Chiều 13-10, UBND thành phố phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đến dự có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp cùng đại diện hơn 400 doanh nhân.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ trao Bằng khen cho 9 doanh nghiệp tiêu biểu trên các lĩnh vực.Ảnh: KHÁNH HÒA |
Doanh nghiệp là nòng cốt của phát triển
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh, trong 10 năm qua, thành phần kinh tế dân doanh trên địa bàn thành phố tăng nhanh cả về số lượng và tổng vốn, có sự đóng góp lớn nhất vào nguồn thu ngân sách thành phố. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố hiện có trên 15.000 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký trên 71.000 tỷ đồng. Trong năm 2013, các DN đã nộp thuế khoảng 7.120 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2004, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 16,2% năm; đóng góp vào nguồn thu ngân sách thành phố với 2.126 tỷ đồng (năm 2013), tăng gần gấp 10 lần năm 2004, tốc độ tăng trưởng bình quân 30% năm. Các DN là lực lượng nòng cốt góp phần vào sự phát triển chung của toàn thành phố.
Ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố, đại diện các DN, hiệp hội, hội doanh nghiệp đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh, chưa có hội nghị nào có đông đủ lãnh đạo cao nhất của thành phố như lần này, điều này cho thấy thành phố luôn dành sự quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng DN. “Hôm nay, tôi đề nghị các DN cứ mạnh dạn phát biểu ý kiến một cách cởi mở. Vấn đề nào giải đáp được, chúng tôi sẵn sàng trả lời hết”, Bí thư Thành ủy nói.
Đại diện Hội Doanh nghiệp quận Thanh Khê, ông Lý Đình Quân nêu vấn đề: “Trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, lãnh đạo thành phố xác định lấy KHCN và CNTT làm nền tảng, đòn bẩy để phát triển. Theo tôi, đây là hướng đi tốt, tuy nhiên trên thực tế, KHCN của chúng ta hiện nay quá yếu, thiếu đội ngũ cán bộ KHCN chất lượng cao, trong khi chất lượng công nghệ ở DN đã quá lạc hậu. Hằng năm chúng ta đón rất nhiều du học sinh, trí thức giỏi trên lĩnh vực KHCN trở về địa phương. Thành phố có định hướng gì để tận dụng nguồn lực này hay không?”.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư L.I.F.E (Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line) cho rằng, chúng ta cần có lực lượng doanh nhân trẻ để phát triển thành phố, nhưng hiện nay chưa có cơ chế để thu hút các bạn trẻ giỏi trong và ngoài nước về khởi nghiệp, trong khi nhiều sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo lại chưa được hỗ trợ nào để biến ý tưởng thành hiện thực.
Trả lời vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trần Thọ thừa nhận, Đà Nẵng còn thiếu nguồn nhân lực về KHCN, hàm lượng KHCN trong từng sản phẩm mà cộng đồng DN làm ra còn thấp. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chính bản thân DN đang tự hạn chế mình khi chậm đổi mới tư duy, thiếu chủ động trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất và đây là tình hình chung của cả nước chứ không riêng gì Đà Nẵng. Về hỗ trợ lực lượng doanh nhân trẻ khởi nghiệp, thành phố có Đề án “Vườn ươm DN” và đã giao cho Sở KHCN, Khu Công nghệ cao và Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH triển khai thực hiện.
Về việc phát triển cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu trở thành cảng lớn để phát triển Logictics (dịch vụ vận tải biển) mà ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng nêu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, thành phố đã phê duyệt đề án phát triển, mở rộng từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, cần thời gian để kêu gọi nhà đầu tư, vốn và KHCN.
Cùng chung tay phát triển
Nhân dịp này, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 9 doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực và 22 doanh nhân đã có đóng góp vào sự phát triển của của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng 10 năm qua. |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về định hướng phát triển ngành du lịch, lãnh đạo thành phố thông tin đến các DN chính sách, giải pháp mới sẽ được triển khai trong thời gian tới để phát triển ngành du lịch.
Đáng chú ý là tiến hành triển khai nhiều giải pháp như mở thêm một loạt đường bay từ Đà Nẵng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…; quy hoạch 10 điểm du thuyền dọc hai bên bờ sông Hàn (trước mắt sẽ triển khai nhanh địa điểm đầu tiên ở phía dưới cầu Rồng), ban hành chính sách cho đóng mới các loại tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn; thành lập CLB du thuyền bên sông Hàn theo hình thức hỗ trợ hoặc xã hội hóa. “Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi kêu gọi các DN, ai có khả năng thì đầu tư làm tàu du lịch ngay, thành phố ủng hộ bằng cách miễn, giảm, giản thuế”, Bí thư Thành ủy nói.
Về các vấn đề vốn vay, khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, suy thoái kinh tế kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cả nước, trong đó có Đà Nẵng. Chính vì vậy, việc đầu tư vốn của doanh nhân giảm, FDI giảm, cũng là điều tất yếu. Trong khả năng của mình, thành phố chỉ có chính sách hỗ trợ các DN, chứ không thể dùng ngân sách để bảo bọc DN.
Theo quy định chung, các địa phương không được dùng ngân sách để chi cho Quỹ đầu tư phát triển nhưng thành phố đã vận dụng mọi cách để trích 200 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất 6%…; đồng thời thành lập thêm Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Nhưng, qua gần một năm, Quỹ đầu tư và phát triển mới cho vay được 18 trường hợp, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV cũng mới bảo lãnh 7 - 8 DN. Còn số DN góp vốn vào Quỹ bảo lãnh mới được 1,3 tỷ đồng.
Rõ ràng, DN và thành phố chưa gặp nhau trong vấn đề này… Trong thời gian tới, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập trang thông tin tra cứu về DN; khuyến khích DNNVV trên địa bàn quận Cẩm Lệ lên thuê đất, xây dựng mặt bằng sản xuất ở Liên Chiểu; kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân ở KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ)…
● Sáng cùng ngày 13-10, Quận ủy, UBND quận Thanh Khê tổ chức gặp mặt, tọa đàm với 90 doanh nhân, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn quận. Đến ngày 30-9, cộng đồng doanh nghiệp quận Thanh Khê đã nộp ngân sách quận 168 tỷ đồng, chiếm hơn 79% tổng thu ngân sách trên địa bàn quận. 10 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp quận Thanh Khê đã phát triển mạnh mẽ với trên 2.800 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội tại quận nhà.
Nhân dịp này, Quận ủy, UBND quận Thanh Khê tuyên dương 10 doanh nghiệp tiêu biểu đã hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước, có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội.
KHÁNH HÒA