.

Sát cánh cùng ngư dân

.

Đến ngày 28-5, Đà Nẵng có hàng trăm tàu cá với gần 3.000 lao động đang vươn khơi sản xuất cho dù Trung Quốc ngang ngược xua đuổi, đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Để ngư dân an tâm giữ biển, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân.

Dưới sự bảo vệ của tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu đánh cá của ngư dân ta vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa.           Ảnh: TTXVN
Dưới sự bảo vệ của tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu đánh cá của ngư dân ta vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết trước hành động ngang ngược của Trung Quốc hiện nay, một trong những điểm tựa vững chắc cho ngư dân ngoài khơi chính là lực lượng chấp pháp của ta như Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Ngoài ra, các ngành như Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin duyên hải miền Trung, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) cũng ngày đêm theo dõi, nắm tình hình hoạt động của ngư dân trên biển.

Các cấp chính quyền thành phố cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động để ngư dân vững lòng tin. “Không phải ngư dân Việt Nam gần đây mới bị Trung Quốc xua đuổi, đâm chìm tàu, cướp bóc ngư cụ mà việc này đã diễn ra từ lâu. Một số vụ việc trước đây cũng do sự riêng lẻ, không đoàn kết của ngư dân khi làm ăn trên biển. Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngư dân phải đoàn kết lẫn nhau, phải hoạt động đánh bắt theo tổ đội”, ông Nguyễn Đỗ Tám nói.

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Trần Văn Huy, cho biết Quận ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo quận phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân trong việc đánh bắt trên biển hiện nay, nhất là phải đánh bắt ở khu vực an toàn, tránh va chạm với tàu cũng như ngư dân Trung Quốc.

Hiện tại, ngoài tàu cá bị chìm của bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) ở gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, quận Thanh Khê có hàng chục tàu đang đánh bắt tại các ngư trường truyền thống. “Ngoài việc phải đoàn kết lẫn nhau trên biển, ngư dân phải thường xuyên giữ thông tin liên lạc với đường dây nóng của Kiểm ngư, các lực lượng chức năng khác để có những hỗ trợ cần thiết khi có sự cố xảy ra trên biển”, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nhắn nhủ.

“Về phía địa phương cũng luôn theo dõi, nắm bắt tình hình ngư dân trên biển thông qua các kênh liên lạc nhằm động viên, nhắc nhở kịp thời để bà con an tâm bám biển”, bà Tâm nói.

Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện 5 trạm thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng thường trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến tình hình của ngư dân. “Chúng tôi nâng cao tinh thần trách nhiệm cho từng cán bộ, chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ nắm bắt những thông tin trên biển của ngư dân để kịp thời phối hợp xử lý”, Đại tá Hưng nói. Cùng với đó, những ngày qua, cán bộ, nhân viên Đài Thông tin duyên hải miền Trung (đóng tại Đà Nẵng) cũng ngày đêm túc trực để nắm tình hình ngư dân trên biển.

Có thể nói, chưa bao giờ cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng tích cực vào cuộc hỗ trợ ngư dân bám biển như thời gian qua. Có những hỗ trợ chỉ là thùng mì tôm, nước ngọt, quả bí, chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm rất lớn lao. Qua đó cho thấy, ngư dân chúng ta không bao giờ cô độc trên biển để giữ chủ quyền, mà đằng sau đó là cả cộng đồng xã hội làm điểm tựa vững chắc.

Ngay sau khi tàu bà Huỳnh Thị Như Hoa bị chìm, lãnh đạo thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp đã chung tay, góp sức ủng hộ, giúp đỡ gia đình bà Hoa. Nhận những món quà đặc biệt ý nghĩa đó, không chỉ bà Hoa xúc động mà cả những người chứng kiến cũng thấy ấm lòng. Một ngư dân sống tại đường Kỳ Đồng (gần nhà bà Hoa) nói: “Nhìn thấy sự động viên kịp thời của các cấp đối với người bị nạn mà ngư dân chúng tôi thấy rất ấm lòng. Với sự vào cuộc kịp thời như vậy thì ngư dân chúng tôi đâu có quản ngại khó khăn để giữ biển của mình”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, hiện tại, Quỹ hỗ trợ ngư dân của thành phố đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân với số tiền gần 800 triệu đồng. Đây chính là những tấm lòng hảo tâm hướng về ngư dân, hướng về chủ quyền biển đảo. Sở sẽ đề xuất với UBND thành phố xem xét các mức để hỗ trợ cho ngư dân thành phố một cách hợp lý và có hiệu quả.

