Trong những ngày qua, trên địa bàn Đà Nẵng có mưa vừa đến mưa to gây ngập nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố và ngoại thành. Đặc biệt, các trận mưa lớn vào sáng, tối 22-10 và sáng, chiều tối 23-10 làm nhiều tuyến đường ngập nước.
Mưa lớn gây ngập cục bộ ở ngã tư Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Nhiều khu vực ngập nặng
Theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, trong những ngày qua, có 15 khu vực, nút giao thông ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và Sơn Trà bị ngập nặng. Đường Quang Trung - đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Đống Đa, và đường Đống Đa - đoạn từ đường Quang Trung đến Lý Tự Trọng bị ngập sâu trung bình 20cm và sau khi tạnh mưa 20 phút mới thoát hết.
Điều đáng nói là trước mùa mưa, công ty cũng đã nạo vét 261m3 đất đá trong tuyến cống đường Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai và mở thêm 5 hố ga dọc tuyến để tăng cường khả năng thoát nước tại khu vực. Tuyến đường Nguyễn Văn Linh và các đường xung quanh hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung vẫn bị ngập sâu hơn 20cm và phải mất 40 phút mới thoát hết mặc dù đã trước đó đã hạ thấp mực nước 2 hồ điều tiết này.
Tuyến đường Hải Hồ và khu vực lân cận hồ Đầm Rong 1 trước đây cũng bị ngập sâu hơn 30cm dù đã có trạm bơm thoát lũ Thuận Phước. Đường Trường Chinh (quốc lộ 1A) trước cổng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, đường Trần Cao Vân trước cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Khê, đường Ngô Quyền đoạn giao lộ với đường Hà Thị Thân, đường Lâm Hoành... bị ngập sâu từ 25-35cm.
Nguyên nhân
Theo Sở Xây dựng thành phố, mặc dù trong những năm qua đã đầu tư nhiều kinh phí để chống ngập nhưng hiện trên địa bàn thành phố có 58 điểm ngập nặng, trong đó quận Hải Châu có 2 điểm, quận Thanh Khê có 9 điểm, quận Sơn Trà có 12 điểm, quận Ngũ Hành Sơn có 8 điểm, quận Cẩm Lệ có 7 điểm, quận Liên Chiểu có 16 điểm và huyện Hòa Vang có 4 điểm.
Nguyên nhân chính do các đơn vị thi công san lấp mặt bằng, chặn dòng thi công công trình gây ngập trên diện rộng. Một số công trình khi thiết kế không tính toán hết khả năng thoát lũ của những lưu vực lớn nên gây ngập nặng nề. Nhiều khu vực dân cư hiện trạng hoặc được giữ lại chỉnh trang (không giải tỏa) đã có hệ thống thoát nước nhưng cao trình đáy cống và đấu nối không hợp lý, gây ngập. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khu vực chưa được nghiên cứu quy hoạch, không có hệ thống thoát nước. Đặc biệt, nhiều khu vực có hệ thống thoát nước nhưng bị quá tải, gây ngập khu vực xung quanh.
Còn theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, nguyên nhân chính và cơ bản nhất dẫn đến việc ngập trên diện rộng do sự biến đổi khí hậu gây cường độ mưa quá lớn, kết hợp với hiện tượng triều cường dâng cao (có lúc mực nước sông Hàn tại trạm bơm thoát lũ Thuận Phước dâng lên đến mức +1,07m), khiến các cửa xả của các hệ thống cống thoát nước chính cũng bị ngập nước.
Nước thoát ở chế độ chảy ngập làm hạn chế khả năng thoát nước của cống, gây ngập úng. Ngoài ra, còn do các công trình ngầm như: ống cấp nước, cáp quang... cắt ngang qua cống làm rác mắc lại nhiều, cản trở dòng chảy và việc người dân đổ bê-tông xi-măng, dùng túi nilon, ván, gạch bịt kín các hố thu nước mưa mặt đường, gây ngập.
Nhiều tuyến đường bị ngập nặng sau mưa lớn. ảnh: HOÀNG HIỆP |
Xử lý trước mắt và lâu dài
Theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, về lâu dài, UBND thành phố đã chỉ đạo cụ thể và có chủ trương đầu tư xây dựng nhiều công trình chống ngập như: xây dựng cống, nâng cấp mặt đường, lắp đặt trạm bơm, thực hiện quy hoạch... Đơn cử, UBND thành phố đã quyết định đưa công trình chống ngập khu vực đường Quang Trung và Đống Đa vào Dự án Phát triển bền vững thành phố.
Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và sẽ thi công vào năm 2015. Để giải quyết ngập tuyến đường Nguyễn Văn Linh và khu vực lân cận hồ Vĩnh Trung, Thạc Gián, UBND thành phố đã đồng ý triển khai nâng cấp, cải tạo đoạn cống nối giữa hồ Thạc Gián và hồ Công viên 29-3, giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu xây dựng giếng điều hòa tại khu vực giao giữa tuyến cống dọc đường Hàm Nghi và cống liên phường Vĩnh Trung - Tam Thuận; xây dựng trạm bơm thoát lũ cuối tuyến cống dọc đường Ông Ích Khiêm trong năm 2016.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cũng đã đề xuất UBND thành phố cho phép nâng cấp hệ thống thoát nước dọc đường Hải Hồ và các mương xương cá khu vực lân cận để tăng cường khả năng thoát nước, chống ngập úng...
Còn về giải pháp trước mắt, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết: “Trong những ngày mưa lũ này, công ty cắt cử nhân viên ứng trực tại các vị trí xung yếu để kịp thời khơi thông cho nước thoát nhanh, sẵn sàng huy động giải quyết các khu vực ngập úng sâu.
Khi trời chớm mưa thì vận hành bơm trước mưa để tăng điều tiết đối với hai trạm bơm thoát lũ Thuận Phước và Trương Chí Cương. Tăng cường mở các cửa xả sâu hạ thấp mực nước hồ Công viên 29-3, Vĩnh Trung, Thạc Gián và mở các cửa xả mặt để nước mưa sớm về các hồ điều tiết này, giảm chảy về các khu vực trũng gây ngập”.
Mưa lớn trên địa bàn Đà Nẵng với tổng lượng mưa đo được từ tối 21 đến chiều 23-10 là 150mm và nước từ sông Yên chảy về nhiều, các nhà máy thủy điện xả nước, kết hợp thủy triều dâng cao với mức dâng cao nhất tại Sơn Trà trong ngày 23-10 là +1,25m, đã làm mực nước sông Hàn dâng cao hơn mức 0,7m. Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết, hôm nay (24-10), mực nước các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên tiếp tục lên nhưng còn dưới mức báo động 1, các sông khác biến đổi chậm. |
HOÀNG HIỆP