báo khoảng từ 2 - 4 giờ ngày 15-10, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, vị trí tâm bão nhiều khả năng là vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì lúc 21 giờ ngày 14-10 nhằm đối phó với cơn bão số 11.

Xe tăng thiết giáp phục vụ chống bão
Xe tăng thiết giáp phục vụ chống bão

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết đến thời điểm 21 giờ ngày 14-10, Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành việc di dời tàu, thuyền vào nơi trú đậu an toàn. Qua kiểm tra thực tế, còn nhiều người dân ở gần các địa điểm nguy hiểm như: vùng có nguy cơ sạt lở, đập hồ nước; các công trình đang xây dựng có trụ tháp cao; các trạm phát sóng điện thoại di động… với số nhân khẩu trong diện di dời có thể tăng lên khoảng từ 4.000 - 5.000 dân so với số lượng khoảng 55.000 người như ban đầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ yêu cầu các địa phương ngay trong đên nay phải tiến hành tổng rà soát lại những trường hợp hộ dân ở gần công trình xây dựng có trụ tháp cao như: khu vực ngã tư Yên Báy - Trần Quốc Toản; khu vực gần công trình Trung tâm Hành chính thành phố… và có phương án di dời đến nơi an toàn.

Tại các khu vực tránh bão như Âu thuyền Thọ  Quang, vịnh Mân Quang…, lực lượng chức năng cần phải sử dụng loa phát thanh yêu cầu những ngư dân còn ở trên tàu ngay lập tức rời khỏi tàu đến nơi an toàn. Các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên tăng cường phát sóng các bản tin về cơn bão số 11 để người dân biết và chủ động đối phó.

Kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban PCLB Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo lực lượng, địa phương tiếp tục rà soát những địa điểm không an toàn và có phương án sơ tán người dân tới nơi an toàn.

Đặc biệt, cần có phương án đảm bảo an toàn cho hơn 46.000 công nhân, sinh viên hiện đang học tập, làm việc, tạm trú trên địa bàn quận Liên Chiểu vì đa phần những người này ở trọ trong những ngôi nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát giao thông, trong đó yêu cầu lực lượng Công an Đà Nẵng tổ chức lực lượng giám sát tại các địa điểm nguy hiểm trên tuyến QL1A, phải đặc biệt kiên quyết cấm ô tô khách lưu thông để đảm bảo an toàn cho người dân. Thường xuyên liên hệ với Ban chỉ đạo tiền phương để cung cấp thông tin, tình hình. Nếu có vướng mắc vượt quá khả năng thì nhanh chóng báo cáo để có phương án trợ giúp kịp thời.

Mưa to, gió giật mạnh

21 giờ, trên địa bàn Đà Nẵng, gió mạnh dần lên, mưa to từng hồi. 22 giờ 30, cả thành phố Đà Nẵng bị mất điện. Trước đó, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết nếu bão đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng thì sẽ cắt điện toàn thành phố. Nếu không thì sẽ tính toán cắt điện từng địa phương.

Suốt từ tối đến nửa đêm, gió và mưa lớn tiếp tục vần vũ ở Đà Nẵng, quật ngã nhiều biển hiệu, cây xanh. Sóng sông Hàn dâng cao, liên tiếp đập vào bờ. Đến 1 giờ sáng ngày 15-10, gió bão vẫn gào thét. Nhiều bạn trẻ chia sẻ trên trang mạng xã hội facebook, vào thời điểm này ở các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà, đã có nhà tốc mái, vỡ kính, cây cối nhiều nơi bị gãy, đổ. Một số địa bàn đã có điện trở lại nhưng số khác vẫn chưa có.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh 31m/s (cấp 11); đảo Bạch Long Vĩ gió giật mạnh 18m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh 20m/s (cấp 8); đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8); ở Ba Đồn (Quảng Bình) và TP Đà Nẵng đã có gió giật mạnh 17m/s (cấp 7); ở Thuận An (Thừa Thiên Huế) có gió giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; một số nơi có lượng mưa lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 244.4mm, Nam Đông (Huế) 88.5mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 67mm, Đà Nẵng 61mm…

Hồi 22 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. 

