.
Xây dựng văn hóa nông thôn mới

Bài 1: Gian nan đầu tư thiết chế văn hóa

.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 6 - cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí được quan tâm nhằm phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tuy nhiên, đầu tư thiết chế văn hóa tại huyện Hòa Vang hiện nay mới dừng lại các hạng mục cơ bản, để đạt được các tiêu chí vẫn còn khá gian nan.

Hầu hết trung tâm văn hóa-thể thao xã chỉ mới được đầu tư ở mức cơ bản gồm sân khấu, sân bóng, tường rào…Ảnh: NGỌC HÀ
Hầu hết trung tâm văn hóa-thể thao xã chỉ mới được đầu tư ở mức cơ bản gồm sân khấu, sân bóng, tường rào…Ảnh: NGỌC HÀ

Không để “đắp chiếu”…

Về thôn Túy Loan Đông 2, hỏi người dân nhà văn hóa thôn mới khánh thành, ai cũng phấn khởi chỉ đường. Ông Nguyễn Hồng Duân, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, cho biết: “Với bà con nông thôn, xây được cái nhà văn hóa mới thì vui mừng lắm. Trước đây, đó là hội trường thôn nhưng cũ kỹ, xuống cấp, chẳng đoàn thể nào muốn vào họp.

Vừa qua, thôn được Nhà nước cấp 500 triệu đồng xây mới nhà văn hóa trên diện tích đất 350m2, được trang bị tủ sách, ti-vi, dàn âm thanh. Bây giờ, các đoàn thể có nơi để họp hành, đọc sách, báo, tổ chức phong trào văn nghệ của thôn… Chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng hiệu quả, chứ không để “đắp chiếu” như trước”.

Bên cạnh việc đầu tư các nhà văn hóa thôn (63/118 thôn có nhà văn hóa), huyện Hòa Vang cũng tập trung chỉ đạo dành quỹ đất xây dựng các trung tâm văn hóa-thể thao (VHTT) xã để các xã hoàn thành tiêu chí số 6 và về đích trong việc xây dựng NTM. Đến thời điểm hiện tại, 6/11 xã có trung tâm VHTT với diện tích đất khá rộng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương cho biết: “Vừa qua, Trung tâm VHTT xã cũng được quy hoạch trên diện tích 7.000m2, trước mắt đã xây sân khấu lộ thiên, sân bóng, tường rào, còn phòng chức năng nằm ở UBND xã. Tiêu chí văn hóa về cơ bản đã đáp ứng, Hòa Khương sẵn sàng về đích công cuộc xây dựng NTM vào cuối năm 2014”.

Tiếp tục đầu tư

Dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng người dân mong đợi đầu tư hơn nữa các thiết chế văn hóa, để họ được hưởng thụ về mặt văn hóa tinh thần đúng nghĩa. Một người dân xã Hòa Khương chia sẻ: “Mỗi ngày đi ngang, nhìn cái bảng lớn ghi chữ “Trung tâm VHTT xã”, chúng tôi vui lắm nhưng thấy bên trong chỉ mỗi sân khấu và sân cỏ rộng thênh thang thì buồn. Không biết đến bao giờ nơi đây mới trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu thể thao, văn nghệ để con em chúng tôi có điều kiện học hành, vui chơi”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho biết theo quy định, đạt được tiêu chí số 6 phải hội đủ 2 điều kiện: 100% thôn trong xã có nhà văn hóa diện tích 500m2 cùng khu thể thao đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL (nhà văn hóa đa năng có diện tích 1.000m2, sân thể thao phổ thông 10.800m2).

Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên quá trình đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở chưa thể đáp ứng đầy đủ các hạng mục theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL. Song, bước đầu cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Đối với đầu tư nhà văn hóa, huyện Hòa Vang đã khảo sát, đánh giá thực tế trên cơ sở nhà họp thôn trước đây; mở rộng, nâng cấp một số nhà họp thôn còn sử dụng và xây mới những nhà đã xuống cấp, không thể tiếp tục sử dụng. Về hình thành sân thể thao thôn, huyện đã ưu tiên dành quỹ đất để thực hiện trên cơ sở nhu cầu của từng thôn, nguồn kinh phí huy động từ sự đóng góp của người dân, xã hội hóa và một phần kinh phí của Nhà nước.

Về đầu tư trung tâm VHTT xã, huyện cũng đã tranh thủ các nguồn lực, dành quỹ đất và tiến hành xây dựng cơ bản. Nhờ đó, 4 xã Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú đã hoàn thành tiêu chí số 6 để về đích NTM trong năm nay. 5 xã còn lại (Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc) đã hoàn thành công tác quy hoạch trung tâm VHTT xã. Sở VH-TT&DL cũng trình UBND thành phố bố trí vốn 10 tỷ đồng đầu tư hạng mục nhà văn hóa để các xã này về đích NTM trong các năm 2015, 2016.

Nhìn nhận về công tác đầu tư thiết chế văn hóa của huyện thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nói: “Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về NTM, có thể khẳng định, các cấp lãnh đạo từ thành phố đến huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt tập trung thực hiện công tác quy hoạch, ưu tiên bố trí đất cho các công trình văn hóa-thể thao. Nguồn kinh phí thực hiện tăng gấp nhiều lần so với khi chưa có chương trình xây dựng NTM. Thiết chế nhà văn hóa, khu thể thao thôn đáp ứng yêu cầu của địa phương: là nơi tổ chức hội họp, tập luyện và tổ chức các hoạt động lễ hội, thể thao, văn nghệ…”.

Thực tế, ở hai xã Hòa Châu và Hòa Tiến, sau khi được đầu tư ban đầu, các trung tâm VHTT đã phát huy rất tốt; nhiều chương trình hoạt động VHTT sôi nổi diễn ra tại trung tâm, thu hút đông đảo hơn người dân đến tham gia. Tuy nhiên, nếu hoạt động đúng chức năng của một trung tâm VHTT như đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng năng khiếu… thì vẫn chưa đáp ứng được.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hiệp, việc đầu tư các thiết chế văn hóa đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại vẫn còn khá gian nan, đòi hỏi quá trình lâu dài. Quan điểm của huyện là đầu tư từng bước, nhưng không có nghĩa là khi hoàn thành tiêu chí rồi thì không đầu tư nữa. Sau này, khi huy động được kinh phí từ nhiều nguồn lực, huyện sẽ tiếp tục đầu tư để các thiết chế nhà văn hóa, sân thể thao thôn; thư viện, trung tâm VHTT xã mang tính đồng bộ. Trước mắt, với các thiết chế hiện có, huyện tranh thủ đầu tư hoạt động văn hóa sao cho hiệu quả, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.