.

Cơ cực đời nữ phụ hồ

.

Vì con, không ít phụ nữ đã quen với đôi bàn tay chai sần, với nắng bụi... để làm việc ở công trường. Nơi đó, những “bóng hồng” phải gánh vác phần việc nặng nhọc tưởng chỉ dành cho nam giới.

Chị Phạm Thị Nhật (SN 1975, ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) kiên trì cùng nghề phụ hồ hơn 15 năm qua là vì con.
Chị Phạm Thị Nhật (SN 1975, ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) kiên trì cùng nghề phụ hồ hơn 15 năm qua là vì con.

Nhọc nhằn mưu sinh

6 giờ 30, tại một ngôi nhà cao 5 tầng đang xây dựng trên đường Đống Đa (quận Hải Châu), một phụ nữ nuốt vội miếng bánh mì không mà chị mang theo từ nhà rồi kéo chiếc khẩu trang che kín mặt, lật đật ôm bao xi-măng mang đi trộn hồ. Tiếng í ới gọi gạch, đá, cát… từ những người thợ xây đua nhau vang lên. Đang chạy đồ cho thợ tầng trệt, một chiếc xe kéo rỗng được thợ từ tầng 5 thả xuống, chị vội vàng đẩy chiếc xe đi chất đầy gạch rồi nhanh chóng gắn vào ròng rọc để chuyển lên. Đó là công việc mỗi ngày của chị Phạm Thị Nhật (SN 1975, ngụ quận Sơn Trà).

Nắng oi nồng, gương mặt chị Nhật cứ đỏ ửng và dầm dề mồ hôi. Hỏi chị mệt không, chị cười: “Như vậy là đỡ đó, có ròng rọc chuyển đồ. Bữa nào cúp điện thì tối đó về đến nhà thở không nổi vì phải bê đồ chạy lên chạy xuống cầu thang. Trời nắng thì mệt trời nắng, trời mưa lại khổ trời mưa. Làm nghề này phải chịu thôi…”.

Tại một ngôi nhà khác trên đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu), chị Ngô Thị Hà (SN 1964, quê Quảng Nam) oằn mình đẩy từng xe đá. Chị chia sẻ: “Xe nặng bao nhiêu cũng không biết, chỉ nhớ hồi mới đi làm, té như cơm bữa. Té rồi tự đứng lên, cố gắng ngày mai té ít hơn hôm nay. Riết rồi không té nữa…”. Nói đoạn, chị lại tất tả lao đi với đá, gạch, xi-măng…

Thông thường mỗi căn nhà xây dựng chỉ có một nữ phụ hồ. Nhìn các chị thoăn thoắt làm việc nơi công trường bụi bặm, ít ai biết được để có thể trụ lại với nghề, các chị phải đánh đổi không ít mồ hôi và nước mắt. “Hồi mới vào nghề, mình chỉ học việc thôi. Ai chỉ gì làm nấy. Mình chưa quen, làm cái gì cũng chậm chạp nên bị hắt hủi dữ lắm. Nhưng mình phải cố gắng, kiên trì. Khoảng 2 tháng thì quen việc dần…”, chị Nhật tâm sự.

Đồng cảnh ngộ, chị Hà cho hay: “Đi làm hồi đầu, tôi nghe chửi riết. Thợ biết việc họ đâu có chịu chỉ, tôi phải lầm lũi quan sát rồi bắt chước thôi. Nghề này có ai dạy mình đâu, phải tự làm, tự học đó chứ…”.

Lam lũ vì con

Trung bình mỗi ngày các chị làm từ 8-9 tiếng. Tính ra, khối lượng vật liệu xây dựng các chị mang vác trong cả tuần đôi khi lên đến hàng tấn. Thế nhưng, nỗi nhọc nhằn ấy vẫn không làm các chị bỏ cuộc. Sức mạnh khiến các chị gắn bó với nghề, không gì hơn là tình mẫu tử thiêng liêng.

Chồng theo người phụ nữ khác, chị Nhật bỏ công việc buôn bán ở tỉnh Quảng Nam, ôm 2 đứa con thơ về nương nhờ nhà mẹ ruột. Chị nói mà nước mắt rưng tròng: “Mình không biết chữ, xin việc cũng khó. Làm công nhân hay làm cái chi thì cuối tháng mới được lãnh lương, còn làm thợ phụ hồ thì được nhận tiền hằng ngày, tiện tặn mà có tiền xoay sở nuôi con. Nhiều khi cực quá cũng muốn nghỉ. Đêm nằm mà nước mắt cứ chảy, thấy đời mình sao khổ. Nhưng qua một đêm lại hết, vì chén cơm manh áo của con, mình phải kiên cường thôi. Đời mình không có chữ tủi cực rồi, nhọc nhằn mấy cũng ráng cho tụi nhỏ học hành đến nơi đến chốn…”.

Trong suốt câu chuyện của người nữ phụ hồ, chị luôn nhắc về những đứa con với ánh mắt trìu mến cùng điệp khúc “phải kiên cường vì con”. 15 năm gắn bó với nghề, không ít lần chị lại rơi nước mắt nơi công trường. “Những lúc ấy, mình cứ nghĩ về con thì lại có thêm động lực. Nhưng khóc ở đâu thì khóc, về nhà mình luôn mỉm cười, không để con biết mình cực mà buồn lòng…”, chị Nhật nói.

Đáp đền sự cố gắng của mẹ, đứa con gái của chị Nhật vừa thi đậu Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Chị lau nước mắt: “Khổ mấy cũng được, con nên người là vui…”.

Cũng giống chị Nhật, chị Hà bám trụ với nghề trong 3 năm qua cũng vì con. “Trước đây, tôi làm trang trí nội thất cho một công ty xây dựng rồi nghỉ. Cùng lúc đó thì vợ chồng tôi ly dị. Ban đầu, tôi cũng không tính gắn bó với nghề phụ hồ đâu vì phụ nữ mà làm nghề này cực quá. Nhưng buôn bán bữa đực bữa cái, không  bảo đảm thu nhập để lo cho các con. Vậy là phải kiên trì thôi. Nhiều hôm ốm đau cũng không dám nghỉ vì sợ thiếu hụt tiền nộp học cho con…”, chị Nhật cười buồn, mân mê đôi bàn tay chai sần.

Cuối ngày, cầm 150.000 đồng trên tay, nỗi mệt nhọc cũng buông bỏ trên gương mặt các chị. Tâm trí của những người mẹ ấy đang mải miết suy nghĩ sẽ dành số tiền chắt chiu sau một ngày làm việc vất vả chi tiêu gì cho các con…

Bài và ảnh: TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.