.

Vui - buồn phóng viên thể thao

.

Mọi so sánh đều rất khập khiễng nhưng nếu nhìn vào thực tiễn, không khó thấy những nhọc nhằn, vất vả của cánh phóng viên thể thao so với các đồng nghiệp ở những mảng khác.

Phóng viên thể thao phải chấp nhận những khó khăn, vất vả mới có được những sản phẩm mong muốn.
Phóng viên thể thao phải chấp nhận những khó khăn, vất vả mới có được những sản phẩm mong muốn.

Hầu hết phóng viên thể thao đến với công việc bắt nguồn từ đam mê và đều không được đào tạo (để viết hoặc chụp ảnh) về lĩnh vực thể thao. Điều kiện tác nghiệp cũng là trở ngại, nhất là với phóng viên ảnh, khi không phải lúc nào “ông trời” cũng ủng hộ! Hơn nữa, hầu hết phóng viên ảnh đều không được đầu tư phương tiện tác nghiệp hoặc chỉ được đầu tư ở mức tối thiểu. Nhưng để có được những sản phẩm tốt nhất có thể, mỗi phóng viên phải tự trang bị cho mình những thiết bị tốt nhất, tùy điều kiện của từng người. Và dù rất tiết kiệm nhưng mỗi phóng viên ảnh cũng tốn xấp xỉ cả trăm triệu đồng để có bộ “đồ nghề” đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, để viết đúng chứ chưa nói đến viết hay, việc học hỏi thường xuyên - từ các nhà chuyên môn, các HLV cho đến tài liệu lẫn các đồng nghiệp - trở thành yêu cầu bắt buộc.

Khó khăn là vậy nhưng vì đam mê nên sinh thời, dù đã hơn 80 tuổi nhưng cố nhà báo Phan Sang (Báo Thể thao Việt Nam) vẫn không nghỉ ngơi để gắn bó cùng “cái nghiệp” phóng viên thể thao cho đến cuối đời. Còn bây giờ, đến tuổi nghỉ theo chế độ, song phóng viên ảnh Dư Hải chưa dứt bỏ được đam mê và anh tiếp tục gắn bó với báo Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng bằng nhiệt huyết như hồi mới vào nghề. Có lần, nhà báo Đặng Hoàng (nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ) không giấu được tiếc nuối: “Thấy các đồng nghiệp sôi nổi với nghề, lại thèm được ra sân quá…”.

Vậy đó, nếu thiếu ngọn lửa đam mê, làm sao đội ngũ phóng viên thể thao sẵn sàng dầm mưa dãi nắng suốt những năm này, qua tháng nọ! Cũng chẳng mấy ai dám bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn, chỉ để đầu tư phương tiện, máy móc. Nếu thiếu đi tình yêu, quá khó để mỗi người có thể vượt cả trăm cây số chỉ trong ngày để có những bức ảnh, những bài viết về mỗi trận đấu, về các giải đấu thể thao. Đó chính là động lực để những phóng viên thể thao có thể “quên đi” một buổi liên hoan tổng kết khi cố gắng để chuyển về “bản doanh” những bài viết, những bản tin, những bức ảnh trong thời gian sớm nhất.

Cái được lớn nhất của phóng viên thể thao, mà không hẳn đồng nghiệp ở các mảng khác có được, chính là việc được đi đây đi đó khá nhiều. Cũng từ những chuyến công tác ấy, các phóng viên thể thao lại được hiểu biết nhiều về các vùng, miền, có thêm nhiều trải nghiệm. Việc được gặp gỡ tương đối thường xuyên còn giúp đội ngũ phóng viên thể thao cả nước có mối quan hệ khá gắn bó, thân tình, quan tâm, giúp đỡ nhau. Những đóng góp của không ít phóng viên thể thao khi đồng nghiệp D.P (Báo Sài Gòn Giải phóng Thể thao) bị mất trộm phương tiện hoặc sự hỗ trợ dành cho phóng viên Đ.M.H trước căn bệnh hiểm nghèo, dù không đủ lớn, nhưng phần nào nói lên những tình cảm quý báu của đồng nghiệp dành cho các anh.  

Có thể chính sự phóng khoáng, bình dị hay nói vui là “dễ nuôi” của cánh phóng viên thể thao cũng giúp anh em rất dễ thích nghi với môi trường sinh hoạt lẫn tác nghiệp. Chẳng thế mà cách đây hơn 20 năm, khi rong ruổi theo những cuộc đua xe đạp xuyên Việt, không ít lần phóng viên thể thao phải “ăn bờ, ngủ bụi” nhưng chẳng thấy ai than phiền hay kể khổ.

Vui là vậy, song vẫn có những khoảnh khắc chạnh lòng!

Nếu được lãnh đạo đánh giá đúng sự nỗ lực, những cống hiến thì sẽ là niềm vui rất lớn. Ngược lại, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết của từng người cũng sẽ nguội dần. Chưa nói đến việc không ít tờ báo xem Thể thao chỉ như thể loại tin - bài giải trí, có cũng được, mà không cũng chẳng sao! Vì thế, khó khơi gợi được nhiệt tâm để các phóng viên thể thao dốc toàn bộ trí lực cho công việc. Với phóng viên thể thao, hầu như không có những ngày lễ, Tết khi phần lớn các hoạt động thể thao đều tiến hành vào những dịp này.

Hẳn nhiên, công việc nào, nghề nghiệp nào cũng có hai mặt buồn - vui. Nhưng với những phóng viên thể thao, tất cả luôn nhìn vào mặt tích cực để tìm được động lực tốt nhất cho mình. Và hạnh phúc lớn nhất khi mỗi ngày đội ngũ phóng viên thể thao vẫn còn mang lại cho người đọc, người nghe, người xem… “món ăn tinh thần” cần thiết qua những sản phẩm mà ở đó họ có sự đóng góp, dù chỉ một phần…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.