Bão đang gây mưa to ở Đà Nẵng
Bão đang gây mưa to ở Đà Nẵng

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 16-10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã chỉ đạo khẩn trương di dời dân khi đến thị sát, kiểm tra các điểm xung yếu, có thể bị thiệt hại nặng do bão số 11 (bão Nari) gây ra trên địa bàn quận Liên Chiểu, chiều 14-10.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ nghe lãnh đạo quận Liên Chiểu báo cáo phương án di lời 40 hộ dân khu nhà liền kề
Bí thư Thành ủy Trần Thọ nghe lãnh đạo quận Liên Chiểu báo cáo phương án di dời 40 hộ dân khu nhà liền kề

Kiểm tra công tác di dời dân Làng Vân sống tại khu nhà liền kề (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), Bí thư Thành ủy Trần Thọ đề nghị lãnh đạo quận Liên Chiểu huy động mọi lực lượng, tiến hành di chuyển ngay các hộ dân đến nơi an toàn. Bởi, đây là khu vực dự báo sẽ chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng khi bão đổ bộ trong đêm nay và sáng sớm mai 15-10.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết, các phương án di dời đã được quận phối hợp với phường chủ động triển khai. Đến 17 giờ chiều nay, tất cả người dân sẽ được di dời về trường học gần khu nhà liền kề. “Chúng tôi đã bố trí mì tôm, nước uống và chuẩn bị đèn cầy nếu xảy ra cúp điện. Lực lượng làm công tác phòng, chống lụt bão cấp quận và phường sẽ túc trực để báo cáo nhanh tình hình, chủ động xử lý trong trường hợp bão đổ bộ vào”, ông Dương Thành Thị khẳng định.

Người dân một số tổ của phường Hòa Hiệp Bắc đã đến ở tại nhà chống bão.
Người dân một số tổ của phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã đến ở tại nhà chống bão.

Tại khu vực nhà chống bão thuộc tổ 45, phường Hòa Hiệp Bắc, Bí thư Thành ủy Trần Thọ ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương vì đã phối hợp rất tích cực với các đơn vị quân đội của Quân khu 5 triển khai di dời hầu hết người dân ở các vùng xung yếu. Tuy vậy, ngay thời điểm này, vẫn còn một số hộ chưa đến ở tại nhà chống bão. Do vậy, địa phương đang tích cực vận động, nếu không chịu di dời sẽ có phương án cưỡng chế để người dân đến nơi an toàn.

Hiện tại, hàng chục khu nhà trọ sinh viên và công nhân thuê không bảo đảm an toàn khi xảy ra bão lớn trên địa bàn quận cũng được UBND quận Liên Chiểu triển khai phương án di dời đến nhà chủ nhà trọ, các trường học và UBND các phường để bảo đảm an toàn tính mạng.

Trước đó, cuối buổi sáng 14-10, Bí thư Thành ủy Trần Thọ và Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Phùng Tấn Viết đã đến thị sát, kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bão tại quận Sơn Trà. Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý lãnh đạo địa phương phải bảo đảm các phương án bảo vệ tính mạng và tàu thuyền, tài sản khác của người dân cũng như các đơn vị, cơ quan, công xưởng trên địa bàn.

Tàu thuyền được đưa lên đường Hoàng Sa - phường Thọ Quang (quận Sơn Trà)
Tàu thuyền được người dân đưa lên khu vực ven đường Hoàng Sa - phường Thọ Quang (quận Sơn Trà)

Đến chiều ngày 14-10, UBND quận Sơn Trà đã yêu cầu hơn 1.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu của 4 phường: Phước Mỹ, Thọ Quang, Nại Hiên Đông và Mân Thái di dời tới những địa điểm trú tránh an toàn như các trường học, trụ sở cơ quan... Tất cả các ngư dân đều đã bị cấm ở lại trên tàu.

