Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh em trong đội cứu hộ biển Đà Nẵng luôn có mặt để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách tắm biển. Chính nhờ sự nhiệt tâm, tận tụy của các nhân viên cứu hộ mà mỗi năm hàng trăm người đã thoát khỏi hiểm nguy.
Với chiếc phao đơn giản này, anh Bê cứu sống được nhiều khách tắm biển. |
An toàn cho người tắm biển là trên hết
Mới tham gia công tác cứu hộ được hơn 6 năm, anh Nguyễn Tấn Tài (26 tuổi), Tổ trưởng tổ cứu hộ số 4, bãi tắm T.18 đã cứu được 4 người bị đuối lâm sàng (được vớt lên trong tình trạng nguy kịch). Anh kể, hồi mới vào nghề, làm ở khu vực Bắc Mỹ An, nơi này rất nguy hiểm vì có nhiều vùng nước xoáy gần bờ, những người biết bơi nếu rơi vào vòng nước xoáy mà không biết xử lý thì cũng không thoát ra được. Hồi đó, lực lượng cứu hộ còn mỏng trong khi địa bàn rộng nên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu người, có ngày vớt tới 2-3 người bị đuối nước. Bây giờ, công cụ của các tổ được trang bị đầy đủ hơn, anh em đỡ vất vả.
Đội cứu hộ của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng có 81 người, được chia thành 17 tổ, bố trí tại 17 bãi tắm trên địa bàn thành phố, trải dài dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành-Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa. Với bờ biển trải dài, mỗi tổ phụ trách cả mấy trăm mét bờ biển nên công việc khá vất vả, nhất là mùa cao điểm, mỗi ngày cả chục ngàn lượt khách đến tắm, khiến áp lực công việc đối với các thành viên trong đội cứu hộ càng lớn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, các bãi biển Đà Nẵng đón khoảng 3,3 triệu lượt khách đến tắm biển và vui chơi.
Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội Cứu hộ thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho hay: Công tác cứu hộ là bảo đảm an toàn cho người dân địa phương và du khách tắm biển, nghe tưởng chừng đơn giản nhưng rất vất vả, đòi hỏi người làm phải rất yêu nghề mới gắn bó lâu dài được. Từ đầu năm 2014 đến nay, cả đội đã cứu được hơn 90 trường hợp, chủ yếu là du khách gặp thời tiết biển động mà vẫn muốn bơi ra xa hoặc những trường hợp rơi vào dòng nước xoáy.
Việc làm lặng lẽ mà phi thường
Đưa cho chúng tôi xem lá thư viết tay cảm ơn của một người được mình cứu, anh Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng tổ cứu hộ số 6, bãi tắm T.20 cho hay: “Công việc này tuy đồng lương thấp nhưng được phục vụ người dân và du khách thì khó khăn mấy cũng cố gắng. Mạng người là vô giá nên cứu được là không nề hà gì vất vả. Ngày nào hết giờ làm việc mà trên địa bàn an toàn là chúng tôi yên tâm, vui vẻ”.
Trong lá thư cảm ơn gửi cho anh Bê cuối tháng 10-2013, chị Trương Thị Quỳnh Nhung, công tác tại Công ty CP Liên doanh đầu tư quốc tế FLC tại Hà Nội viết: “Tôi và 3 người bạn của mình đang tắm biển thì bị rơi vào vùng xoáy, bản thân tôi và những người bạn của mình đều không biết bơi, đang trong lúc hoảng sợ, vùng vẫy, chới với thì được các thành viên tổ cứu hộ số 6 thuộc bãi tắm T.20 cứu khỏi vòng nguy hiểm. Nếu không nhận được sự trợ giúp đó, có lẽ giờ này tôi đã không thể trở về gia đình được. Các anh trong đội cứu hộ đã nhiệt tình, không quản khó khăn vất vả, sóng biển dữ dội để cứu sống chúng tôi. Chúng tôi thực sự xúc động và cảm ơn hành động đó của các anh”.
Mới đây nhất, anh Nguyễn Tấn Tài đã cứu được anh Nguyễn Đại Đồng, nhân viên Công ty Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh. Trong lá thư cảm ơn anh Tài, anh Đồng viết: “Khi gặp gỡ, lắng nghe những người chứng kiến sự việc kể lại, tôi rất xúc động biết ơn và cảm phục anh Tài. Trong tình huống khẩn cấp như thế, nếu không có sự tận tâm với công việc, tính chuyên nghiệp, lòng can đảm và sự trân trọng đối với sinh mệnh đồng loại của anh, chắc chắn tôi sẽ không vượt qua được thử thách sinh tử ấy. Tôi cũng nhận ra trên khắp các bãi biển của Đà Nẵng có bao người làm công tác cứu hộ như anh, không quản nắng mưa, sóng gió, miệt mài bảo vệ sinh mạng của người dân và du khách. Cống hiến của các anh lặng lẽ mà phi thường. Trở về từ ranh giới của sống và chết, tôi như được sinh ra lần nữa trên thành phố biển này để càng thấy gắn bó hơn với đất và người Đà Nẵng”.
Theo anh Nguyễn Quốc Vinh, không phải là cứ cứu được lên bờ là xong việc mà những trường hợp phải đưa đi cấp cứu, anh em trong đội còn phải túc trực chờ tới lúc nạn nhân tỉnh và thông báo, giao cho người thân của họ thì mới yên tâm. Thế nhưng, vẫn có những trường hợp được anh em cứu hộ vớt lên, nhưng họ cắm đầu đi thẳng không một lời cảm ơn. Ban đầu nhiều anh em cũng “sốc” và hụt hẫng lắm, nhưng lâu dần thành quen, chỉ cần khách tắm biển an toàn là vui nhất rồi.
Bài và ảnh: THU HÀ