* Bệnh viện Đà Nẵng không mua thiết bị của Bio-Rad
ĐNĐT - Tại buổi làm việc sáng 14-11, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố yêu cầu Sở Y tế trả lời các vấn đề liên quan về xử lý rác thải y tế, việc nên hay không xây dựng khoa ung bướu Bệnh viện Phụ sản-Nhi (PSN), giám sát ô nhiễm thực phẩm và quá tải bệnh viện.
Theo Sở Y tế thành phố, rác thải y tế được giao cho một công ty chuyên thu gom, phân loại và xử lý theo đúng quy trình yêu cầu dành cho loại rác thải đặc biệt. Riêng vấn đề nước thải, Sở đề nghị HĐND quan tâm phân bổ kinh phí để cải tạo hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện PSN. Bởi hệ thống này được xây dựng để đáp ứng cho quy mô 600 giường bệnh. Tuy nhiên, công suất bệnh viện đã lên 220% nên hệ thống xử lý nước cũng quá tải, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Cũng liên quan Bệnh viện PSN, các ý kiến cho rằng Đà Nẵng đã có Bệnh viện Ung thư và Khoa Ung bướu lớn tại Bệnh viện Đà Nẵng, vậy có cần thiết thành lập thêm một khoa ung bướu tại PSN với vốn đầu tư 70 tỷ đồng như đề xuất hay không?
Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện PSN cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận hàng chục bà mẹ mang thai bị ung thư và hàng chục trẻ sơ sinh ung thư. Các cơ sở điều trị ung thư trên địa bàn thành phố không để đáp ứng việc chăm sóc cho hai nhóm bệnh nhân đặc biệt này vì cần gắn chặt với chuyên khoa phụ sản và nhi. Do đó, khoa ung bướu là phần không thể tách rời trong Bệnh viện PSN.
Trả lời câu hỏi của Ban Văn hóa - Xã hội về việc các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Đà Nẵng có liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị của công ty Bio-Rad ( doanh nghiệp đang bị cáo buộc hối lộ hàng triệu USD để dành hợp đồng tại Việt Nam) hay không, bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở khẳng định, hiện chỉ có Bệnh viện Đà Nẵng sử dụng 2 máy của công ty này là PCR (sinh học phân tử) và Elisa (sàng lọc HIV), nhưng cả 2 thiết bị đều do Bộ Y tế và Viện huyết học truyền máu Trung ương cấp chứ không phải Bệnh viện tự mua.
Bệnh viện tuyến tỉnh triển khai càng nhiều kỹ thuật mới, bệnh nhân dồn về càng đông. Trong ảnh: Triển khai kỹ thuật mới cấy ốc tai điện tử giúp người điếc có thể nghe được tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Đối với công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết đó là hoạt động thường xuyên trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, Chi Cục kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật, hóa chất, phụ gia của 400-500 mẫu đã qua chế biến.
Thực tế, ngành Y tế chỉ giám sát được thực phẩm từ khâu chế biến đến bàn ăn, còn trước đó ở quá trình nuôi trồng, thu hoạch, phân phối v.v… lại thuộc trách nhiệm của nhiều ngành khác nên để khẳng định thực phẩm có an toàn hay không là điều không thể đối với riêng một ngành.
Một vấn đề nổi cộm của ngành y tế trong nhiều năm trở lại đây là tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh ngày một trầm trọng. Các đại biểu HĐND cho rằng, việc xin thêm giường bệnh không phải là giải pháp căn cơ, vì kỹ thuật mới được triển khai càng nhiều, bệnh nhân lại đổ về bệnh viện lớn càng đông, không lẽ cứ thế tăng thêm giường mãi.
Trong khi đó, Sở Y tế vẫn đề nghị HĐND xem xét bổ sung 910 giường cho các bệnh viện đang quá tải, vì dù sao đó cũng là giải pháp tối ưu trước mắt. Về lâu dài, việc phát triển bệnh viện tuyến cơ sở quận, huyện để bệnh nhân yên tâm, tin tưởng không chuyển lên tuyến trên được xem là giải pháp giải quyết phần gốc của tình trạng quá tải như hiện nay.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế cũng báo cáo tình hình phòng chống dịch, trong đó một số bệnh giảm ca mắc so với năm ngoái như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng và tăng so với năm 2013 là sởi và thủy đậu. Hiện mỗi tuần Đà Nẵng có 5 ca sốt xuất huyết, 40 ca tay chân miệng, 5 ca sởi và 20 ca thủy đậu.
Thu Hoa