Hôm nay (16-10), ông Phạm Kiều Đa (SN 1947 - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng), nguyên Quận đội phó quận Nhất, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ Cánh Đông Đà Nẵng, vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng LLVTND Phạm Kiều Đa Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Để có được vinh dự lớn lao ấy, gần 50 năm qua, ông lao động, chiến đấu và cống hiến hết mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong thời bình.
Anh hùng trong chiến đấu
Sinh ra khi cả đất nước đứng lên chống giặc ngoại xâm, sớm giác ngộ cách mạng, mới 16 tuổi, Phạm Kiều Đa tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh chống đế quốc Mỹ ở Đà Nẵng và được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội tuyên truyền xung phong của thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Trung Trung Bộ. Lợi dụng thế hợp pháp là học sinh, ông cùng anh em chỉ huy trong đội bí mật tuyên truyền về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, về chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lên án chế độ thực dân mới xâm lược của Mỹ-ngụy cho các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh ở Đà Nẵng. Nhiều hình thức đấu tranh như treo cờ, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, bãi khóa, đốt hình nộm đại sứ Mỹ... đã làm đối phương hoang mang.
Tháng 6-1965, ông Phạm Kiều Đa gia nhập lực lượng vũ trang, lúc đầu làm cán bộ Phòng Hậu cần (thuộc Thành Đội Đà Nẵng), sau làm cán bộ Phòng Hậu cần (thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà). Ông cùng cán bộ, nhân viên Hậu cần thành phố và 70C Mặt trận 4 tổ chức lực lượng nhận lĩnh, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang quân dụng, từ trong các vùng dân cư và căn cứ miền núi đưa về cất giấu, bảo quản, phục vụ kịp thời cho các đơn vị của thành phố và Mặt trận 4 Quảng Đà tổ chức nhiều trận đánh ở nội thành, ngoại thành.
Đến đầu năm 1970, do yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều động về phường Hòa Xuân để xây dựng “lõm chính trị”, tạo căn cứ phát triển lực lượng biệt động cánh Đông - Đà Nẵng. Ông cho biết, đây là địa bàn được địch phòng ngự kiên cố, cẩn mật, có đồn Cồn Dầu khét tiếng, là vị trí trọng yếu, cửa ngõ phía Nam thành phố. Tại đây, ông kiên trì vận động nhân dân trên 50 gia đình tin tưởng và một lòng theo cách mạng, hơn 30 gia đình có hầm bí mật.
Từ căn cứ “lõm chính trị”, ông xây dựng, phát triển lực lượng biệt động thành có chất lượng chiến đấu cao, gan dạ, mưu trí, táo bạo đánh địch liên tục trong thành phố, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã phát triển và xây dựng được hơn 100 chiến sĩ biệt động, tổ chức thành 6 đội. Ngoài ra, ông phát triển 9 tổ biệt động độc lập, 12 biệt động đơn tuyến, nội tuyến, đồng thời xây dựng được một “lõm chính trị” vững chắc, một bàn đạp nằm ngay trên yết hầu của địch, gắn kết bền chặt với nhân dân, quần lộn với địch, phối hợp đấu tranh chính trị, binh vận…
Dưới sự chỉ huy của ông, biệt động cánh Đông đã tổ chức đánh địch 170 trận lớn, nhỏ, diệt 1.100 tên địch (trong đó có 117 tên Mỹ và chư hầu, phá hủy 1 xe M118, 6 máy bay, 4 tàu thủy, ca-nô và nhiều phương tiện chiến tranh khác, xóa nhiều đồn bốt cảnh sát, Hội đồng khu phố...
Từ năm 1970-1975, trên cương vị Quận đội phó quận Nhất, Đà Nẵng, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng, ông Phạm Kiều Đa chỉ huy và trực tiếp đánh nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần giải phóng thành phố Đà Nẵng vào tháng 3-1975. Điển hình phải kể đến trận đánh bằng tên lửa vào Sân bay Đà Nẵng rạng sáng 3-3-1972. Với trận đánh này, ông cùng chỉ huy Trung đoàn 577 sử dụng một phân đội đã phá hủy một bộ phận đường băng sân bay, 11 máy bay, 1 kho vũ khí…, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, hay như trận đánh vào kho bom Sân bay Đà Nẵng khuya 29-11-1974.
