.

Cần phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia theo cơ chế thị trường

.

LTS: Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã tham gia phát biểu ý kiến. Báo Đà Nẵng đăng nội dung bài phát biểu này.

Mỗi lần dự kỳ họp Quốc hội, nghe báo cáo của Chính phủ và có điều kiện nhìn nhận một cách toàn diện những đổi thay của đất nước, chúng ta rất tự hào về sự tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Trong 14 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2014, đã đạt 13 chỉ tiêu.

Đó là kỳ tích, là cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự điều hành tích cực, đồng bộ của Chính phủ, tính năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân cả nước. Tôi xin tham gia 3 vấn đề sau đây:

1. Nếu tình hình khả quan, năm nay đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% và năm 2015 là 6,2% như kế hoạch thì bình quân giai đoạn 2011-2015, chúng ta đạt xấp xỉ 5,7%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra. Nếu nhìn vào số liệu của từng năm, chúng ta an tâm nền kinh tế đang tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cả một kế hoạch 5 năm và nhất là các phân tích chi tiết về chất lượng tăng trưởng thì chúng ta đang đứng trước những thử thách nặng nề.

Kế hoạch 5 năm không đạt, trong khi nợ công có xu hướng tăng, tái cơ cấu nền kinh tế chậm chạp, các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả. Trong 9 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới có tiến triển, nhưng số giải thể, phá sản cũng không kém. Tổng cầu nền kinh tế suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng hơn 13% so với năm 2013. Trong khi đó, cơ cấu chi ngân sách đang có những vấn đề mà xét về mặt lâu dài bộc lộ những bất cập lớn.

Chúng ta đã dành quá nhiều ngân sách để chi thường xuyên nghĩa là chi cho bộ máy, chi trả nợ. Nguồn tiền còn lại chi cho đầu tư phát triển quá khiêm tốn. Tôi đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát các nguồn chi, kiểm soát chặt chẽ việc bố trí vốn cho những công trình, chấm dứt tình trạng khởi công xây dựng nhưng không bố trí được nguồn cân đối.

Cần khẩn trương rà soát lại tình hình thực tế giải ngân các dự án đầu tư ngân sách và nợ xây dựng cơ bản, xử lý nợ xấu, vấn đề sử dụng và giải ngân vốn trái phiếu; tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục, quy trình giải ngân để phát huy tác dụng của nguồn vốn đầu tư Nhà nước; xem đây là một kênh rất quan trọng để kích thích tổng cầu. Bên cạnh đó, cần sớm xem xét cải cách tiền lương.

2. Chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ từ rất sớm. Trước đây, hàng chục năm, nghị quyết và các kế hoạch của chúng ta đều nói về công nghiệp phụ trợ. Đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế và trong nước bàn về chủ đề quan trọng này.

Vậy mà sau gần 40 năm thống nhất đất nước, vừa qua chúng ta mới làm được một số ốc, vít cho một nhà máy nước ngoài đầu tư vào nước ta! Vì sao như vậy? Ai cũng biết một nền kinh tế phát triển phải dựa trên nền tảng công nghiệp, trong đó như một yêu cầu tất yếu phải có sự hài hòa của các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp, trong đó công nghiệp phụ trợ được xem là khâu trung gian quyết định.

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, chỉ còn 5 năm nữa là đến thời điểm lịch sử thiêng liêng ấy, nhưng có lẽ khó đạt được các tiêu chí công nghiệp hóa bình thường, chứ chưa nói đến yêu cầu hiện đại hóa. Cuộc sống đòi hỏi phải có sự thay đổi cách tiếp cận và xác định chỉ tiêu phát triển.

Tôi đề nghị bên cạnh việc sử dụng chỉ tiêu GDP, cần cụ thể nội dung và xác định trách nhiệm của việc không hoàn thành chỉ tiêu. Cần có một lộ trình cụ thể với những giải pháp khả thi nhằm triển khai chiến lược phát triển, ban hành chính sách đúng để thu hút và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.

Chính phủ cần tập trung cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh. Cần thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng chủ quan, xin-cho, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn.

3. Hiện nay, cả nước mỗi năm có khoảng 70% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tuy nhiên, chưa bao giờ quản lý xã hội bộc lộ những bất cập gay gắt như hiện nay. Các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, quan hệ truyền thống tốt đẹp của cha ông dần dần bị mai một, xuống cấp. Tình trạng con giết cha, vợ giết chồng vì những lý do vô cùng đơn giản làm đau lòng xã hội. Tệ nạn cờ bạc, cá độ bóng đá, ma túy có chiều hướng tăng làm bao gia đình tan nát.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần sớm đưa ra biện pháp mạnh giải quyết triệt để vấn nạn này, nhằm xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp. Phải thay đổi cách đầu tư, chấm dứt tình trạng phân bổ ngân sách dàn trải. Quan trọng là có một tầm nhìn toàn diện, ý tưởng triển khai thực tế, xác định mục đích cụ thể, và trách nhiệm cuối cùng mà mỗi người trong chúng ta phải chịu. Sẽ không có sự thay đổi căn bản nếu chúng ta không có một cơ chế chịu trách nhiệm cuối cùng của cá nhân, của một nhiệm vụ.

Đổi mới cách xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch và cách xác định mục tiêu, cần cụ thể theo hướng định lượng, tránh cách nói chung chung như lâu nay. Lưu ý các biện pháp cụ thể về mặt chính sách vĩ mô nhằm khơi dậy, thúc đẩy xã hội và doanh nghiệp cùng phát triển. Bởi suy cho cùng, đất nước có phát triển bền vững hay không chủ yếu phụ thuộc vào nhân tố con người, đặc biệt phải có đội ngũ doanh nhân với tinh thần mạo hiểm kinh doanh hợp lý, không ngừng lớn mạnh, đủ sức hội nhập tích cực vào nền sản xuất và kinh doanh quốc tế”.

;
.
.
.
.
.
.