“Chán cơm thèm kèn” là cách nói dân gian chỉ người đã chán chê mọi thứ ở đời mà chỉ thèm nghe tiếng kèn ò í e của ban nhạc đám tang. Thế mà, ở vùng nông thôn Hòa Vang, chi phí để làm hài lòng cái việc “thèm kèn” của người vừa chết là không hề nhỏ.
Ông Mạc Như Pháp, Trưởng thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn), tính toán sơ sơ như thế này: Giá “phục vụ” đám tang của một ban nhạc cổ truyền mỗi ngày đêm (nói là ngày đêm nhưng chỉ từ 6 giờ đến 21 giờ) hiện không dưới 2,5 triệu đồng, chưa kể các khoản ăn, uống, thuốc lá... mà tang chủ còn phải mặc nhiên chấp nhận. Ngoài ra, tang chủ còn phải “chịu khó” nghe các thành viên trong ban nhạc bóng gió chê đồ ăn sao thế này, thức uống sao thế kia... Thậm chí, có khi ban nhạc rề rà đến 8 giờ sáng mới tề tựu đông đủ nhưng vẫn không chịu tự lo cái khoản ăn sáng mà cứ chờ vào nhà đám. Tang gia đã quá đỗi bối rối rồi, lại phải phục vụ cái vụ này nữa thì càng thêm phần bối rối.
2,5 triệu đồng mỗi ngày đối với người dân nông thôn là số tiền quá lớn. Đám nhà người ta có nhạc rền vang đầu làng cuối xóm, đám nhà mình mà vắng vẻ thì còn ra thể thống gì. Nghĩ vậy, nhiều người “đánh liều” mời ban nhạc tới phục vụ, còn muốn tiết kiệm thì xem ngày giờ để di quan cho nhanh.
Trước tình hình này, thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) nảy ra một sáng kiến được hầu hết người dân trong thôn tán thành hưởng ứng. Một giàn âm thanh, có thêm cái đầu máy để phát các bài nhạc cổ ra loa, duy nhất một người phụ trách với chi phí mỗi ngày đêm hiện chỉ 400.000 đồng. Khách đến viếng có thể nói người phụ trách điều chỉnh cho âm lượng vừa phải để mọi người dễ chuyện trò với nhau.
Thôn Thạch Nham Tây kế bên thấy mô hình này đáng đồng tiền bát gạo, bèn tổ chức cuộc họp gồm chi bộ, ban nhân dân, trưởng thôn và đại diện các đoàn thể trong thôn. Tất cả thống nhất nên làm như Thái Lai để vừa tiết kiệm cho người dân, vừa thể hiện nét văn hóa, văn minh trong việc tang. Ông Pháp nhấn mạnh thêm: Cái quan trọng nữa là mọi người trong thôn cảm thấy bình đẳng trước cái chết, người nghèo không còn cảm thấy tự ti.
Tuy mô hình “ban nhạc bỏ túi” này chưa được đưa vào các văn bản chính thống như hương ước, nội quy…, nhưng 3 năm qua đã thành lệ làng. Cả thôn hiện có gần 400 hộ với 1.570 nhân khẩu, ai cũng tự giác chấp hành. Chỉ xảy ra 2 vụ “xé rào” có lý do. Đó là hai gia đình sui gia, một bên có con ruột, một bên có con rể cùng làm nghề nhạc đám tang. Nhà có người chết, họ đem lễ ra thưa với làng, với thôn xin phép được cúng một viên nhạc, viện lẽ rằng con cháu trong nhà làm nghề mà không phục vụ cho chính người nhà mình thì lòng cũng thấy áy náy.
Hôm chúng tôi lên Hòa Nhơn, gặp Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Dự người Thái Lai, ông này nói thêm rằng, ở Thái Lai không có lệ đãi đằng trong đám tang, chỉ mời hạt dưa thôi. Nhưng có lần người ta tổng kết một đám tốn hết… 30 ký hạt dưa. Thế là bà con đề nghị miễn luôn cái phần hạt dưa, chỉ mời nước thôi, vì đã tốn kém rồi mà còn không được trang trọng đối với một đám tang.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Đại vừa đi đám tang ở xã Điện Quang (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) về, nói rằng trong đó họ làm cái “ban nhạc một người” này lâu lắm rồi. Nhờ đó, người nghèo cũng có thể tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng một điệu kèn bi ai, thương tiếc…
VIÊN PHÚC QUÂN