.
KỶ NIỆM 124 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2014)

Càng hiểu Bác, việc học Bác mới có giá trị

.

“Chúng ta càng hiểu Bác đến bao nhiêu thì càng thương Bác bấy nhiêu và thấy Bác vĩ đại hơn thì việc học Bác mới có giá trị”.

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội năm 1960. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội năm 1960. (Ảnh tư liệu)

Trong buổi nói chuyện chuyên đề với hơn 600 bí thư các chi bộ, Đảng bộ thuộc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tại Hội nghị tập huấn, giới thiệu chuyên đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, GS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã gây cho những người có mặt trong hội trường xúc động mạnh khi kể những câu chuyện giản dị về cuộc sống riêng tư của Bác.

GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, chúng ta lâu nay sai lầm khi thần thánh hóa Bác mà né tránh cuộc đời riêng tư của Bác. “Chúng ta càng hiểu Bác đến bao nhiêu thì càng thương Bác bấy nhiêu và thấy Bác vĩ đại hơn thì việc học Bác mới có giá trị”, GS Bảo nhấn mạnh.

Khi còn cắp sách đến trường, hẳn nhiều người không khỏi cảm động khi đọc câu chuyện về “Quả táo của Bác Hồ” bởi tấm lòng yêu trẻ của Bác. Những việc làm rất giản dị và đời thường của Bác càng làm cho chúng ta hiểu và yêu thương Bác nhiều hơn. Từ đó, sẽ có những việc học và làm theo cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Vào tháng 4-1946, với danh nghĩa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước.

Đốc lý thành phố Paris mở tiệc long trọng thết đãi Bác Hồ. Trước khi ra về, Người chọn lấy một quả táo đẹp trên bàn, bỏ vào túi. Mọi người, kể cả ông Đốc lý đều kinh ngạc chú ý tới việc ấy, ngạc nhiên và không giấu được sự tò mò. Khi Bác Hồ bước ra khỏi phòng, rất đông bà con Việt kiều và cả người Pháp nữa đang đứng đón Bác. Bác chào mọi người. Khi Bác trông thấy một bà mẹ bế một cháu nhỏ cố lách đám đông lại gần, Bác liền giơ tay bế cháu bé và đưa cho cháu bé quả táo. Cử chỉ của Bác Hồ đã làm những người có mặt ở đó từ chỗ tò mò ngạc nhiên đến chỗ vui mừng và cảm phục về tấm lòng yêu trẻ của Bác.

Vào năm 1963, Bác về chống hạn ở Nghiêm Xuân (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ). Hôm đó, Bác tham gia chống hạn với dân, trời nắng to có đồng chí bảo vệ cầm ô che cho Bác, Bác bảo: “Dân chịu được thì Bác cũng chịu được, chú làm như Bác là ông quan thời xưa”. Trên đường đi chống hạn giúp dân, thấy phía trước có xe Công an hú còi inh ỏi dẹp đường, Bác cho dừng xe và lệnh cho xe Công an dừng lại, Bác mới đi tiếp. Bác phê bình: “Bác xuống với dân để chống hạn mà các chú làm cho dân sợ thì xuống làm gì?”.

Chia sẻ về ấn tượng lần đầu gặp Bác, bà Huỳnh Thị Liễu, trú tổ 35, Chi bộ Phước An 5 (Đảng bộ phường Phước Ninh, quận Hải Châu), cho biết: “Ngay từ khi nhìn thấy Bác ở đằng xa là tôi đã khóc. Bác rất thương học sinh miền Nam. Có lần các học sinh bị cảm cúm không cho Bác vào thăm vì sợ lây sang Bác, nhưng Bác đã lén đi từ cửa sau, rất cảm động”. Yêu quý Bác, bà Liễu thường xuyên sưu tầm những cuốn sách viết về Bác để học tập và khuyên con cháu làm theo, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như: “Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh, nhà dự báo thiên tài”, “Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”…

Ông Thái Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Phước Ninh cũng cho biết: Trong những lần nói chuyện với dân, chúng tôi thường đặt vấn đề rằng, Bác Hồ là một lãnh tụ, nhân dân học Bác không phải học lãnh tụ mà học đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị của Bác. Thông qua những câu chuyện về đôi dép cao su, hình ảnh Bác đến trại trẻ mồ côi, đến từng trận địa pháo, về vùng quê cùng dân đạp nước, gặt hái với nhân dân… có một sức hấp dẫn rất lớn đối với người nghe.

Qua tấm gương đạo đức của Bác, bà con nhân dân đã học Bác tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cụ thể, năm 2012, nhân dân phường Phước Ninh đã thực hành tiết kiệm được 70 triệu đồng hỗ trợ 15 gia đình chính sách. Năm 2013, tiết kiệm được 40 triệu đồng hỗ trợ Trường tiểu học Tây Hồ nâng cấp công trình phụ. Đặc biệt trong năm 2014, phong trào thực hành tiết kiệm “Sữa để em thơ, lụa tặng già” đã quyên góp được gần 70 triệu đồng để mua áo lụa tặng cho 92 cụ già trên 70 tuổi và mua sữa tặng cho 19 cháu dưới 5 tuổi bị khuyết tật nhân dịp sinh nhật Bác năm nay. Cũng theo ông Thái Thanh, để việc học tập hiệu quả và thiết thực, điều đầu tiên là mỗi người phải hiểu được tấm gương đạo đức của Bác. Sau đó, bám sát công việc, nhiệm vụ được giao để có những yêu cầu phấn đấu đến mức nào cho phù hợp với thực tiễn.

Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.