Trung Quốc đã xuyên tạc nội dung Công ước Pháp - Thanh ngày 26-6-1887 để khẳng định chủ quyền của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 26-6-1887, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam ký với nhà Thanh công ước có tên là Công ước Pháp- Thanh (hay là Công ước Constans 1887) nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc... Các học giả Trung Quốc đã trích dẫn câu sau trong mục Việc thực thi trong Công ước quy định về việc phân định địa giới: “Tại Quảng Đông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Đông và phía Đông Bắc Móng Cái, những điểm này ở phía bên kia của đường biên giới đã được Ủy ban phân định xác định thì chúng được giao cho Trung Hoa. Những hòn đảo ở về phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút kinh độ Đông, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi qua đông điểm đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới cũng được giao cho Trung Hoa”. (1)
Từ đó, họ cho rằng căn cứ vào quy định của công ước thì các đảo trên biển Nam Hải (hay Đông Hải), gồm cả Tây Sa lẫn Nam Sa đều thuộc về Trung Quốc, vì lẽ các quần đảo đó đều ở xa về phía đông giới tuyến như được quy định bên trên. (2)
Theo tiến sĩ luật học Từ Đặng Minh Thu, Đại học Sorbonne, có mấy vấn đề cần phải được làm rõ về nội dung của bản Công ước này để Trung Quốc hiểu thêm.
Một là, bản Công ước này chỉ nhằm phân định biên giới miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc, chứ không phải là nhằm phân chia những đảo ở ngoài xa khơi (high sea) giữa toàn bộ nước Việt Nam và Trung Quốc. Bởi xét sát nghĩa lời văn của Công ước theo Công ước Vienne về điều ước quốc tế, tiếng Pháp “Tonkin” là miền Bắc Việt Nam. Trong thời thuộc địa, Pháp đã chia Việt Nam ra làm ba kỳ: miền Bắc gọi là Tonkin, miền Trung gọi là An Nam hoặc giữ tên của cả nước Việt Nam và miền Nam gọi là Cochinchine. Các tác giả Trung Quốc cứ tưởng rằng Tonkin là toàn thể Việt Nam.
Chữ “frontière” dùng trong Điều 2 của Công ước cho thấy rõ ràng là kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút là biên giới biển, nhưng chỉ là biên giới biển thuộc về miền Bắc Việt Nam (Tonkin), chứ không phải là đường phân chia các đảo ngoài khơi xa, ngang với miền Trung và miền Nam Việt Nam. Công ước đã ấn định rõ chiều hướng của biên giới đó là hướng bắc nam, và nó kéo ngang góc đông của đảo Trà Cổ. Và vì đây là biên giới của Tonkin và Trung Quốc nên phải hiểu biên giới này chấm dứt ở điểm ngang với ranh giới mà trước kia Pháp đã ấn định giữa Tonkin và An Nam (tức là ranh giới giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam).
Từ sau năm 1884, thực hiện chính sách “chia để trị”, Việt Nam bị chia thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau. Do ba miền được xem gần như ba xứ riêng biệt, vì vậy, vấn đề ấn định biên giới chỉ là giữa Tonkin (miền Bắc) với Trung Quốc là điều dễ hiểu đối với chính sách thuộc địa của Pháp. Như vậy, hai chữ “Tonkin” và “frontière” cho thấy đây là biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc, nó bao gồm biên giới trên đất liền và biên giới biển, tức vùng vịnh Bắc Bộ.
Hai là, toàn bộ bản Công ước không có chỗ nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa. Toàn văn bản công ước nói đến việc kẻ biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc và ấn định những điểm mà Ủy ban kẻ biên giới của hai bên Pháp - Thanh không đồng ý với nhau được, đó là hai đoạn biên giới Vân Nam và Quảng Đông. Các tác giả Trung Quốc chỉ viện dẫn đoạn liên quan đến đoạn biên giới Quảng Đông. Tuy nhiên, trước đó Công ước có nói: “Những điểm mà Ủy ban hai bên không đồng ý với nhau được, và những điều chỉnh được dự trù ở Điều 3 của Hiệp ước ngày 9-6-1885 được ấn định như sau: ở Quảng Đông những điểm tranh chấp...”.
Sau đó nói đến biên giới Quảng Đông, tới đoạn ấn định biên giới Vân Nam: “Trên vùng biên giới Vân Nam, đường biên giới được ấn định như sau...”. Nếu theo sự giải thích của Trung Quốc, tất cả những đảo nằm ở phía đông của kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút thuộc về Trung Quốc, thì không những Hoàng Sa, Trường Sa mà tất cả các đảo ven bờ biển Việt Nam nằm ở phía đông kinh tuyến Paris nói trên đều thuộc về Trung Quốc. Sự giải thích là một điều “vô lý” hoặc “ngu xuẩn” (từ của Công ước Vienne).
Ba là, mục đích của Công ước là kẻ hai đoạn tranh chấp của biên giới miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc (Báo cáo của ông Dureau de Vaulcomte gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp giải thích Công ước 1887). Công ước 1887 được ký thể theo Điều 3 của Hiệp ước 1885 là một hiệp ước hữu nghị nhằm chấm dứt xung đột giữa hai bên Pháp - Thanh. Pháp đã thỏa thuận với Trung Quốc ở Điều 3 của Hiệp ước 1885, là hai bên sẽ lập một Ủy ban kẻ biên giới gồm chuyên viên của cả hai bên để kẻ lại biên giới.
Hiệp ước 1885 cũng ấn định nếu có điểm bất đồng giữa chuyên viên của hai bên về bất cứ điểm nào liên quan đến việc kẻ biên giới thì Ủy ban này sẽ chuyển vấn đề sang cho chính quyền hai bên xét xử. Biên giới được kẻ chia làm 3 đoạn: đoạn biên giới Quảng Tây, đoạn biên giới Quảng Đông và đoạn biên giới Vân Nam. Việc ấn định đoạn Quảng Tây không gặp rắc rối gì, nhưng hai bên không thỏa thuận được trong việc kẻ hai đoạn biên giới Quảng Đông và Vân Nam. Từ đó mới có Công ước 1887 do hai chính quyền ký để giải quyết hai đoạn biên giới nói trên.
Tại Quảng Đông, sự bất đồng liên quan đến vùng Paklung (Bạch Long) và những đảo quanh đó. Vì có quân thổ phỉ từ Trung Hoa sang tập trung ở vùng này, nên Pháp đã đưa quân đến chiếm đóng. Trung Quốc phản đối, đòi vùng này là của Trung Quốc. Do đó, mới xảy ra tranh chấp. Như vậy, sự tranh chấp này không liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cả Pháp và Trung Quốc khi ký Công ước này cũng không hề nghĩ đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phía Trung Quốc, một mặt nói rằng Công ước 1887 áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng mặt khác khi bàn về biên giới vùng Bắc Bộ thì họ lại khẳng định rằng Công ước này chỉ phân chia “những đảo ở vùng Bắc Bộ”, chứ không phải là biên giới biển (Tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hàn Niệm Long (Han Nian Long) ngày 12-5-1973) (3). Rõ ràng, Trung Quốc đã tự mâu thuẫn, một sự áp đặt chủ quyền thiếu khoa học.
Đến Hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954, mà Trung Quốc là một bên ký, đã công nhận Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng mà Trung Quốc cố lờ đi.
PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
(1) Công ước Pháp-Thanh 1887. Http://www. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (tiếng Việt).
(2) Giáo sư Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham: Sđd, tr. 242- 245.
(3) Từ Đặng Minh Thu: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc, Tạp chí Thời đại mới, tháng 11-2007.