.
Động lực mới cho Đà Nẵng

Những gợi mở về đô thị quốc tế

.

Đà Nẵng có một số điều kiện cơ bản tốt để xây dựng đô thị nhưng mới chỉ ở đẳng cấp quốc gia, để nâng tầm đô thị quốc tế còn là một khoảng cách. Đây là thời điểm thuận lợi để Đà Nẵng xây dựng đô thị quốc tế, vì trong giai đoạn khó khăn, ai tìm ra lối thoát thì dễ được chấp nhận hơn.

PGS Võ Đại Lược (bìa phải) cùng các đại biểu tại buổi nói chuyện. Ảnh: ANH QUÂN
PGS Võ Đại Lược (bìa phải) cùng các đại biểu tại buổi nói chuyện. Ảnh: ANH QUÂN

Đó là ý kiến của PGS.TSKH Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đưa ra tại buổi nói chuyện chuyên đề “Thành phố quốc tế - những gợi ý đối với Đà Nẵng” do Báo Đà Nẵng tổ chức sáng 28-5. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cùng đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị, các chuyên gia… của thành phố.

Mô hình đô thị quốc tế là bức thiết

Gợi mở vấn đề tại buổi nói chuyện, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc cho rằng, hơn 15 năm qua, Đà Nẵng đạt được những thành tựu to lớn; tổng thu ngân sách từ 1.000 tỷ đồng (năm 1997) nay tăng lên 16.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người từ hơn 400 USD/người tăng lên hơn 2.600 USD/người hiện nay… Tuy nhiên, các lợi thế cũ, đặc biệt từ đất, không còn là yếu tố tăng trưởng quyết định; nền kinh tế bộc lộ nhiều hạn chế với quy mô nhỏ, năng lực thị trường thấp. Vì vậy, đòi hỏi cần tìm kiếm một động lực mới để phát triển theo tinh thần Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa IX) càng trở nên bức thiết, nhất là khi hội nhập bước vào chiều sâu, cạnh tranh ngày càng quyết liệt…

Trước vấn đề này, PGS Võ Đại Lược cho rằng, con đường phát triển tiếp đến của Đà Nẵng chỉ có thể là con đường mở cửa hơn nữa, hội nhập quốc tế hơn nữa theo hướng xây dựng các loại hình đô thị quốc tế với 3 đặc trưng: sinh thái tốt, kinh tế biển năng động, đô thị hóa theo hướng quốc tế - nghĩa là một đô thị biển quốc tế. “Việc hội nhập nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế, bởi hiện nay con đường hướng nội của Đà Nẵng đã được tận khai rồi”, PGS Võ Đại Lược nhìn nhận.

Để hướng tới xây dựng một đô thị quốc tế, PGS Võ Đại Lược cho rằng, trước hết Đà Nẵng cần đề nghị Chính phủ liên kết với chính phủ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc để xây dựng một đô thị quốc tế cho thành phố; hoặc xây dựng Đà Nẵng theo mô hình có 3-4 đô thị quốc tế mang tính chuyên ngành như: mua sắm, khai thác tiềm năng biển, thể thao… Để làm điều đó phải bắt đầu từ quy hoạch thành phố theo hướng mới, với sự tham gia của nước ngoài. Thứ hai, phải có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nước ngoài dưới hình thức chuyên gia tư vấn, quản trị chương trình; chứ hiện nay Đà Nẵng mới chỉ dừng ở việc đãi ngộ nhân tài trong nước với mức độ vừa phải. Cuối cùng là phải xây dựng một thể chế hành chính và kinh tế phù hợp thì mới có cơ hội thúc đẩy phát triển theo hướng đô thị quốc tế đúng nghĩa.

Thể chế nào cho đô thị quốc tế Đà Nẵng?

Quan tâm vấn đề thể chế cho phát triển của Đà Nẵng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí băn khoăn về tính tương thích của thể chế, nhất là trong điều kiện thể chế chính trị nước ta và trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ hiện nay. PGS Võ Đại Lược cho rằng, thể chế quyết định đến sự phát triển, khác biệt giữa các nước chính là thể chế. Một trong 5 tiêu chí quan trọng, không thể thiếu cho đô thị quốc tế chính là có thể chế hành chính, thể chế kinh tế theo chuẩn quốc tế hiện đại. “Doanh nghiệp đến đầu tư cần phải có môi trường sống thuận lợi, môi trường kinh doanh sinh lợi, phát huy được tài năng của nhân lực...

Chúng ta phải nâng cấp tương đồng thể chế hành chính, thể chế kinh tế với các nước tư bản, các nước phát triển vì cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh thể chế, cạnh tranh mang tầm quốc gia chứ không còn là sự cạnh tranh giữa các cá nhân, doanh nghiệp nữa”, PGS Võ Đại Lược nhấn mạnh. PGS Võ Đại Lược cho rằng, thực tế nước ta đã tiếp cận các thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và vận dụng vào thực tiễn xây dựng các thể chế theo định hướng XHCN. Thể chế hành chính, kinh tế có thể là thể chế chung, vì vậy nếu áp dụng các thể chế hiện đại này theo hướng trung gian sẽ không ảnh hưởng đến thể chế chính trị.

PGS Võ Đại Lược cũng dẫn ra những ví dụ về hình mẫu đô thị quốc tế trên thế giới và những mô hình Việt Nam đang xây dựng. Theo đó, những mô hình của Singapore, Hồng Kông đang dần trở nên lạc hậu vì đã xây dựng từ 50-100 năm, mà thay vào đó là mô hình khu kinh tế Incheon (Hàn Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất)… Incheon được xây dựng khoảng 10 năm trở lại đây với việc lấp 200km2 bờ biển, xây dựng một sân bay quốc tế và một cảng nước sâu hiện đại hàng đầu Đông Á, áp dụng thể chế Mỹ và thu hút chủ yếu các doanh nghiệp Mỹ. Dubai chỉ với 1 triệu dân, nhưng xây dựng trên 20 đô thị quốc tế các loại, có đến 80% dân số là người nước ngoài thuộc khoảng 180 quốc gia… Việt Nam đang hướng đến xây dựng 3 đặc khu kinh tế Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc; tuy nhiên, theo PGS Võ Đại Lược, vẫn chưa có dấu hiệu cho một đô thị quốc tế đúng nghĩa.

“Trong tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử. Nếu không làm từ bây giờ, càng để lâu càng phức tạp; vì trong khó khăn, ai tìm ra lối thoát thì dễ dàng được chấp nhận và sẽ có bứt phá nhanh hơn”, PGS Võ Đại Lược đưa ra gợi ý về đề án xây dựng đô thị quốc tế cho Đà Nẵng.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.