Thành tích này nhờ sự chỉ huy tài tình của ông, đó chính là động viên, xây dựng quyết tâm, giao nhiệm vụ, tổ chức nhiều lần huấn luyện tại trận địa kho bom, bồi dưỡng kỹ chiến thuật, trực tiếp chọn điểm đặt, cách sử dụng vũ khí. Trận đánh đã làm kho bom nổ liên tục trong mấy ngày liền, loại khỏi vòng chiến đấu 35 tên địch, phá hủy hơn 2 vạn quả bom và rocket, phá hủy một máy bay CH47, làm hỏng nặng đường băng, sân bay tê liệt hoàn toàn. Trận đánh oanh liệt này đã phá tan âm mưu dùng máy bay đánh phá chi viện của quân địch đang bị bao vây ở mặt trận Thượng Đức, đồng thời chi viện có hiệu quả chiến trường Thượng Đức của ta, gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới.
Những tháng đầu năm 1975, ông Phạm Kiều Đa chỉ huy lực lượng biệt động tự vệ cánh Đông tổ chức nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình như diệt Đảng bộ quận Nhất Quốc dân Đảng; đánh đồn cảnh sát Hoàng Diệu; đánh sập bar Dragon (Rồng Vàng) ở đường Lê Lợi, diệt 35 tên Mỹ và chư hầu; đánh vào Ty Gia Long và các cơ quan đầu não của địch...
Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng Xuân 1975, ông Phạm Kiều Đa được Tiền phương Đặc Khu ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, Trưởng Ban Quân sự thành phố giao nhiệm vụ chỉ huy biệt động thọc sâu đánh chiếm các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy ở Đà Nẵng gồm: Tòa Thị chính, Quân vụ thị trấn, Đài Phát thanh và Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy. Trong đó, ông chịu trách nhiệm chỉ huy chung và trực tiếp chỉ huy mũi đánh chiếm Tòa Thị chính.
Ông kể, sáng 29-3-1975, ông cùng các đồng chí Nguyễn Đình Tịnh, Trần Phú, Kiều Hoàng cải trang, với vũ khí gọn nhẹ, sử dụng 2 xe Honda từ Hòa Xuân cơ động vượt qua cầu Đỏ tiến thẳng vào chiếm lĩnh Tòa Thị chính, xé cờ ba que, ảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; sau đó chỉ huy lực lượng lùng soát, canh gác và tổ chức treo cờ giải phóng trên nóc nhà Tòa thị chính vào khoảng 11 giờ 30...
Sau giải phóng, ông Phạm Kiều Đa được giao nhiệm vụ chỉ huy phá gỡ bom mìn ở khu vực phía Đông Nam Sân bay Đà Nẵng và phía Tây sông Hàn (nay là Tây cầu Tiên Sơn). “Đây là bãi mìn cố định, quy mô, hiện đại chống cả xe tăng và bộ binh, rất nguy hiểm. Nhưng phát huy tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, vì độc lập-tự do của Tổ quốc, với tinh thần trách nhiệm cao, sau một năm, tôi cùng đơn vị đã tổ chức giải phóng gần 3km chiều dài và chiều rộng dọc tuyến chừng 200m, thu hơn 3 vạn bom mìn các loại, tháo gỡ toàn bộ bờ rào thép gai, bàn giao vùng đất an toàn cho thành phố”, Anh hùng Phạm Kiều Đa tâm sự.
Chăm lo cho đồng đội
Từ khi còn giữ các cương vị quan trọng tại thành phố Đà Nẵng (cũ) cũng như hiện nay, ông Phạm Kiều Đa luôn nghĩ đến những người đã từng kề vai sát cánh mình chiến đấu để giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ông chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ biệt động tự vệ cánh Đông thời đó có 800 người. Sau khi giải phóng, có khoảng 100 đồng chí hy sinh, một số bị địch bắt tra tấn, tù đày. Sau khi trở về địa phương, đa số anh chị em đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó phần đông không có chế độ gì”.
