Quảng Bình - mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - hôm nay đón Người trở về. Hàng vạn người dân đứng chật kín ven đường từ sân bay Đồng Hới về đến nơi an táng Đại tướng. Ai cũng nghẹn lòng khi nhìn thấy cỗ linh xa đưa linh cữu của Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy là, sau bao nhiêu năm xa quê, giờ đây mãi mãi Đại tướng nằm lại ở mảnh đất Quảng Bình anh hùng, nơi đã sản sinh ra người con ưu tú của dân tộc, một thiên tài quân sự của nhân loại.
16h: Tại Vũng Chùa, Lễ an táng Đại tướng chính thức bắt đầu. Rừng người đứng chật kín quanh nơi an táng Đại tướng. Người cầm cờ, người ôm di ảnh Đại tướng, ai ai cũng buồn thương người con kiên trung của dân tộc.
Nghi thức hạ huyệt bắt đầu lúc 16h5 phút trong tiếng nhạc trầm hùng, đưa vị anh hùng của Quảng Bình hòa vào lòng đất. Phía bên ngoài khu an táng, hàng vạn người dân kiên nhẫn đứng đợi để được tiễn đưa Người lần cuối. Những người già, trẻ nhỏ, những anh lính cầm trên tay bông cúc vàng, những thanh niên giơ cao di ảnh Đại tướng đều trật tự, nghiêm trang ngóng chờ giây phút được đến gần người con ưu tú của đất nước Việt Nam.
16 giờ 25: Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến Đại tướng bỏ những nắm đất đầu tiên vào huyệt mộ Đại tướng trong sự tiếc thương vô hạn. Đất mẹ Quảng Bình đã dang tay đón nhận người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
17 giờ 00: Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia quyến Đại tướng và nhân dân dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Rừng người tiễn đưa Đại tướng |
Cựu chiến binh ôm di ảnh Đại tướng |
15h38: Cỗ linh xa Đại tướng đã được đưa đến lưng chừng núi. Trên gương mặt mỗi người dân, chiến sỹ đều hiện rõ nỗi đau, niềm tiếc thương vô hạn. Những dòng nước mắt lăn dài trên gò má những cựu chiến binh và người dân, chiến sỹ có mặt trong lễ an táng.
15h35: Linh xa đã đến nhà chờ dưới chân núi Thọ để làm các thủ tục chuẩn bị an táng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, các sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đang chầm chậm tiến lên phía núi Thọ nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
15h30: Linh cữu Đại tướng đang được di chuyển về phía khu an táng ở núi Vũng Chùa.
Đoàn hộ tống linh cữu Đại tướng đi trên đường phố Quảng Bình |
Hơn một tiếng sau khi rời khỏi sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được đưa tới cầu Sông Gianh nối hai huyện Bố Trạch - Quảng Trạch và cách Vũng Chùa - Đảo Yến gần 30 km. Hai bên bờ cầu, hơn 500.000 người dân chờ đón từ lâu, khi thấy di hài Đại tướng ai nấy chỉ chực nhoài người với theo.
Linh cữu Đại tướng được hộ tống ra khỏi TP Đồng Hới hướng về Vũng Chùa, người dân xúc động tiễn đưa. |
Đến 14h, đoàn xe hộ tống linh cữu Đại tướng đã ngang qua cầu Sông Gianh và chỉ còn gần nửa chặng đường tới Vũng Chùa, nơi an nghỉ cuối cùng theo di nguyện của ông. Lưu thông khó khăn khi hàng trăm nghìn người nhoài quanh linh xa.
Trong số họ có nhiều học sinh, cựu chiến binh, người già, em nhỏ, phụ nữ... mang theo di ảnh, hoa. Ông Lê Đức Thương, người dân xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, cho biết ông đã nghỉ làm sáng nay để đến cầu sông Gianh đón Tướng Giáp. "Cầu sông Gianh có ý nghĩa lịch sử rất lớn trong hai cuộc kháng chiến của nước ta, nên tôi muốn đón Đại tướng ở nơi đây". Còn ông Nguyễn Văn Lâm thì cầu nguyện: "Tôi rất hồi hộp chờ đón ông Giáp, mong ông về nơi siêu thoát".
