.

Sửa đổi Luật Dân sự bảo đảm tốt hơn quyền con người

.

* Quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên vùng biển

Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Thú y; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Nhiều đại biểu đánh giá dự thảo Bộ luật Dân sự đã thể chế hóa và tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Là một bộ luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống người dân, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định để bảo đảm phù hợp với Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự tương thích giữa các quy định trong bộ luật với đặc điểm về văn hóa, địa lý, phong tục, tập quán ở nước ta; dự báo khả năng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Qua thảo luận, các đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Phùng Quốc Hiển (Yên Bái) và một số ý kiến cho rằng để cụ thể hóa và để bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân thì Bộ luật Dân sự cần quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Các đại biểu phân tích việc phân loại này bảo đảm tính thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu.

Nhiều ý kiến cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với bộ luật này. Theo đó, sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2015. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo bộ luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên vùng biển

Về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng có nhiều vấn đề luật quy định không rõ, nhất là phần giải thích từ ngữ, dẫn đến khi đi vào quy định chi tiết cũng không rõ. Luật không định nghĩa thế nào là bờ biển nên hành lang bảo vệ bờ biển ra sao cũng không rõ. Vì giải thích từ ngữ không rõ ràng nên việc quy định thẩm quyền các cấp trong việc bảo vệ vùng biển, vùng bờ, bờ biển lúng túng. ĐB đề nghị luật cần quy định sao cho dễ quản lý.

Theo Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa, việc ban hành luật này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần phải xem xét, rà soát để đảm bảo các nội dung quy định trong luật này thống nhất với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam…

ĐB cho rằng, theo quy định tại Điều 1 thì phạm vi điều chỉnh của luật gồm vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Tuy nhiên, qua xem xét những nội dung quy định về quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường lại chủ yếu tập trung vào vùng bờ và hải đảo mà chưa quy định hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đặc biệt là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do đó, ĐB đề nghị cân nhắc đưa vấn đề này vào luật.

Về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 13), ĐB cho rằng quy định về đối tượng phải lấy ý kiến chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường là chưa đủ, mà cần xem xét bổ sung thêm việc lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng. Vì quân đội là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hiện diện và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trên các vùng biển Việt Nam. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến hoạt động trên các vùng biển nhất thiết phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên các vùng biển và hải đảo.

Trung tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị quy định rõ hơn những nội dung liên quan đến vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo, vì dự thảo quy định quá chung chung, thiếu tính cụ thể, đặc biệt là đối với các hành vi bị cấm. Do đó, ĐB đề nghị luật cần quy định những biện pháp bảo vệ nguồn lợi hải sản, đặc biệt là việc đánh bắt hải sản ven bờ...

TTXVN-PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.
.