.

Người Hội An tri ân Tướng Giáp

.

Cuối tháng 8 năm 1990,  Bộ Văn hóa-Thông tin tổ chức Ngày hội  Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cử Phòng Văn hóa-Thông tin Hội An tham gia triển lãm nhằm quảng bá Đô thị cổ Hội An với nhân dân cả nước và du khách quốc tế, đồng thời vận động Unessco công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới.

Tác giả tặng sách Đô thị cổ Hội An cho Đại tướng.
Tác giả tặng sách Đô thị cổ Hội An cho Đại tướng.

Chiều 30-8, lúc 16 giờ, anh em của Trung tâm bảo tồn di tích thuộc Phòng Văn hóa-Thông tin Hội An đang xoay trần ra làm các công việc dàn dựng, trang trí, lắp đặt hiện vật, ảnh... vào gian trưng bày mang tên “Đô thị cổ Hội An, kiệt tác Di sản Văn hóa” để kịp thời gian khai mạc vào sáng hôm sau, thì một người của ban tổ chức chạy đến báo tin: Anh em Hội An chuẩn bị đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm.

Mọi người hết sức ngỡ ngàng và vui mừng. Lần đầu tiên được gặp con người huyền thoại bằng xương bằng thịt, ai nấy đều rất hồi hộp. Ông Hoàng Hương Việt, lúc ấy là Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng có mặt chỉ đạo triển lãm chạy ra đón Đại tướng và giới thiệu đoàn Hội An. Với phong thái ung dung, gần gũi, nụ cười hiền từ, bộ quân phục mùa hè với quân hàm Đại tướng. Ông ân cần bắt tay thăm hỏi anh em chúng tôi, thấy gian trưng bày triển lãm dàn dựng chưa xong, Ông hỏi vui: “Còn bề bộn quá hè, có kịp giờ G không đấy?”. Tôi thưa, chắc chắn xong trước giờ khai mạc.

Chăm chú xem từng bức ảnh, từng tấm tranh hay các sản phẩm thủ công truyền thống do các thế hệ nghệ nhân người Hội An làm ra, nổi bật là các sản phẩm chạm khắc gỗ của làng mộc danh tiếng Kim Bồng. Tôi lúc đó là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Hội An, thay  mặt anh em báo cáo sơ lược với Đại tướng về việc Hội An đã được công nhân là Di sản văn hóa cấp quốc gia, vừa tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế vào tháng 3-1990. Hội An đang xúc tiến chương trình trùng tu, bảo tồn phố cổ, xây dựng hồ sơ trình Unessco công nhận là Di sản văn hóa thế giới, và đặc biệt là phát triển du lịch.

Nghe xong Đại tướng tỏ ý rất hài lòng. Ông nói: “Từ nền tảng văn hóa-lịch sử ngàn năm mà làm nên sức mạnh của dân tộc, đánh thắng các kẻ thù xâm lược. Nhưng chiến tranh, thiên tai cũng đã tàn phá đất nước ta nhiều quá, cái gì là di sản của cha ông để lại, dù chỉ là trang giấy viết, đến ngôi nhà, mái đình xưa đều đáng quý, phải biết cố công gìn giữ. Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch để chăm lo nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng có phát triển gì đi nữa cũng phải giữ cho được cái cốt cách ngay thẳng, đôn hậu của người dân xứ Quảng”. Thay mặt đoàn, tôi kính tặng Đại tướng cuốn sách ảnh mới in về Đô thị cổ Hội An.

 Lật trang đầu, thấy có bài viết của nhà văn Nguyễn Tuân về Hội An, ông nói vui: “Ông bạn già này đến Hội An sớm hè, ngày xưa, tôi cũng có lần đến Hội An rồi đấy”! Nguyễn Tuân thì theo cha đến Hội An lúc còn rất nhỏ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, lúc theo học ở trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp có lần vào Quảng Nam liên lạc, tìm gặp các đồng chí, các nhà hoạt động cách mạng người Quảng Nam như Lê Văn Hiến, Phan Bôi... vào năm 1927 và có ghé Hội An chăng? Hoặc giả “ngày xưa” đó là khi làm biên tập Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ông có đến “tác nghiệp” ở Hội An? Còn sau ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đầu tháng 4-1975, ông có vào thăm Hội An, bước xuống xe đi bộ một đoạn ở đường Trần Hưng Đạo ngang qua dinh tỉnh trưởng Quảng Nam của ngụy cũ rồi lên xe đi ngay vì lúc đó chiến dịch giải phóng Sài Gòn đang chờ Đại tướng nên ông không có thời gian vãn cảnh.

Chuẩn bị chia tay đoàn Hội An, nghệ nhân làng mộc Kim Bồng Huỳnh Ri ngỏ ý muốn tặng Đại tướng một sản phẩm mỹ nghệ làm kỷ niệm, ông liền khoát tay nói: “Hãy để triển lãm cho nhân dân xem đã, khi nào tôi vào Hội An sẽ nhận quà sau”. Một con người lúc nào cũng đặt nhân dân lên trước!

Lễ khai mạc “Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam” không thấy Đại tướng tham dự, chúng tôi biết rằng do bận việc, nhưng không bỏ qua sự kiện văn hóa lớn này, ông đã tranh thủ đến thăm trước ngày khai mạc.

Võ Nguyên Giáp, một con người văn - võ song toàn đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng ông vẫn sống mãi trong lòng người Hội An và cả dân tộc.

HÀ PHƯỚC MAI

;
.
.
.
.
.