Bên cạnh lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ, Công an quận Sơn Trà cũng đã thành lập 4 tổ (mỗi tổ 10  cán bộ, chiến sĩ) tới túc trực thường xuyên tại các địa điểm của 4 phường trên để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân.

Do trời mưa quá lớn và gió thổi mạnh từ hướng biển nên đoạn đường Bạch Đằng (phía trước khách sạn Novotel) có gió xoáy. Nhiều phương tiện xe máy của người dân qua đây bị đổ nên lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Đà Nẵng đã phải đứng trực để hướng dẫn cho người dân đi vào các tuyến đường trong nội thành để tránh nguy hiểm.

Ngoài địa điểm này, gió xoáy cũng có nguy cơ gây nguy hiểm cho người đi đường tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu (khu vực trước tòa nhà khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng) và khu vực gần cầu Trần Thị Lý. Lực lượng CSGT đứng trực tại 2 nơi này để hướng dẫn cho người dân lưu thông an toàn. Hiện giao thông qua cầu Thuận Phước cũng đã bị cấm.

CSGT ngăn
CSGT túc trực trên đường Bạch Đằng

UBND quận Hải Châu cho biết, hiện 13 phường đã tổ chức trực 24/24 để đối phó khi bão đổ bộ. Công tác di dời các hộ có nhà ở không kiên cố đã thực hiện hoàn tất. Các hộ có các trạm BTS có khả năng ngã đổ trong khi bão xảy ra cũng được gia cố, chằng chống cẩn thận.

Các tàu thuyền trên địa bàn quận đến chiều nay cũng đã di dời vào nơi quy định theo yêu cầu của UBND thành phố.

Cũng trong chiều 14-10, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, 1.856 hộ có nguy cơ ảnh hưởng nặng do bão cần phải di dời. Ngoài ra, có 161 hộ cần di dời vì nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở; 3.900 hộ dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng do lũ sau bão. Những nơi sẽ chịu thiệt hại nặng nhất nếu bão đổ bộ là các xã: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc.

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (Hòa Vang) cho hay, xã đã triển khai vận động người dân chằng chống nhà cửa từ chiều hôm qua. Đồng thời, xã cũng đã phân 10 tổ đi 10 thôn kiểm tra và giúp dân. Ngoài ra, lực lượng dân phòng cơ động và dân quân tự vệ cũng được cử tới giúp di dời, sơ tán dân. Hiện xã có 44 hộ với khoảng 123 nhân khẩu phải di dời tới trường học, nhà thờ để đảm bảo an toàn.

Đến tối 14-10, trên địa bàn Đà Nẵng gió giật mạnh, mưa to nhiều nơi. Đường phố hầu như vắng bóng người qua lại. Nhà nhà nơm nớp lo đón bão...

Công ty Điện lực Đà Nẵng chiều 14-10 cho biết, đã triển khai 3 đoàn kiểm tra thực tế hiện trường lưới điện cũng như công tác chuẩn bị ứng phó với bão của 5 Điện lực, Đội QLVH 110kV, Xí nghiệp Điện - Cơ và Đội Thí nghiệm - đo lường.

Qua kiểm tra, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của BCH PCLB của công ty; phân công nhân lực trực điện thoại 24/24 để kịp thời nắm bắt các thông tin; nắm số điện thoại của các Ban chỉ huy PCLB địa phương… Đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra hiện trường tại các vị trí xung yếu, dễ ngập cục bộ như khu vực ga Hải Vân, các điểm dễ ngập lụt… Theo đó, yêu cầu các đơn vị nhanh chóng triển khai làm việc với khách hàng, chính quyền địa phương, chủ động, sẵn sàng phối hợp trước, trong và sau bão.

Việt Dũng - Đắc Mạnh - Thành Lân - Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.