.

Những giấc mơ có thật

.

Chương trình “Viết tiếp ước mơ” do Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện trong 3 năm (2014-2016), với sự tài trợ của Công ty CP Thép Dana Ý, đem lại bao niềm vui, hy vọng cho học sinh, sinh viên mồ côi, nhà nghèo trên địa bàn thành phố.

Hai anh em Thanh Tuyền mồ côi cha mẹ, vừa học đại học vừa đi làm nuôi nhau.
Hai anh em Thanh Tuyền mồ côi cha mẹ, vừa học đại học vừa đi làm nuôi nhau.

Rất nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể đã dang rộng vòng tay hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, trong đó có Công ty CP Thép Dana Ý. Chương trình hỗ trợ học bổng cho 12 học sinh, sinh viên mồ côi, nhà nghèo, mỗi em 20 triệu đồng/năm và được duy trì liên tục trong 3 năm. Có thể nói, đây là mức hỗ trợ lớn nhất ở Đà Nẵng trong nhiều năm qua đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đem đến cho các em những giấc mơ có thật. Theo ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana Ý, khoản tiền này do cán bộ, công nhân viên và từ quỹ phúc lợi của công ty đóng góp, nhằm chắp cánh tương lai cho những mảnh đời bất hạnh và góp phần vào sự nghiệp trồng người của thành phố.  

12 em nhận học bổng “Viết tiếp ước mơ” được xét chọn tỉ mỉ thông qua hệ thống các cấp Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, dân chủ và đúng đối tượng. Em Nguyễn Thị Ngọc Thi (ở tổ 43, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) đang học tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, mẹ bị tai nạn giao thông qua đời, cha chạy xe ôm. Anh Nguyễn Ngọc Hà, cha của Thi, phải nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Những năm qua, Thi đi học trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng em vẫn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và có ước mơ trở thành bác sĩ. Anh Hà tâm sự rằng học bổng “Viết tiếp ước mơ” đã hỗ trợ cho con của anh rất nhiều trong việc học tập, để Thi phấn đấu thực hiện hoài bão trở thành người thầy thuốc.

Đến nhà em Nguyễn Thị Diễm (ở thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), sinh viên Trường ĐH Nội vụ (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi xúc động khi thấy di ảnh mẹ em trên bàn thờ bằng gỗ, ván quá sơ sài. Bàn học của hai chị em Diễm cũng là những miếng ván nhỏ kê vào vách tường. Anh Nguyễn Bá Thương, cha Diễm, là bộ đội xuất ngũ, hằng ngày đi làm thuê, tiền công chỉ mong mua đủ gạo và trang trải chi phí học tập cho các con. Những ngày mưa gió, không có việc làm, anh phải ngược xuôi vay mượn. Bao năm qua, Diễm hằng ao ước có một chiếc máy vi tính mà anh Thương không sao sắm nổi. Vì vậy, học bổng 20 triệu đồng/năm như chiếc phao cứu sinh để em có điều kiện tiếp tục học tập ở giảng đường đại học, thực hiện ước mơ trở thành cán bộ phục vụ nhân dân trong công tác hành chính.

Còn em Nguyễn Thị Thanh Tuyền (ở tổ 112, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện ở với người anh ruột trong căn nhà nhỏ trên đường Hà Huy Giáp. Hai anh em cùng là sinh viên, vừa học vừa tranh thủ đi làm thêm để nuôi nhau. Tuyền hiện học năm thứ nhất tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng, ngoài giờ học còn phụ bán căng-tin tại một cơ quan ở quận Sơn Trà. Tiền thù lao ít ỏi, hai anh em phải tiện tặn từng đồng, nhiều lúc phải nhịn ăn sáng để trang trải chi phí học tập. Tuyền hồ hởi nói: Khoản tiền tài trợ 60 triệu đồng trong 3 năm đối với em như một giấc mơ có thật giữa đời thường, giúp em thực hiện mơ ước trở thành hướng dẫn viên du lịch giỏi để giới thiệu với du khách về thành phố quê hương thân yêu…

Ngoài học bổng “Viết tiếp ước mơ”, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố còn hỗ trợ các em xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập… tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của từng trường hợp. Cụ thể như em Nguyễn Thị Ngọc Thi được Hội trao tặng một xe đạp trị giá 2 triệu đồng để làm phương tiện đến trường, gia đình em Nguyễn Thị Diễm được hỗ trợ một xe đạp, một con bò giống…

Những khoản tiền đóng góp, hỗ trợ trên không quá nhiều, nhưng thấm đậm nghĩa tình, để giúp các em có thể viết tiếp ước mơ học tập…

Bài và ảnh: MINH NGỌC

;
.
.
.
.
.