Cảm thương trước những hoàn cảnh khó khăn đó, ông Đa “xắn tay áo” đi vận động thành lập “quỹ đồng đội” của Ban liên lạc truyền thống biệt động thành để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi đến từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, cảm thấy thương lắm. Những người lính biệt động tự vệ cánh Đông ngày xưa anh dũng lắm nhưng nay về sống cuộc đời rất đạm bạc”, ông Đa nói.
Đến bây giờ, ông Phạm Kiều Đa không nhớ hết đã đến thăm, giúp đỡ, hỗ trợ bao nhiêu trường hợp từng kề vai sát cánh chiến đấu với mình. Có những trường hợp ông cùng Ban liên lạc đến thăm đau ốm, viếng ma chay, có những trường hợp hỗ trợ tiền, xây dựng nhà tình nghĩa. Đối với con cái của họ chưa có việc làm, ông đã tìm đến các doanh nghiệp để xin việc làm giúp. “Cách đây không lâu, tôi đến thăm một chị giao liên cũ tên Thanh, quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Chị Thanh ngày xưa làm giao liên khéo lắm, giữa bao vòng vây của địch, chị vẫn vượt qua để đưa tin tức. Nhưng bao năm trở lại, tôi thấy hoàn cảnh của chị thật đáng thương. Tôi vận động những cán bộ biệt động cũ có hoàn cảnh khá giả hơn, đồng thời đi vận động từ các nhà hảo tâm để xây cho chị một căn nhà tình nghĩa khá kiên cố. Nhận căn nhà mới, chị Thanh vui mừng, khiến tôi cũng ấm lòng”, ông Đa tâm sự.
Tiếp theo đó, ông cùng Ban liên lạc xây cho một chị giao liên thuộc cấp trong chiến tranh là bà Bình ở Hòa Xuân - quê hương nơi ông sinh ra. Nhà bà Bình cũng khó khăn, bà thường đau ốm, công việc không ổn định, Khi được ông Đa vận động và hỗ trợ căn nhà tình nghĩa, bà vui mừng không kể xiết. Đến bây giờ, ông đã vận động, xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa cho thuộc cấp của mình.
Ngoài ra, ông Phạm Kiều Đa còn làm nhiều việc nghĩa khác như tiến hành khởi công khu tưởng niệm Chín Chủ (xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông cho biết, khu này hiện có 17 liệt sĩ, 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Đây là nơi huấn luyện của Biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng ngày trước. Trong những cuộc chiến đấu ác liệt với địch, đã có 40 đồng chí hy sinh anh dũng”, ông Đa nhớ lại.
Để tưởng nhớ, biết ơn những đóng góp của người dân nơi đây cũng như sự hy sinh mất mát của các chiến sĩ biệt động tự vệ cánh Đông, ông quyết định cùng Ban liên lạc tiến hành xây dựng khu tưởng niệm. “Kinh phí xây dựng khoảng 50 triệu đồng, chúng tôi đã huy động được 40 triệu đồng, với quyết tâm xây dựng một công trình ý nghĩa”, ông Đa nói.
Điều đáng khâm phục là khi thấy sự thiệt thòi của những người lính biệt động tự vệ cánh Đông, ông đã đề nghị với Chủ tịch nước trong những lần được gặp gỡ, trò chuyện để xin chế độ cho họ. Bên cạnh đó, ông đề nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tài chính cho nguồn “quỹ đồng đội”. Nhờ đó, nguồn quỹ hiện lên đến hàng trăm triệu đồng, đủ điều kiện thăm, gặp những người lính biệt động tự vệ cánh Đông khi ốm đau, bệnh tật và ma chay. Ông chia sẻ rằng, sự giúp đỡ của mình đối với đồng đội cũ còn quá nhỏ bé, chỉ giải quyết những khó khăn ban đầu. Vì vậy, cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội để những con người một thời vào sinh ra tử có cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Từ năm 1976 đến nay, ông Phạm Kiều Đa đã đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như: Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu 2, thành phố Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng); Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng); Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Đà Nẵng... Gần 50 năm chiến đấu và công tác, ông đã được Đảng, Nhà nước và thành phố tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng hai; 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba; 1 Huân chương Lao động hạng ba; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều danh hiệu cao quý khác... |
NGỌC PHÚ - HỒNG HẠNH