.

Dân mừng vì có chỗ ở hợp pháp

.

“Có chỗ ở hợp pháp rồi, hôm nay bà con chúng tôi sẽ đi ký hợp đồng sử dụng điện, nước. Công an phường hứa sẽ làm thủ tục tạm trú cho chúng tôi. Chính quyền phường Thọ Quang công nhận 56 nhân khẩu chúng tôi là công dân hợp pháp của phường. Chúng tôi mừng vì chấm dứt cảnh sống bất hợp pháp bấy lâu nay”.

Đó là những tâm sự vui mừng của 14 hộ dân chiếm dụng các ki-ốt tầng 1 của các Nhà A1, A2, A3 Khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa). Mới đây, các hộ dân này đã được Công ty Quản lý nhà chung cư ký hợp đồng cho thuê các ki-ốt này để ở.

Người dân được ký hợp đồng thuê ki-ốt, có chỗ ở hợp pháp. 		Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân được ký hợp đồng thuê ki-ốt, có chỗ ở hợp pháp. Ảnh: PHAN CHUNG

Túng quá nên ở lì

Đây là những hộ dân được đưa vào các ki-ốt (xây dựng với mục đích cho thuê để kinh doanh) ở khu chung cư này để tránh cơn bão Xangsane năm 2006. Sau khi bão tan, họ ở lại luôn từ đó đến nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là những hộ dân thuộc diện giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố trước và sau thời điểm năm 2000.

Mặc dù đã được bố trí lô đất tái định cư nhưng vì gia đình đông nhân khẩu, những người này buộc phải ra ngoài sống vì nhà quá chật. Sau bão Xangsane, họ chiếm dụng luôn ki-ốt của chung cư để làm chỗ ở. Công tác quản lý thời điểm đó không chặt chẽ nên người dân chiếm dụng ki-ốt làm chỗ ở bất hợp pháp kéo dài đến tận nay.

Qua khảo sát của UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), 14 hộ dân có hộ khẩu thường trú ở các tổ dân phố thuộc phường và các phường Nại Hiên Đông, Mân Thái (quận Sơn Trà). Hầu hết người trong độ tuổi lao động đều là dân lao động phổ thông, buôn bán vặt, trong đó có một hộ thuộc diện hộ nghèo của thành phố.

Theo ông Nguyễn Xuân Phán, Bí thư Chi bộ Thành Vinh 8, vì chiếm dụng bất hợp pháp ki-ốt làm chỗ ở nên 56 nhân khẩu này như những “công dân lậu”, không được quản lý cư trú một cách chính thức, cũng không có quyền lợi và nghĩa vụ công dân tại đây. Tổ dân phố cũng như Ban công tác Mặt trận khu dân cư không thể vận động họ tham gia bất cứ hoạt động gì.

Anh Trần Phú Thọ, người cùng vợ và hai con sống tại ki-ốt số 108 Nhà A3 từ năm 2008 đến nay nói: “Tôi biết chiếm dụng ki-ốt này là bất hợp pháp nhưng không biết đi đâu, thuê nhà bên ngoài thì đắt quá, thu nhập của gia đình còn khó khăn. Túng quá nên mới ở lì thế này!”. Cuộc sống của gia đình phụ thuộc tất cả vào những chuyến đi biển của anh Tú, mùa biển động thì xem ai thuê gì làm nấy.

Cũng tâm trạng này, chị Đinh Thị Kim Tú, sống tại ki-ốt số 104 Nhà A2 bày tỏ: “Chúng tôi sống ở đây mấy năm rồi nhưng lúc nào cũng lo lắng không yên, chẳng biết lúc nào sẽ bị thu hồi ki-ốt. Nhưng rồi đành phó mặc ở được chừng nào hay chừng ấy”. Gia đình chị Tú có 10 người sau khi giải tỏa năm 2004 được bố trí 2 lô đất tái định cư. Gia đình chị bán 1 lô để nộp tiền đất và xây nhà. Căn nhà này hiện là nơi tá túc của cha mẹ, 3 cặp vợ chồng là các em trai đã lập gia đình. Vì nhà quá chật nên khi lập gia đình, chị Tú đã cùng chồng dọn về đây sống.

Giải quyết có lý, có tình

Tại hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND thành phố vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã yêu cầu Sở Xây dựng phải xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng sai quy định căn hộ chung cư của thành phố cho thuê, trong đó có những trường hợp chiếm dụng trái phép các ki-ốt tầng 1 Khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc. Vừa qua, Sở Xây dựng, Công ty Quản lý nhà chung cư phối hợp với UBND quận Sơn Trà và phường Thọ Quang giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Qua khảo sát thực tế và tổ chức đối thoại với người dân, chính quyền địa phương nắm bắt được nguyện vọng của người dân là được ký hợp đồng thuê các ki-ốt này không vì mục đích kinh doanh. Lãnh đạo Công ty Quản lý nhà chung cư đồng ý ký hợp đồng cho các hộ dân này thuê với mức giá giảm một nửa so với giá thuê để kinh doanh, chỉ từ 200.000 đồng đến dưới 400.000 đồng/tháng. Thời gian thuê được tính từ đầu tháng 11-2014, không truy thu tiền thuê trong khoảng thời gian chiếm dụng trái phép.

Lý giải về mức giá này, ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc công ty cho hay, lãnh đạo công ty đã khảo sát hoàn cảnh thực tế từng hộ. Tất cả các hộ này đều lao động phổ thông, hoàn cảnh khó, thu nhập không ổn định. Mặt khác, vị trí các ki-ốt này đều không thuận lợi cho việc kinh doanh nên công ty quyết định cho họ thuê không vì mục đích kinh doanh với giá chấp nhận được.

Công ty cũng tư vấn thêm, sau khi có chỗ ở hợp pháp, các hộ dân có thể tiếp tục bước nữa là gửi đơn lên cấp thẩm quyền của thành phố, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được bố trí cho thuê căn hộ chung cư khang trang hơn. “Nếu tổ chức cưỡng chế họ đi nơi khác thì vẫn phải tìm chỗ ở cho họ rồi mới cưỡng chế. Giải quyết cho thuê là hợp lý, nhẹ nhàng, dân được nhờ, còn công ty thì quản lý được nhà”, ông Nguyễn Bá Bình nói.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh cách giải quyết của Công ty Quản lý nhà chung cư có lý, có tình và bảo đảm an sinh xã hội. Cách giải quyết này không chỉ thuận lợi cho dân mà chính quyền phường cũng được lợi là từ nay chính thức quản lý được các hộ cư trú này. Khi ký hợp đồng thuê ki-ốt, các hộ dân đều ký cam kết không chuyển nhượng trái phép, tham gia cùng tổ dân phố bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường và chấp hành nghĩa vụ công dân. Chính quyền phường cũng cam kết bảo đảm quyền lợi công dân của các hộ này”.

SƠN TRUNG - PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.