Hàng vạn người dân chờ đón Đại tướng tại Quảng Bình |
Trước đó, lúc 13h45, tròn một tiếng sau khi rời khỏi sân bay Đồng Hới, đoàn xe tang mới tới cầu Lý Hòa, thuộc địa phận huyện Bố Trạch, cách Vũng Chùa - đảo Yến chừng 40 km. Lịch trình di chuyển chậm hơn dự kiến bởi đoàn xe liên tục bị tắc nghẽn giữa hàng trăm nghìn người dân đổ xuống lòng đường. Những người không thể đến gần linh xa cũng nhanh chóng leo lên các ngọn cây ven đường với mong muốn nhìn người anh hùng của quê hương mình lần cuối. Trong khi đó, đoàn xe chở quan khách và thân nhân vẫn tắc tại Đồng Hới, hầu như không thể vượt qua dòng người trên phố.
Ở huyện Bố Trạch, phần lớn người ra đường tiễn Đại tướng đều mặc đồ đen. Hầu như các gia đình đều treo cờ Tổ quốc và buộc cờ rủ.
Lúc 12h45 phút, đoàn xe bắt đầu rời sân bay Đồng Hới hướng ra Quốc lộ 1A để tới Vũng Chùa. Dẫn đầu đoàn hộ tống linh cữu là xe công vụ mở đường, sau đó đến đội cảnh sát giao thông, các xe tiêu binh. Xe kéo pháo chở linh cữu Đại tướng đi giữa đoàn.
Lưu thông trên cung đường từ Đồng Hới đến Vùng Chùa rất khó khăn, đường tắc cứng. Đoàn tang lễ bị chia cắt bởi dòng người. Linh xa được đoàn xe cảnh sát dẫn đường song cũng gặp nhiều khó khăn để nhích khỏi biển người. |
Khi linh cữu Đại tướng đi qua, nhiều người đang đón đã giơ tay chào theo nghi thức quân đội. Những người có mang theo di ảnh thì cố nhoài người tới gần linh cữu hơn nữa, giơ cao ảnh và hô to "Đại tướng, Đại tướng".
Khi đoàn xe vừa ra khỏi sân bay, hàng chục nghìn người đổ ra đường, thậm chí leo lên cây hay các tòa nhà cao tầng với mong muốn nhìn thấy linh cữu. Nhiều cha mẹ mang theo các em bé đi cùng. Họ hướng về đoàn linh xa với ánh nhìn khắc khoải.
Đoàn tang lễ theo hướng Quốc lộ về thẳng Vũng Chùa với tổng lộ trình khoảng 60 km. Hàng nghìn người dân kêu khóc chạy theo đoàn xe đang chầm chậm diễu qua phố với tốc độ 30 km một giờ.
Mặc dù có lực lượng thanh niên tình nguyện và an ninh dẹp đường, nhưng dân đổ ra quá đông, đường bị tắc khiến đoàn linh xa chỉ có thể di chuyển rất chậm.
Ra khỏi sân bay chừng 5km, xe chở đoàn đại biểu và các cơ quan từ Hà Nội vào đã mắc kẹt vì do người dân các địa phương đổ về rất đông. Nhiều nhà có xe ô tô cũng tập hợp đi ra nơi an táng
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến đón linh cữu Đại tướng lên linh xa trước khi rời sân bay Đồng Hới |
Trước đó, chuyên cơ mang mã hiệu VN103 đã hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 11h50 phút. Đón Đại tướng ở chân máy bay có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban tổ chức lễ tang - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.
Chiếc chuyên cơ chở đoàn tang lễ A321 mã hiệu VN1911 đã tới từ 20 phút trước đó. Tại sân bay Đồng Hới lúc 11h45 phút, thảm đỏ đã trải dài dẫn tới vị trí máy bay ATR72 sắp đỗ. Đoàn xe tiêu binh và xe linh xa đã vào vị trí từ định sẵn từ lâu. 30 cán bộ Cảng Hàng không Miền Bắc đứng thành hàng ngang mang di ảnh Đại tướng hướng ra đường băng. Toàn bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đã có mặt.
