Đầu năm 2014, Báo Đà Nẵng mở thêm chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn”. Giữa muôn trùng “chuyện tổ, chuyện thôn”, phóng viên đi viết bài có khi gặp đề tài nhờ vào... vận may; có những câu chuyện “thế vai” bất đắc dĩ, cũng có những chuyến đi rồi về không.
Ông Huỳnh Văn Châu (người không đội mũ) “đóng thế” tổ trưởng tổ dân phố lắng nghe bức xúc của dân. |
Biết lắng nghe và ghi nhận
Trong lần đi viết về xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Phú, tôi được biết ở thôn An Châu có mô hình trồng cây thanh long rất hiệu quả, nên đã nảy ý định về đó để chụp ảnh cho bài viết. 11 giờ trưa, tôi tìm đến nhà vườn trồng thanh long nhưng thấy không có một bóng người. Chờ hơn 20 phút vẫn không có ai đi qua để “nhờ” đứng vào khung ảnh. Đang định trở về thì có người đàn ông chở một con dê về thả vào chuồng bên cạnh vườn thanh long. Như bắt được vàng, tôi nhờ ông ghé vào để “làm dáng”. Hỏi chuyện mới biết ông là chủ vườn cây. Sau một hồi dông dài về nguồn gốc trồng thanh long ở đây, ông cho biết phải đi xin mãi chính quyền mới đồng ý cấp giống cây thanh long cho ông trồng thử nghiệm. Trong thâm tâm nảy ra ý định viết câu chuyện này cho chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn”, và “dí” cho ra nhẽ với trưởng thôn cũng như chính quyền xã Hòa Phú vì sao không cấp giống cho dân trong khi được thành phố ưu tiên cấp miễn phí.
Khi phỏng vấn Chủ tịch UBND xã cũng như trưởng thôn, tôi biết thông tin do ông Trần Văn Phúc ở thôn An Châu cung cấp chỉ là một phía. Hỏi ra mới vỡ nhẽ, ban đầu có 10 người đăng ký cấp giống cây trồng (thanh long), sau đó thấy “khó ăn” quá nên rút gần hết. UBND xã và trưởng thôn đều khuyến khích người dân đăng ký trồng cây để tạo mô hình hiệu quả, xây dựng thành công sớm nông thôn mới thì không thể nói không cho dân đăng ký nhận giống cây trồng. Bài báo “Làm gì có chuyện dân xin, xã không cho” đăng ở chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn” vừa là “dịp may”, vừa tích thêm kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp viết bài là phải lắng - nghe - tất - cả.
Người “đóng thế”
Ông Huỳnh Văn Châu, Bí thư chi bộ 2 Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) là người chuyên đi “đóng thế” tổ trưởng tổ dân phố (TDP). Chi bộ 2 Đà Sơn quản lý 20 TDP từ tổ 114-133. Trong số 20 TDP, hơn 1/3 số tổ trưởng TDP có trình độ xử lý công việc còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đơn giản của người dân. Chính lẽ đó, hễ có bất cứ chuyện gì xảy ra trong tổ, ông Bí thư chi bộ đều phải kiêm luôn chức tổ trưởng TDP bất đắt dĩ của gần 10 TDP để xử lý công việc. Cái bóng đèn điện đường bị hỏng, con đường đất mù bụi, đường liên tổ chưa có điện chiếu sáng gây mất an toàn về đêm cho cộng đồng dân cư, khu dân cư nọ ngập úng, thậm chí nhà bà kia bị đau ốm nặng không có điều kiện kinh tế chạy chữa phải nhờ TDP vận động quyên góp..., ông Châu đều phải nhúng tay giải quyết, hướng dẫn tổ trưởng làm theo. “Trăm dâu đổ đầu tằm, nhiều lúc cứ xoay vò vò vì người này kêu, người khác gọi. Mà dân kêu thì không thể không đi kiểm tra, tìm hướng giải quyết. Đôi khi bị chửi thậm tệ thì cũng phải chịu đựng vì danh nghĩa là đầy tớ nhân dân”, ông Châu kể.
Câu chuyện của ông Châu phản ánh chân thực bức tranh đời sống của một khu dân cư có trình độ dân trí thấp, thấp đến mức có nhiều tổ trưởng TDP còn chưa tốt nghiệp THCS, cứ sinh con thứ 3, thứ 4. Người dân chủ yếu lao động phổ thông, người nhập cư từ nơi khác đến cũng rất đông, đời sống xã hội phức tạp. Tôi biết rằng, câu chuyện “khu dân cư “trắng” đảng viên” đăng ở chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn”, số báo ra ngày 4-6-2014 chưa phản ánh toàn diện những mong muốn truyền đạt của ông Bí thư chi bộ. Hình ảnh người Bí thư chi bộ quần áo xộc xệch, xe máy cà tàng, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt khắc khổ luôn trăn trở với những bức xúc, khó khăn của cư dân trên địa bàn do chi bộ quản lý hằn sâu trong tâm trí tôi về hình ảnh một đảng viên gương mẫu, tận tụy và bình dị giữa đời thường.
Đôi khi đi viết “Chuyện tổ, chuyện thôn”, có khi đề tài là một cuộc “hóng hớt” vỉa hè, có khi là một ý nảy ra từ những cuộc phóng vấn cho bài viết đã có kế hoạch và dự định trước đó, hay một mẩu tin trên các báo, đài hằng ngày thông tin mà phóng viên “may mắn” gặp được. Có lúc tôi mỉm cười, gọi vui mình là “phóng viên vỉa hè”…
MINH SƠN