.

Sống cùng đá

.

Những bàn tay vốn cầm kim may vá, giờ phải cầm búa, đinh, đục..., giúp những phiến đá sần sùi trở nên mượt mà. Bỏ quên cơn nhức mỏi cùng bàn tay rướm máu, những người phụ nữ ngày ngày bám đá để viết tiếp ước mơ đi tìm tri thức của con cái.

Những cánh cò miệt mài bám đá mưu sinh.
Những cánh cò miệt mài bám đá mưu sinh.

Đá là nguồn sống

Ấn tượng để lại trong chúng tôi khi lần đầu đi ngang qua các thôn Phú Thượng, Xuân Phú, Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) là con đường đá nối liền 3 thôn, với đá chất chồng lên nhau, đá tràn từ nhà ra ngõ, đá tung bụi mịt mù… Nhưng đá cũng là nơi bám víu mưu sinh của không ít người dân nơi đây, đặc biệt là phụ nữ.

Giữa những bãi đá gồ ghề, đàn ông hì hục cắt đá to thành từng miếng nhỏ, đàn bà cần mẫn chẻ đá nhỏ thành các kiểu mẫu trang trí khác nhau. Tiếng máy cắt đá ầm ì, tiếng búa chẻ đá chan chát cả vùng quê nghèo. Say mê làm việc, họ cứ cắm cúi vào đá, chẳng nói với nhau một lời. Thảng hoặc, lẫn trong tiếng ồn của đá mới nghe thấy một tiếng thở mệt nhọc.

Nhắc đến nghề chẻ đá, không ít thanh niên ngán ngẩm lắc đầu vì công việc này đầy nhọc nhằn và hiểm nguy. Vậy mà, chị Nguyễn Thị Cam (SN 1975) đã gắn bó với búa, với đục, với đá hơn 6 năm qua. “Trước đây, tôi làm công nhân, nhưng từ ngày có chồng, sinh con, tôi chuyển sang chẻ đá để được ở gần nhà, tiện chăm sóc con”, chị Cam tâm sự. Cạnh bên, chị Nguyễn Thị Diễm (SN 1976) góp lời: “Làm nghề ni cực nhưng được cái tự do, vừa làm vừa giữ con được. Trưa làm xong về nhà nấu cơm hoặc nhà có việc thì chạy đi chạy về được…”. Trong khi đó, chị P.T.V (SN 1989) có hai bằng Đại học Ngoại ngữ (Pháp và Anh văn) nhưng cũng gia nhập đội ngũ nữ chẻ đá nơi đây được gần 2 tháng.

Một m2 đá chẻ trị giá khoảng 5.000 đồng, ngày công trung bình của thợ chẻ đá khoảng từ 100.000 - 110.000 đồng/ngày. Công việc nặng nhọc hơn nhiều nghề khác nhưng thu nhập không cao bao nhiêu. Thế nhưng, dễ dàng chăm sóc con cái, bớt một khoản chi phí gửi con là lý do chung của hầu hết chị em nơi đây khi lựa chọn gắn bó với nghề chẻ đá.

Đưa tay chỉ về phía người đàn ông đang cắt đá gần đó, chị Nguyễn Thị Cẩm (SN 1976) hồ hởi khoe: “Chồng tui đó. Trước làm “thợ đụng”, đụng chi làm đó, từ thợ hồ, thợ mộc cho đến thợ điện… Nhưng công việc bữa có bữa không, không ổn định nên ổng chuyển sang cắt đá với tui luôn. Tui làm được 5 năm rồi, còn ổng làm mới được 2 năm thôi. Đá giờ là miếng cơm, là nguồn sống của cả gia đình năm người tui đó. Cực thì cực nhưng không làm thì lấy gì nuôi con…”.

Trong khi đó, không chỉ chẻ đá, chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1972) còn làm thêm công việc cưa đá vốn của cánh mày râu. Chị rưng rưng: “Chồng chị bị đau nặng hơn 12 năm nay rồi, không làm được việc chi hết. Ba đứa con nhỏ giờ phải trông chờ vào sức lực mình chị. Có nguy hiểm, vất vả mấy cũng cố vì con…”.

Những bàn tay rớm máu

Chìa đôi bàn tay sần sùi có 2 ngón đang thay móng, chị Cam thở dài: “Làm nghề ni sứt móng tay, chảy máu chân khi vô tình chạm phải cạnh đá sắc lẻm là chuyện bình thường. Mang bao tay chỉ để giảm bớt phần nào thôi chứ không thể nào có chuyện không xây xát, chảy máu được. Một năm, tôi phải bị sứt móng đến 6-7 lần, người nào cẩn thận thì ít bị hơn…”. Nghe vậy, chị Nguyễn Thị Tề (SN 1985) nói vui: “Chẻ đá mà ngày nào mà không đổ máu là ăn cơm không ngon mà…”.

Rồi vừa thoăn thoắt đung đưa nhịp búa, chị vừa kể: “Tui đi chẻ đá được 2 năm rồi. Hồi mới vô nghề, không có làm nhanh như vậy. Chưa quen, búa cứ đập vô tay, sứt móng miết thôi. Lúc đó, mỗi ngày làm được khoảng 20.000-30.000 đồng chứ không có nhiều. Về đến nhà là tay đau nhức không chịu được. Cầm cái chi thì tay cũng run hoặc tê, nhiều khi không cầm chi mà tay cũng run nữa. Mà phải ráng để lo cho con thôi, chứ không làm nghề ni thì tụi tui biết làm chi. Được 1-2 tháng thì quen việc, quen với cả chuyện chảy máu luôn…”.

Chảy máu hay sứt móng chỉ là một trong số những hiểm nguy mà đời chẻ đá phải đối mặt. Bên cạnh những gian nan có thể thấy được bên ngoài, người làm nghề chẻ đá còn dễ mắc phải các bệnh về hô hấp do hít phải bụi đá mỗi ngày, các bệnh về khớp do vận động mạnh cơ xương liên tục…

12 giờ trưa, tiếng búa khô khốc vẫn đều đặn vang lên. Nắng hắt bóng lên vai gầy những cánh cò miệt mài bám đá mưu sinh…

Bài và ảnh: KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.