.

Công ước Pháp - Thanh phủ định Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa

.

Việc xác lập chủ quyền về lãnh hải và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông của Việt Nam đã diễn ra từ thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX mà không hề bị các quốc gia khác lên tiếng phản đối hay phủ nhận. Đó là cơ sở pháp lý để khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này từ thời nhà Nguyễn trở về sau.

Bản đồ đính kèm Công ước Pháp-Thanh 1887 với đường kinh tuyến Paris 105°43’ kinh độ đông phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Kỳ.  (Ảnh tư liệu)
Bản đồ đính kèm Công ước Pháp-Thanh 1887 với đường kinh tuyến Paris 105°43’ kinh độ đông phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Kỳ. (Ảnh tư liệu)

Trong quá trình xâm lược Việt Nam kể từ năm 1858, sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (5-7-1885), nền độc lập của Việt Nam bị rơi vào tay Pháp, chế độ bảo hộ được thiết lập trên toàn lãnh thổ. Từ đó, Pháp tiếp nối triều Nguyễn trở thành chủ thể ở đất nước này, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam cũng như nắm quyền quyết định quan hệ ngoại giao với bên ngoài.

Về quan hệ với Trung Quốc, sau khi Pháp cơ bản đánh chiếm xong Bắc Kỳ và giành thắng lợi trong chiến tranh với nhà Thanh ở đây, ngày 9-6-1885, đại diện nước Pháp và nhà Thanh là Thủ tướng Freycinet và Tổng lý nha môn Lý Hồng Chương đã ký Hiệp ước hòa bình và thương mại Pháp - Thanh tại Thiên Tân (Trung Quốc), gọi tắt là Hòa ước Thiên Tân. Hiệp ước này buộc quân Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ và công nhận nền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, đồng thời đi đến phân định vấn đề biên giới trên bộ giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ với ba đoạn biên giới: Bắc Kỳ - Quảng Đông, Bắc Kỳ - Quảng Tây và Bắc Kỳ - Vân Nam. Song, việc phân định lãnh hải và chủ quyền các đảo giữa hai bên ở vịnh Bắc Kỳ chưa được đặt ra.

Hai năm sau, ngày 26-6-1887, Công ước hoạch định biên giới Pháp - Thanh về biên giới giữa Trung Quốc với Bắc Kỳ (Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin), còn gọi là Công ước Constans ra đời, trong đó xác định lại một số đoạn biên giới tiếp giáp giữa Bắc Kỳ với Vân Nam, và thống nhất đường phân chia chủ quyền lãnh hải và các đảo giữa đôi bên ở vịnh Bắc Kỳ. Theo công ước này, đường kinh tuyến Paris 105°43’ trên vịnh Bắc Kỳ là căn cứ để phân chia chủ quyền: Những hòn đảo ở về phía đông của đường kinh tuyến Paris 105°43’ kinh độ đông, là đường thẳng bắc nam đi qua điểm phía đông đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên thì thuộc về chủ quyền Trung Quốc; các đảo Cô Tô và những đảo khác ở về phía tây của đường kinh tuyến này thuộc về chủ quyền Bắc Kỳ.(1)

Một số tác giả người Trung Quốc sau này thường viện dẫn sai trái về đường kinh tuyến Paris 105°43’ quy định trong Công ước 1887 làm lý lẽ để biện minh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc, vì chúng nằm phía ngoài kinh tuyến trên. Tuy nhiên, theo Công ước 1887, chỉ những hòn đảo ở về phía đông của đường kinh tuyến Paris 105°43’ kinh độ đông trong vịnh Bắc Kỳ mới thuộc về Trung Quốc, còn dưới nữa thì Trung Quốc không dính dáng, không có chủ quyền.

Như vậy, sự phân định đường biên về lãnh hải theo kinh tuyến này trong Công ước 1887 chỉ áp dụng ở vịnh Bắc Kỳ, không có giá trị với Trung Quốc trên toàn tuyến biển của Việt Nam; đồng nghĩa nhà Thanh đã thừa nhận về pháp lý Trung Quốc không còn đòi hỏi sở hữu bất kỳ hòn đảo nào nữa từ ngang ranh giới vịnh Bắc Kỳ trở xuống.

Đến 20-6-1895, Chính phủ Pháp và nhà Thanh lại ký tiếp Công ước Pháp-Thanh, hay còn gọi là Công ước Gérard 1895, nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, bổ túc cho Công ước Pháp - Thanh 1887. Vấn đề lãnh hải và chủ quyền các đảo không còn được đả động đến trong công ước này, có nghĩa nhà Thanh đã hoàn toàn vừa lòng với những gì có được về chủ quyền biển đảo theo quy định của Công ước năm 1887, với những hòn đảo ở về phía đông của đường kinh tuyến Paris 105°43’ kinh độ đông trong vịnh Bắc Kỳ.

Rõ ràng sự phân chia giới hạn lãnh hải trong các Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 đã phản ánh thực tế là nhận thức và chủ quyền về lãnh hải phía nam của đất nước Trung Quốc cho đến thời nhà Thanh chỉ ngang đảo Hải Nam. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với nhận thức của các loại bản đồ, tư liệu cổ, sách học của chính Trung Quốc thời ấy thể hiện.

Mặt khác, các công ước này đồng thời giải thích vì sao chính quyền bảo hộ Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không cần tuyên bố chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bởi người Pháp mặc nhiên xem phần lãnh hải phía dưới vịnh Bắc Kỳ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, không liên quan chủ quyền với nhà Thanh, còn Trung Quốc thì không hề dính dáng đến chủ quyền các quần đảo này nên cũng không thể đòi hỏi gì với Pháp trong các công ước.

Việc xác lập chủ quyền lãnh hải và các đảo trong vịnh Bắc Kỳ giữa Pháp và nhà Thanh qua Công ước 1887 và các công ước khác đã được thực hiện cả hai phía. Từ đó trở về sau, bằng lực lượng hải quân hùng hậu, Pháp đã bảo vệ trọn vẹn chủ quyền ở vịnh Bắc Kỳ, hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và toàn bộ lãnh hải Việt Nam theo phân chia trên trước Trung Quốc, cho đến lúc bị Nhật Bản chiếm đóng toàn Đông Dương.

Như vậy, bằng những công ước đã ký với nhà Thanh liên quan đến lãnh hải Bắc Kỳ và việc áp dụng các nghị định quy định về lãnh hải của Chính phủ Pháp cho các thuộc địa, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã tạo được dấu ấn đậm nét trong việc xác lập, thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền về lãnh hải của mình trên toàn bộ vùng biển và các đảo ở Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời xác định rõ Trung Quốc chỉ có chủ quyền lãnh hải và quyền sở hữu những hòn đảo ở về phía đông của đường kinh tuyến Paris 105°43’ kinh độ đông tại vịnh Bắc Kỳ, xuống nữa thì không còn gì liên quan đến Trung Quốc!

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(1) Mặc dầu kinh tuyến Greenwich được nhiều quốc gia sử dụng từ 13-10-1884, nhưng nước Pháp không công nhận và vẫn sử dụng kinh tuyến Paris đến năm 1914 mới thôi. Kinh tuyến Paris cách kinh tuyến Greenwich 2o 20’ 14’’, nên kinh tuyến Paris 105o 43’ kinh độ đông tương đương kinh tuyến Greenwich 108o 03’ kinh độ đông.

;
.
.
.
.
.