Theo số liệu của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 50 vụ cháy, tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2013, thiệt hại về tài sản trên 36 tỷ đồng. Trong đó khu vực doanh nghiệp (DN) có 13 vụ, giảm 3 vụ so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy này là do chập điện và sơ suất trong việc sử dụng các nguồn nhiệt.
Một buổi diễn tập PCCC do Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp tổ chức với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp. |
Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho biết: Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do ý thức về chấp hành Luật PCCC của chủ các DN và người dân còn kém. Hầu hết các DN khi kiểm tra đều vi phạm các quy định về PCCC. Điều này một phần do các DN hạn chế đầu tư các thiết bị PCCC vì sợ tốn kém.
Chẳng hạn cầu thang thoát hiểm có diện tích lối thoát nhỏ hơn quy định; vì vậy, khi xảy ra cháy, lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy rất khó cơ động, việc dập tắt đám cháy và cứu người gặp nhiều khó khăn. Hoặc theo quy định, các tòa nhà cao tầng có sử dụng thang máy phải có ít nhất 1 thang máy phục vụ cho việc PCCC, có ký hiệu và đánh số riêng; nhưng trong thực tế rất ít DN có nhà cao tầng thực hiện đúng yêu cầu này.
Ngay cả hệ thống điện trong tòa nhà, để đảm bảo PCCC phải có hệ thống điện hoàn chỉnh, gồm điện cho sản xuất, cho chiếu sáng và dành riêng cho công tác PCCC nhưng rất ít DN đáp ứng được yêu cầu này, thậm chí không có hệ thống điện cho vận hành máy bơm khi có sự cố cháy, nổ. Một số DN có trang bị hệ thống PCCC nhưng không quan tâm đến công tác vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, vì thế khi có sự cố thì thiết bị không hoạt động được.
Thượng úy Trần Lê Minh Dũng, Đội trưởng Đội hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, Cảnh sát PCCC thành phố cho biết: Công tác PCCC tại chỗ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm nhẹ thiệt hại, khi có sự cố cháy, nổ. Đám cháy xảy ra trong 10 phút đầu, nếu được khống chế thì nhiệt độ tại khu vực cháy tối đa là 2000C. Sau 10 phút thì tốc độ tăng nhiệt sẽ rất nhanh, tòa nhà có thể sập, kể cả nhà xây kiên cố bằng bê-tông cốt thép.
Do vậy, việc trang bị các thiết bị PCCC và thường xuyên luyện tập các phương án PCCC tại chỗ, tạo điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ kiềm chế tốc độ đám cháy trong thời gian chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhằm giảm thiệt hại do đám cháy gây ra, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế, qua các đợt kiểm tra của Cảnh sát PCCC thời gian qua, những bình chữa cháy không ruột (không nạp khí CO2) còn khá nhiều ở các DN. Đặc biệt nguy hiểm là một số DN đã chấp hành Luật PCCC một cách hình thức, chủ yếu để đối phó với các cơ quan chức năng. Tình trạng này cũng xảy ra ở hầu hết các cơ quan Nhà nước và các hộ dân trên địa bàn thành phố. Điều này sẽ rất nguy hiểm, nếu sự cố cháy nổ xảy ra.
Điều đáng mừng là 2 năm gần đây, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Cảnh sát PCCC và Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng mà trực tiếp là Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp, ý thức về công tác PCCC trong các DN đã có bước chuyển khá.
Ông Đinh Hiển, Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp cho biết: Công ty đã thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát bắt buộc các DN phải chấp hành nghiêm Luật PCCC, đồng thời kiên quyết không cấp phép thi công cho các DN xây dựng mới nếu không có thiết kế về PCCC kèm theo bản thiết kế xây dựng nhà xưởng. 2 năm nay 100% các DN xây dựng mới đã chấp hành nghiêm quy định này. Hy vọng, với các biện pháp kiên quyết của công ty cũng như hoạt động giám sát, kiểm tra của Cảnh sát PCCC và sự đồng thuận của DN, công tác PCCC trong các DN sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH