.

Bếp từ thiện: Chuyện thường ngày

.

Góp tiền nấu cơm, cháo tình thương cho các bệnh viện giờ đây đã trở thành chuyện thường ngày tại Đà Nẵng.

Bếp từ thiện tại Bệnh viện Ung thư.
Bếp từ thiện tại Bệnh viện Ung thư.

Việc chia sẻ bữa ăn miễn phí tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố hiện nay không còn là phong trào hay chỉ là hoạt động trong một số ngày nhất định. Ngày nào, thậm chí buổi nào, bệnh nhân, kể cả người nhà chăm bệnh cũng có thể nhận cơm, cháo miễn phí từ các bếp ăn từ thiện.

Buông ra là không chịu được

Đối diện cổng chính Bệnh viện Da Liễu là ngôi nhà số 144 Dũng sĩ Thanh Khê của người phụ nữ 65 tuổi, tên thường gọi là Ca (tên thật Đào Thị Truyện). Điều đặc biệt, từ 2 năm trở lại đây, ngôi nhà này đồng thời là “bếp ăn” vào các ngày rằm của 100 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này. Nhà ở sát bệnh viện, hằng ngày chứng kiến người bệnh khó khăn từ các nơi đổ về nên bà Ca bàn với một người bạn tên Thoại, 60 tuổi (số nhà 128 Dũng sĩ Thanh Khê) về việc nấu các bữa cơm miễn phí hỗ trợ bệnh nhân. Không phân vân hay suy tính thêm, hai người phụ nữ bắt tay thực hiện bữa cơm chay đầu tiên và duy trì đến bây giờ.

Bà Ca chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi chỉ nấu được món chay vào ngày rằm vì nguồn tiền chỉ đủ để làm như vậy. Nấu thức ăn mặn và ngày nào cũng nấu thì mình chưa đủ lực”. Để có tiền duy trì bếp 2 năm qua, bà Ca, bà Thoại đã tự vận động những người quen biết. “Mình không đi xin, chỉ “nhắm” một số người sẵn sàng chung tay cho việc thiện nguyện rồi chia sẻ về bếp ăn để họ cùng đóng góp. Mỗi người góp 20.000 đồng/tháng cho bếp”, bà Ca nói.

Riêng với hai “đầu bếp” chính, ngoài việc tự tay làm toàn bộ từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu đến nấu nướng, thì phần góp vào quỹ luôn gấp đôi mọi người. Với nụ cười hiền lành, bà Ca cho biết: “Tháng thiếu tiền thì mình bỏ tiền túi vào cho đủ, còn tháng nhận được nhiều thì phần dư sẽ giữ lại đề phòng tháng sau lại… thiếu”.

Ngẫu nhiên khi xây dựng ngôi nhà đang ở, bà Ca lại cho làm gian bếp thật rộng như một bếp ăn tập thể. Giờ thì bếp không chỉ dành cho gia đình nhỏ của bà mà luôn nhộn nhịp, ấm áp hơn khi có sự duy trì nồi cơm chay cho người bệnh. Bà Ca chia sẻ rằng sẽ làm cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa, làm quen rồi, buông ra không chịu được.

Ăn ở đây ngon lắm!

Nói về tính chuyên nghiệp, quy mô của bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện, có lẽ Bệnh viện Ung thư là một trong những nơi ấn tượng với cả “thực khách” lẫn các nhà hảo tâm.

Chọn một chỗ ngồi thoáng mát và bắt đầu bữa trưa với món cháo bò, chị Điệp, đến từ xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) xuống chăm dì bị ung thư nói: “Tôi ở đây được hai ngày rồi, ngày nào cũng nhận thức ăn 3 buổi tại bếp. Đồ ăn thay đổi liên tục, ngon và không tốn tiền”.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, đơn vị trực tiếp tiếp nhận hỗ trợ cho bếp từ thiện của Bệnh viện Ung thư cho biết, bệnh viện đi vào hoạt động được 20 tháng và bếp cũng đã đỏ lửa được chừng đó thời gian với hàng nghìn suất cháo đến với bệnh nhân, người nhà, kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết. Gần 1,8 tỷ đồng từ các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho bếp thông qua tặng thiết bị, đồ dùng, bàn ghế, thực phẩm trực tiếp, gạo, tiền mặt.

Những con số thống kê từ bếp ăn này cũng là một điều khá thú vị như: ông Phạm Đắc Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Đắc Vinh tài trợ 6.309kg xương heo; Công ty TNHH Đông Phương khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc 1.806kg cá hồi; Bà Nguyễn Thị Thảo - Trung tâm Giết mổ gia súc Đà Sơn 272kg lòng, v.v… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều ký rau, củ, quả của tiểu thương các chợ gửi đến mỗi ngày. Bà Lan xúc động nói: “Các nhà tài trợ không đợi bệnh viện cử người tới nhận mà luôn chủ động mang thực phẩm đến bếp”.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.