NGỌC PHÚ

Hỗ trợ tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm

Chiều 28-5, Ban lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Đà Nẵng đến thăm và tặng 50 triệu đồng trích từ tiền lương của cán bộ, nhân viên và người lao động của chi nhánh cho bà Huỳnh Thị Như Hoa và ông Trần Văn Bốn, trú ở tổ 9, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, chủ tàu ĐNa 90152 đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26-5 vừa qua.

 

Ông Ngô Lành, Giám đốc Chi nhánh Agribank Đà Nẵng, chia sẻ những rủi ro, thiệt hại lớn của gia đình do bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam; đồng thời hứa với gia đình sẽ đề xuất với cấp trên nghiên cứu miễn giảm về lãi suất và tiếp tục cho gia đình vay vốn để sửa chữa, nâng cấp tàu, tạo điều kiện để tàu ra khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

H.A

Bà con ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng chiều 28-5 về vụ tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc bao vây và đâm chìm.

Ông Lê nói: “Chúng tôi rất lấy làm đáng tiếc về vụ việc này và đã tổ chức rút kinh nghiệm về phương án phối hợp giữa các lực lượng chức năng hỗ trợ, bảo vệ ngư dân hành nghề trên ngư trường truyền thống. Các lực lượng chức năng trên biển của ta sẽ có biện pháp tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình, bảo vệ tàu cá ngư dân. Chúng tôi đề nghị bà con ngư dân cả nước hãy yên tâm tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản một cách bình thường trên ngư trường truyền thống của mình và cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Chúng tôi đề nghị bà con ngư dân trong khi hành nghề trên biển nếu phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển và có dấu hiệu đi thành tốp nhiều tàu hòng uy hiếp tàu ta phải thông tin ngay tình hình đến các đài thông tin duyên hải Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, đường dây nóng của Trung tâm Thông tin thủy sản, hoặc qua hệ thống Icom của gia đình. Thông tin này sẽ được lực lượng chức năng chuyển ngay đến các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển. Các lực lượng này sẽ có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ tàu cá của bà con. Đồng thời bà con ngư dân cần duy trì tổ, đội khi hành nghề trên biển để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau cũng như thông tin để lực lượng chức năng can thiệp kịp thời”.

S.TRUNG

Ông Vũ Đức Tạo, Biên đội trưởng Biên đội Kiểm ngư vùng 4:

Tăng cường bảo vệ ngư dân trên biển

Phải nói rằng, tôi cũng như hàng chục triệu người dân Việt Nam khác đang thực sự rất bức xúc trước việc tàu Trung Quốc hung hãn đâm va, làm chìm tàu của ngư dân Đà Nẵng khiến 10 người rơi xuống biển. Việc Trung Quốc dùng sức mạnh tấn công tàu cá Việt Nam khi tàu của ta đang hoạt động ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa là không thể chấp nhận. Nó cho thấy phía Trung Quốc đang cố tình khiêu khích để làm căng thẳng hơn tình hình thực địa ngoài Biển Đông.

Tuy nhiên, ngư dân ta vẫn tiếp tục ra khơi bám biển để bảo đảm cuộc sống cũng như tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước. Do đó, ngoài nhiệm vụ đấu tranh trên thực địa để bảo vệ chủ quyền, lực lượng Kiểm ngư chúng tôi luôn xác định mình phải có trách nhiệm bảo vệ ngư dân Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cắt cử tàu Kiểm ngư và phối hợp với các tàu Cảnh sát biển theo dõi hết sức sát sao những hành động của tàu Trung Quốc để kịp thời ngăn chặn, không cho tàu họ đâm vào tàu cá của ngư dân ta.

Chúng tôi cũng khuyến cáo với các tàu cá của ta nên tập trung đánh bắt ở một số khu vực mà xung quanh có các tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ, bởi chúng tôi túc trực 24/24 giờ vừa cảnh giới, vừa bảo đảm an toàn cho tàu và những thuyền viên trên tàu ngư dân.

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.