Đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực CHXHCN Việt Nam bên cạnh LHQ, trưởng đoàn Việt Nam Lê Hoài Trung tham dự Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (New York, 9-13-6-2014) đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực vùng biển phía nam đông nam giàn khoan ngày 3-6 - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bài phát biểu đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và bày tỏ sự phản đối trước hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Toàn văn bài phát biểu:
Thưa Ngài chủ tịch hội nghị,
Thưa quý vị đại biểu,
Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự vui mừng của đoàn chúng tôi khi thấy ngài nắm giữ vai trò chủ tịch Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển). Đoàn chúng tôi nhiệt liệt chúc mừng ngài về những thành công của hội nghị.
Nhân dịp này, tôi cũng muốn bày tỏ sự đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam đối với các thành tựu của Tòa án quốc tế về Luật biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, cũng như Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương như đã được thể hiện trong báo cáo mà các cơ quan này trình lên hội nghị. Tôi xin được gửi lời chúc mừng đến bảy vị thẩm phán vừa trúng cử trong cuộc bầu cử Tòa án Luật biển năm nay và chào mừng thành viên mới của Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa. Tôi chúc các ngài thành công trong công việc của mình. Việt Nam cũng cảm ơn ngài Tổng thư ký Ban Ki Moon và Ban thư ký LHQ đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với công ước và cảm ơn ngài tổng thư ký về những báo cáo quan trọng trình bày những phát triển liên quan đến đại dương và luật biển cũng như về việc thực hiện Công ước Luật biển. Đoàn chúng tôi cũng xin gửi lời chúc mừng nhiệt liệt đến Niger - thành viên thứ 166 của Công ước Luật biển.
Thưa ngài chủ tịch,
Thưa quý vị đại biểu,
Hai năm trước, chúng ta kỷ niệm 30 năm ngày ký Công ước Luật biển. Năm nay cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt khi chúng ta kỷ niệm lần thứ 20 ngày Công ước Luật biển có hiệu lực. Được coi là “Hiến chương về đại dương”, công ước là thành quả của những nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế hợp lý và công bằng cho việc sử dụng, khai thác, quản lý và phát triển bền vững biển và đại dương. Công ước định rõ quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, cũng như các quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương. Đồng thời, công ước là căn cứ để xác định tính phù hợp và tính hợp pháp của các hành vi mà các quốc gia tiến hành trên biển.
Chúng tôi một lần nữa đề cao ý nghĩa to lớn, vai trò thiết yếu và giá trị quan trọng của công ước đối với nhân loại. Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tiến hành mọi quy định của công ước một cách thiện chí để bảo đảm mục tiêu khai thác, sử dụng và phát triển hòa bình và bền vững biển và đại dương. Đồng thời, mỗi quốc gia thành viên cũng có trách nhiệm tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của các nước thành viên khác đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ được hoạch định theo công ước. Mọi hành vi đơn phương xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển là vi phạm các quy định của công ước.
Thưa ngài chủ tịch,
Thưa quý vị đại biểu,
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam hiểu rõ và đánh giá cao tầm quan trọng của công ước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký công ước ngay trong ngày đầu tiên công ước được mở ký. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng để tuân thủ các quy định của Công ước Luật biển, trong đó có việc ban hành Luật biển Việt Nam năm 2012. Văn bản này định ra các nguyên tắc xác định phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển của Việt Nam, đồng thời tạo dựng một khung pháp lý điều chỉnh hoạt động tại các vùng biển của Việt Nam phù hợp với Công ước Luật biển.
Thưa ngài chủ tịch,
Tại cuộc họp này, tôi phải thông báo tới ngài chủ tịch về những diễn biến nghiêm trọng đang diễn ra trên biển Đông. Từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vị trí nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo công ước. Đến thời điểm hiện nay, giàn khoan của Trung Quốc vẫn tiếp tục nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hỗ trợ cho giàn khoan này là một lượng lớn các tàu, có lúc lên đến hơn 130 tàu, bao gồm cả tàu quân sự và máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã chủ động đâm va, dùng vòi phun nước công suất lớn bắn vào tàu dân sự thực thi pháp luật và tàu cá của Việt Nam. Ngày 26-5-2014, tàu của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá với 10 ngư dân Việt Nam trên tàu khi đang tiến hành khai thác thủy sản tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các hành động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông. Các hành vi này do vậy đã vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, đồng thời đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là thành viên cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.
Các hành vi này đang gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế, xói mòn niềm tin giữa Việt Nam và Trung Quốc và gây tác hại tới mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Ngoài ra, điều liên quan trực tiếp đến cuộc họp các quốc gia thành viên Công ước Luật biển là việc hai phần ba thương mại đường biển toàn cầu đi qua biển Đông và tình hình nói trên có những hệ lụy quan trọng đối với tính toàn vẹn và việc thực thi Công ước Luật biển.
Xuất phát từ chủ trương kiên trì giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua biện pháp hòa bình cũng như từ mong muốn chân thành trong việc gìn giữ và phát triển tình hữu nghị với Trung Quốc, tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước Luật biển và nhận thức đầy đủ lợi ích về hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam đã hết sức kiềm chế và liên tiếp đưa ra những đề nghị có tính chất xây dựng. Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và qua các kênh khác nhau để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho việc đối thoại, đồng thời đã đề nghị sớm tiến hành trao đổi và đàm phán giữa hai nước để giải quyết tranh chấp, kể cả các vấn đề liên quan đến giàn khoan của Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế mà còn tiếp tục những hành vi sai trái nói trên của mình.
Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hay các biện pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật biển. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên của Công ước Luật biển, tiếp tục quan tâm đến tình hình biển Đông, phản đối các hành vi đơn phương gây căng thẳng, đồng thời ủng hộ việc không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và việc giải quyết tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế. Những điều này thật sự là thiết yếu đối với tính hiệu quả của Công ước Luật biển - văn kiện được các quốc gia thành viên coi là có tầm quan trọng lịch sử và phục vụ lợi ích tổng thể quan trọng của nhân loại.
Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị!
Đại sứ LÊ HOÀI TRUNG