.

Giúp thanh niên khuyết tật hòa nhập

.

Việc làm là yếu tố được Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố đặt lên hàng đầu trong mục tiêu phát triển trong thời gian đến nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với cộng đồng xã hội.

Các hội viên Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường nhật. TRONG ẢNH: Hai hội viên Trần Nhân Tịnh và Nguyễn Hữu Minh hỗ trợ nhau cùng vượt qua bãi cát trắng.
Các hội viên Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường nhật. TRONG ẢNH: Hai hội viên Trần Nhân Tịnh và Nguyễn Hữu Minh hỗ trợ nhau cùng vượt qua bãi cát trắng.

Vượt qua mặc cảm

Gặp anh Trần Đăng Trung, Chi hội trưởng Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về hình ảnh một người đầy nghị lực, nhiều ước mơ, hoài bão. Không ai nghĩ hai năm trước, chàng trai này tự nhốt mình trong nhà, không dám gặp ai vì mặc cảm. “Tai nạn đến với tôi quá bất ngờ khi tôi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Duy Tân. Tôi cảm giác mọi thứ gần như sụp đổ. Dần dần tôi bình tĩnh lại, tập luyện và tự đi được nhưng không bình thường như trước nên vẫn chưa hết mặc cảm. Tuy nhiên, từ khi vào Chi hội thanh niên khuyết tật, gặp gỡ, tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, lớp học kỹ năng..., tôi tự tin và thấy cuộc sống tươi đẹp”, anh Trung tâm sự.

Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố hiện có 50 hội viên, mỗi người là một câu chuyện buồn về sự khiếm khuyết của bản thân, từ những người không may mắn bị khuyết tật vì tai nạn đến những người bị khuyết tật bẩm sinh... Điểm tích cực là các hội viên đều ở độ tuổi khá trẻ nên rất nhiệt tình tham gia phong trào của chi hội và dễ hòa nhập cộng đồng.

Anh Lê Thanh Phú (SN 1979, bị liệt một cánh tay, hiện là chủ cửa hàng sửa chữa điện tử) phấn khởi nói: “Tham gia chi hội năm 2009, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người cùng cảnh ngộ. Năm 2013, tôi đăng ký lớp học nghề vi tính miễn phí, giúp ích khá nhiều cho công việc hiện tại của tôi. Tôi cảm thấy tinh thần vui vẻ hơn, không còn mặc cảm mình là người khuyết tật nữa”.

Hòa nhập cuộc sống

Thời gian qua, các hội viên Chi hội thanh niên khuyết tật được tham gia các khóa tập huấn nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của thành phố dành cho người khuyết tật, được phổ biến các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm của Hội khuyết tật và Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố. Bên cạnh đó, Chi hội thường tổ chức dã ngoại, giao lưu với các chi hội khuyết tật trên cả nước để hội viên có cơ hội gặp gỡ nhiều người trẻ tuổi cùng mang khát vọng sống…

Đồng thời, để gây quỹ hoạt động cho Chi hội, các hội viên đã tổ chức bán bút cho sinh viên, tổ chức đêm văn nghệ kết hợp bán đấu giá tranh thư pháp, làm vật dụng thủ công bán vào các dịp lễ… Số tiền thu được giúp các thanh niên khuyết tật ở xa trung tâm nhưng không có phương tiện đến tham gia hoạt động của Chi hội và trang trải một số hoạt động ngoại khóa khác.

“Hiện Chi hội còn gặp nhiều khó khăn vì kinh phí hoạt động hạn hẹp, không thực hiện được nhiều kế hoạch phát triển. Chi hội cũng chưa có văn phòng làm việc cố định (đang mượn hội trường của phường Thanh Bình, quận Hải Châu tại 29 Lê Văn Long làm địa điểm sinh hoạt)… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là khoảng cách giữa thanh niên khuyết tật với cộng đồng xã hội”, anh Trung chia sẻ.

Theo anh Trung, thanh niên khuyết tật cũng khao khát cống hiến cho xã hội, muốn khẳng định rằng mình “tàn nhưng không phế”, không là gánh nặng cho xã hội. Nhưng vẫn còn nhiều cái nhìn thiếu công bằng với người khuyết tật, nhất là vấn đề việc làm. Hiện nay, thông qua các lớp dạy nghề cho người khuyết tật tại các trường dạy nghề, một số ngành học phù hợp với người khuyết tật như: công nghệ thông tin, dịch thuật, văn thư… tại các trường đại học, cao đẳng, nhiều thanh niên khuyết tật đã có kiến thức cũng như tay nghề đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, con đường tìm việc làm của họ thật sự quá khó khăn.

“Tôi mong các doanh nghiệp, cơ quan nên tạo điều kiện việc làm cho thanh niên khuyết tật. Nên chăng có quy định cụ thể mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị dành tỷ lệ nhất định trong cơ cấu nhân sự cho người khuyết tật? Ngoài ra, cần lồng ghép việc hòa nhập thanh niên khuyết tật vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và chương trình hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Trong thời gian đến, Ban chấp hành chi hội sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động kết nối thông tin đa chiều giữa doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, Trung tâm giới thiệu việc làm… để giúp hội viên cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng. Ngược lại, thanh niên khuyết tật phải tự thay đổi mình, cũng chính là góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về người khuyết tật. Sự nỗ lực từ nhiều phía sẽ giúp thanh niên khuyết tật sống hữu ích cho gia đình và xã hội”, anh Trung gửi gắm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.