ĐNĐT - Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ sáng 23-5. |
Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Cần Thơ.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, kinh tế nước ta phát triển nhưng chưa bền vững. Các số liệu về tăng trưởng, về các chỉ tiêu KT-XH hầu hết đều đạt và vượt nhưng thực chất quy mô còn nhỏ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xã hội xuất hiện nhiều bất ổn. Tham nhũng, lãng phí không được đẩy lùi mà ngày càng nghiêm trọng. Trật tự, an ninh, an toàn giao thông xuất hiện nhiều điểm nóng. Vùng sâu, vùng xa vẫn là những vấn đề hóc búa do các chính sách hỗ trợ bị phân tán nhỏ lẻ, nhiều cấp quản lý chồng chéo làm giảm tác dụng. Đời sống một bộ phận công chức, viên chức nghỉ hưu, người có công, cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong ngày càng khó khăn.
ĐB đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có những đánh giá chính xác lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam để có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện ưu đãi để phát triển các doanh nghiệp mạnh, đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Tập trung mọi nguồn lực của đất nước cho phát triển KT-XH. Sức sống của nền kinh tế bền vững là chỗ dựa vững chắc cho nền chính trị ổn định, phát triển toàn diện, tạo niềm tin vững chắc của người dân vào sự phát triển, đi lên của đất nước. ĐB đề nghị cần kiên trì và có những quyết sách đúng đắn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Dành một nguồn lực đáng kể để phát triển lĩnh vực xã hội, giáo dục ý thức công dân, giáo dục truyền thống lịch sử, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, CPI trong bốn tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 0,88%, thấp nhất trong 10 năm qua. Do đó, ĐB đề nghị về chính sách tiền tệ, cần có sự linh hoạt tăng tín dụng như kế hoạch ngân hàng Nhà nước đề ra là từ 12 đến 14% (trong 4 tháng chỉ mới tăng chưa đến 1%).
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, đang vướng nợ đến hạn của ngân hàng thương mại. Dù có thị trường và nhu cầu vay vốn nhưng đều rất khó tiếp cận tín dụng. Vấn đề giảm lãi suất cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là giải quyết linh hoạt chính sách tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn.
Về chính sách tài khóa, cần tháo gỡ ngay việc giải quyết nguồn vốn cho công trình xây dựng cơ bản. Nếu tiếp diễn tình trạng dồn công trình vào cuối năm mới giải ngân như từng diễn ra trước đây thì tác dụng của chính sách kích thích tổng cầu bằng tăng đầu tư công sẽ không mang lại kết quả. Do đó, ĐB đề nghị cần tháo gỡ thủ tục hành chính để giải ngân công trình phù hợp với tiến độ thi công, tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư công tác động lan tỏa đối với nền kinh tế, kích thích sức mua của thị trường.
ĐB đề nghị cần điều chỉnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản mà đến nay chưa thực hiện được đáng kể, mới giải ngân được 4%, hướng gói tín dụng này cho nhà ở thương mại, có giá cả phù hợp với sức mua của thị trường chứ không nên giới hạn ở nhà ở xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc Chính phủ cho mở nhiều trường đại học, rồi số lượng tuyển sinh hằng năm đều tăng và coi đó là thành tích nhưng chất lượng đào tạo sinh viên theo đánh giá của xã hội là thấp. Con số 72.000 cử nhân ra trường không có việc làm là do đào tạo không gắn với yêu cầu của xã hội.
Tại buổi thảo luận, Thiếu tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tập trung phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ chủ quyền Biển Đông, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
PHẠM HỮU HOA