.
KỶ NIỆM 124 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2014)

Xứng đáng là bộ đội Đặc công của Bác

.

Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “... đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua...” được xem là di sản tinh thần, là động lực giúp ông Phạm Xuân Sanh - một cán bộ lão thành cách mạng tuổi 75 vẫn miệt mài với công tác từ thiện và tìm hài cốt các đồng đội hiện đang nằm lại ở các cửa sông, bến cảng, vịnh Đà Nẵng...

Ông Phạm Xuân Sanh thăm hỏi, động viên em Lê Văn Tuấn và mẹ.
Ông Phạm Xuân Sanh thăm hỏi, động viên em Lê Văn Tuấn và mẹ.

Trong suốt thời kỳ chống Mỹ ác liệt, ông Sanh vào chiến trường với cương vị Đội trưởng Đội Đặc công Mặt trận 4 Quảng Đà. Ông đã lãnh đạo bộ đội trong đơn vị mình đánh các mục tiêu cầu cống, bến cảng, kho xăng và chiến đấu ác liệt với các mục tiêu khác như tàu vận tải quân sự, tàu chở dầu, các đoàn hải thuyền của Mỹ, ngụy. Giờ đây, khi hòa bình, ông vẫn không nguôi nhớ về đồng đội. Mặc dù tuổi cao nhưng ông không quản ngại vất vả, trở về các chiến trường xưa để tìm thông tin và hài cốt các liệt sĩ trong thời gian chiến tranh. Cho đến nay, ông đã tìm được 22 hài cốt đồng đội và cùng gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang quê hương.

Không chỉ tiến hành tìm hài cốt đồng đội, ông Sanh còn  tham gia nhiều công tác với mục tiêu giúp đỡ bà con khối phố. Anh Nguyễn Công Đ. là người nghiện ma túy nặng, đã từng đi đi về về giữa nhà và Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 nhiều lần nhưng không thể tạm biệt được “nàng tiên nâu”. Trong vòng 2 năm kiên trì, bền bỉ, ông Sanh đã giúp anh Đ. cai nghiện hoàn toàn và đang cùng vợ chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái. Không một lộ trình cai nghiện đặc biệt, không một viên thuốc cắt cơn, không xiềng xích, chỉ bằng cái tâm, bằng lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”, ông Sanh đã làm được việc mà cả khu phố từng cho là “viễn vông, vô tác dụng”. Không chỉ giúp cai nghiện, ông Sanh còn vận động các mạnh thường quân xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết, hỗ trợ dụng cụ sinh kế là một bộ đồ nghề làm móng cho vợ anh Đ. cũng như xin giữ xe tại chợ Bình Hiên cho anh Đ.

“Khi tất cả đã quay lưng với tôi, kể cả cha mẹ; khi hàng xóm láng giềng xem tôi là nỗi xấu hổ vì tôi đã kéo tụt mọi thành tích thi đua phấn đấu; khi bản thân tôi cũng chán ngán chính mình thì sự quan tâm vô điều kiện của bác Sanh lại có sức mạnh ghê gớm. Nó giúp chút lý trí ít ỏi còn sót lại của tôi lên tiếng, kéo tôi ra khỏi những cơn vật thuốc triền miên và có được ngày hôm nay”, anh Đ. tâm sự về ân nhân của mình.

Với tấm lòng nhân ái, ông Sanh đã làm công tác từ thiện từ năm 1995 với cương vị là cộng tác viên của Trung tâm Huynh Đệ - Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi của phường Bình Hiên. Năm 2003, ông là Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi quận Hải Châu. Bằng tài lãnh đạo và ngoại giao, ông đã kết nối được với các tổ chức từ thiện ở Pháp và Thụy Sỹ, vận động các tổ chức này hỗ trợ về mặt kinh tế và giúp đỡ các cháu trong trại trẻ mồ côi, trẻ em nghèo học tập đến lúc trưởng thành. Với những cố gắng này, ông đã giúp 56 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có nghề nghiệp ổn định. Hiện nay, trung tâm đang quản lý 40 em và được nhận 400 triệu đồng mỗi năm từ các tổ chức phi chính phủ.

Trong số những hoàn cảnh kém may mắn đó, có em Lê Văn Tuấn, phường Bình Hiên, mồ côi cha ngay từ khi mới sinh ra, mẹ lại bị mù, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Bằng sự kêu gọi qua các tổ chức từ thiện, ông Sanh đã giúp em Tuấn được nhận đỡ đầu bởi một cặp vợ chồng người Pháp. Liên tục trong 6 năm liền, gia đình người Pháp này đã đều đặn gửi 333 Euro/tháng (khoảng 9 triệu đồng) để hỗ trợ cuộc sống của em Tuấn và mẹ. “Bác Sanh đã giúp em kết thúc những ngày đội nắng đội mưa dẫn mẹ đi bán tăm nhưng vẫn canh cánh bên người nỗi lo không có tiền nộp học phí hay bữa cơm tối nay của mẹ sẽ có gì”, Tuấn xúc động chia sẻ.

Trong suốt cuộc đời cống hiến của mình, ông Sanh đã nhận rất nhiều phần thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, với ông, được làm việc và cống hiến, được góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của bộ đội Đặc công “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”… để xứng đáng là người lính Đặc công của Bác mới là niềm vinh dự lớn nhất.

Bài và ảnh: MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.