.

Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

.

ĐNĐT - Ngày 21-6, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”, các đại biểu đã tham dự hai phiên tọa đàm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại phiên thứ nhất, các học giả tập trung đánh giá về khía cạnh pháp lý của hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. Các học giả cho rằng về mặt pháp lý, nhìn từ bất kỳ góc độ nào, hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là bất hợp pháp. Theo tọa độ của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo thì vị trí hoạt động của giàn khoan hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở khu vực này là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Các diễn giả đều cho rằng, Hoàng Sa là vùng lãnh thổ có tranh chấp, việc Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc không có tranh chấp là không thể chấp nhận được. Và việc Trung Quốc cố gắng thay đổi trạng là vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.

Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, nhiều diễn giả chỉ rõ những nội dung phi lý trong lập luận của Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981. Việc Trung Quốc coi vị trí hoạt động của giàn khoan này thuộc vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận. Mặt khác, việc Trung Quốc vẽ khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 trên bản đồ “đường lưỡi bò” thể hiện sự mập mờ trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về hướng giải quyết vấn đề trước việc Trung Quốc ngoan cố không rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam và không chịu ngồi vào đàm phán với Việt Nam, các diễn giả cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các biện pháp pháp lý và các cơ chế tài phán quốc tế. Trước tiên, cần yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, có thể khởi kiện theo một số vấn đề như: hiệu lực của đảo, nghĩa vụ phải đạt được thoả thuận tạm thời trong vùng có tranh chấp; các vi phạm an ninh, an toàn và tự do hàng hải…

Tại phiên tọa đàm thứ hai, các học giả đã đi sâu đánh giá ý đồ của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Các ý kiến cho rằng, hành động này của Trung Quốc là bước leo thang mới nhằm hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Đông; phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Philippines trong việc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý.

Với việc Trung Quốc khống chế bãi cạn Scarbourgh của Philippines năm 2012 phía Đông “đường lưỡi bò”; lần này hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở phía tây “đường lưỡi bò” và Trung Quốc đã nhiều lần diễn tập quân sự ở bãi Tăng Mẫu, điểm cực nam của “đường lưỡi bò”, rõ ràng mục tiêu của Trung Quốc là từng bước hiện thực hoá “đường lưỡi bò”. Hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực và thiện chí giải quyết hòa bình tranh chấp của Việt Nam; cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này để tạo sức ép với Trung Quốc, ngăn cản những hành động leo thang mới.

Tin và ảnh: Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.