Phía hàng rào sân bay rất nhiều cán bộ chiến sĩ đứng nhìn vào đường băng, nhiều người chuẩn bị sẵn điện thoại ghi lại khoảnh khắc máy bay hạ cánh. Thời tiết Quảng Bình nắng nhưng không quá nóng, khoảng 30 độ, gió nhẹ, trời quang ít mây.
Cỗ linh xa túc trực chuẩn bị đón Đại tướng tại sân Đồng Hới. Ảnh: Facebook Phạm Hùng |
Người dân Quảng Bình sau lễ truy điệu Đại tướng sớm nay đã đổ ra đường, một số đi đến sân bay Đồng Hới để chờ đón linh cữu Đại tướng được đưa từ Hà Nội về quê; một số ra Vũng Chùa - nơi an táng Đại tướng.
Hơn 10.000 người đứng dưới cái nắng trưa miền Trung chờ đón ông trên đoạn đường trước sân bay. Họ đều bật dậy xôn xao khi nghe tiếng máy bay trên bầu trời.
Chị Nguyễn Thị Sang 51 tuổi, trong dòng người chờ đợi, cho biết chị sống ở Hà Nội, là người Quảng Bình như Tướng Giáp. "Tôi muốn về quê để được đưa tiễn Đại tướng trong những bước đường cuối cùng", chị nói.
Hàng nghìn người dân Quảng Bình đứng hai bên đường ra sân bay Đồng Hới chờ đón linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Ở sân bay Đồng Hới, từ 9h sáng người dân đã tập trung hai bên đường để chờ đón linh cữu, trong số đó có thương binh hạng 2/4 Đào Minh Tâm, 79 tuổi. Ông Tâm mất một chân, sáng nay chống nạng đi 3 km đến UBND tỉnh Quảng Bình dự lễ truy điệu, sau đó ông đạp xe đến trước cổng sân bay đứng chờ. "Tôi nhất định phải được gặp để tiễn biệt Đại tướng lần cuối", người cựu binh nói. Dự kiến sẽ có khoảng 210.000 người dân ở huyện Quảng Trạch, đứng hai bên đường để đón Đại tướng về Vũng Chùa. Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, trên chặng đường từ sân bay Đồng Hới về Vũng Chùa, linh cữu Đại tướng được đội tiêu binh hộ tống qua 7 xã trên địa bàn huyện. 5.000 di ảnh Đại tướng đã được các phát cho người dân, học sinh.
Theo đại diện Ban tang lễ Quảng Bình, tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung phong, dân quân... để đảm bảo an ninh trật tự. Máy bay trực thăng sáng nay cất cánh từ khu vực cảng Hòn La liên tục quần đảo trên bầu trời Vũng Chùa. An ninh được tăng cường xung quanh núi Rồng, nơi diễn ra lễ an táng Đại tướng, cứ vài trăm mét lại có một chốt chặn của lực lượng quân đội.
Những đoàn người tề tựu về khu vực Vũng Chùa - nơi an táng Đại tướng. |
Trong khi đó, ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, sáng nay dòng người đổ về Vũng Chùa ngày càng đông. Con đường gần 2 km từ thôn Thọ Sơn dẫn vào Vũng Chùa đêm qua đã hoàn thành sau 6 ngày thi công. Toàn bộ phương tiện máy móc xây dựng đã được điều chuyển đi nơi khác, để lại một con đường sạch đẹp, khô ráo.
Đầu giờ sáng nay, Ban tổ chức lễ tang tại Vũng Chùa đã quyết định mở một cánh cửa con đường này để đáp ứng nhu cầu người dân muốn được vào tận nơi an táng Đại tướng. Tuy nhiên đến hơn 8h sáng, lượng người quá đông buộc các lực lượng chức năng phải phong tỏa lại tuyến đường.
Ở làng chài Vũng Chùa dưới chân núi nơi Đại tướng an nghỉ, ngày hôm nay người dân đều nghỉ đi biển để ở nhà đón Đại tướng. Ông Mai Văn Dũng, 52 tuổi, ngư làng chài Vũng Chùa cho biết: "Chúng tôi muốn ở đây đón Đại tướng".
ĐNĐT tổng hợp