Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20-5-2014 tại Hà Nội. Đây là một kỳ họp với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là công tác làm luật chiếm hơn nửa thời lượng của kỳ họp.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian để bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông HUỲNH NGHĨA (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho biết.
* Thưa ông, vì sao kỳ họp này Quốc hội dành tới hơn một nửa thời gian để làm công tác xây dựng pháp luật?
- Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội sau khi Hiến pháp năm 2013 ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Do đó cần phải xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật cho phù hợp với Hiến pháp. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ dành khoảng 20 ngày để làm công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể là Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 nghị quyết gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Đầu tư công; Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật SĐBS một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết SĐBS một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay, xem xét việc thi hành khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 17 dự án luật, gồm: Luật SĐBS một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật Công an Nhân dân (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật SĐBS một số điều của Luật Dạy nghề; Luật SĐBS một số điều của Luật Dược; Luật SĐBS một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật SĐBS một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.
Cùng với các dự án luật, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2015 làm cơ sở cho công tác xây dựng pháp luật và công tác giám sát trong năm tới.
* Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nào, thưa ông ?
- Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2014. Quốc hội tiến hành phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”.
Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng được nhiều cử tri quan tâm là Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 nhằm hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trước đó, do việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành lần đầu, chưa có tiền lệ nên còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ như: Phạm vi, đối tượng, mức tín nhiệm, hình thức tín nhiệm là hai hay ba mức, thời gian, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc lấy phiếu, việc hướng dẫn, triển khai thực hiện, một số điểm về quy trình, thủ tục chưa được rõ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi đến các ĐBQH xin phép chưa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.
* Thưa ông, tại các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, cử tri thành phố đề nghị QH có ý kiến hoặc có tuyên bố trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và dùng nhiều tàu tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam. Đoàn sẽ đưa ý kiến cử tri đến QH ?
- Đây cũng là vấn đề mà Đoàn ĐBQH thành phố rất quan tâm, không chỉ thông tin từ các cuộc tiếp xúc cử tri, mà còn theo dõi qua các hoạt động của cử tri thành phố, cũng như cử tri cả nước đang bày tỏ thái độ bất bình, lên án hành động của Trung Quốc và ủng hộ các giải pháp hòa bình, tuân thủ pháp luật quốc tế mà Chính phủ ta đang thực hiện. Theo tôi, chắc chắn Quốc hội sẽ bàn về vấn đề này trong phần nội dung quốc phòng-an ninh quốc gia. Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng mới đây đã khẳng định: “QH sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông. Đây là vấn đề rất thiêng liêng, hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền của đất nước”.
Đoàn ĐBQH thành phố gửi đến Quốc hội tất cả những ý kiến của cử tri thành phố Đà Nẵng đã nêu, trong đó có ý kiến về bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Việt Nam. Khi bàn các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, sẽ tập trung vấn đề phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trọng tâm là xúc tiến nhanh chương trình hỗ trợ ngư dân với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản; hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt để vươn khơi vừa hành nghề vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương rất ủng hộ chủ trương này. Việc những con tàu công suất lớn của ngư dân thành phố liên tiếp được đóng mới và ra khơi trong thời gian gần đây đã thể hiện sự quyết tâm của thành phố hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển hành nghề đồng thời khẳng định chủ quyền của mình.
Trên lĩnh vực thương mại, Đoàn ĐBQH thành phố tiếp tục đeo bám để giám sát các bộ, ngành có liên quan phải khắc phục được tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản theo cách trái khoáy (mua lá khoai lang non, lá điều, đỉa, rễ cây…) gây rối loạn thị trường, thiệt hại lớn cho người nông dân, gây hoang mang trong xã hội.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
ĐOÀN SƠN thực hiện