Chính trị - Xã hội

65 năm truyền thống Học viện Chính trị khu vực III: Đôi điều suy ngẫm

09:38, 19/12/2014 (GMT+7)

1. 65 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng so với một đời người, so với quá trình hoạt động của một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước là một thời gian không ngắn.

Trong 65 năm ấy, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ cả vật chất lẫn tinh thần, cả về tư tưởng và lý luận, Học viện Chính trị khu vực III đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Cụ thể:

Trong công tác đào tạo cán bộ, đến năm 2014, đã đào tạo, bồi dưỡng trên 5 vạn cán bộ cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, còn phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương… mở các lớp bồi dưỡng cho trên 3 ngàn cán bộ chuyên trách công tác tổ chức-xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận… Phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở 4 khóa cao học với 310 học viên gồm các chuyên ngành: Kinh tế chính trị; Quản lý kinh tế; Xây dựng Đảng; Chính trị học; Văn hóa và Quản lý Nhà nước.

Về nghiên cứu khoa học, tính từ những năm 1990 đến năm 2014 đã thực hiện 343 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 8 đề tài cấp Nhà nước; tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước; 2 dự án khảo sát cấp bộ; 55 đề tài cấp bộ; 6 đề tài cấp tỉnh và tổng công ty; 271 đề tài cấp cơ sở. Tổ chức 73 cuộc hội thảo cấp trường; 19 hội thảo phối hợp với các ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học; 136 hội thảo, tọa đàm cấp khoa; xuất bản 71 đầu sách, kỷ yếu khoa học, đăng tải 1.765 bài báo khoa học.

Những kết quả nêu trên không chỉ cung cấp cho các địa phương trong khu vực một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính trị có lập trường, quan điểm vững vàng, kiên định, có phẩm chất và năng lực tốt để gánh vác nhiệm vụ của Đảng giao trong những năm tháng kháng chiến trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mà còn góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra của đất nước và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

2. Chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển của Học viện Chính trị khu vực III không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió, mà có lúc gặp nhiều phong ba bão táp, những hiểm nguy tưởng chừng không thể vượt qua.

Đó là thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, vận nước bị đe dọa bởi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và thời kỳ thứ hai, sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, tuy đất nước đã sạch bóng quân thù, không còn nhiều khó khăn, ác liệt như trước, đã có nhiều đổi thay về diện mạo, nhất là những năm đầu của thời kỳ đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng từ năm 1986.

Nhưng thật nghiệt ngã, vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chúng ta phải chứng kiến một sự thật đau lòng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, dẫn đến sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội nói chung và khủng hoảng về lý luận nói riêng đã tác động không nhỏ đến việc giảng dạy, học tập của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Đảng cả nước, trong đó có Học viện Chính trị khu vực III.

Trước sự thay đổi nhanh chóng và quá bất ngờ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã làm cho không ít người choáng váng, lo âu, hoài nghi về sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và một vài nước khác. Một số khác hoang mang, dao động, mất niềm tin và có những phản ứng tiêu cực.

Đứng trước tình thế đó, Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Nhờ đó, đã định hướng tư tưởng cho những người làm công tác lý luận, công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Trường Đảng, giúp họ lấy lại niềm tin và xác định vai trò, trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ nặng nề của Đảng giao.

3. Thành tựu 65 năm xây dựng và phát triển của Học viện Chính trị khu vực III trên tất cả các mặt công tác là đáng trân trọng, là sự ghi nhận công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ. Song, để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, theo chúng tôi cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho nơi làm việc, nơi ăn ở, học tập của cán bộ và học viên ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn, ngang tầm với vị thế của một Trường Đảng ở khu vực miền Trung.

Thứ hai, có kế hoạch tăng thêm chỉ tiêu biên chế để học viện có điều kiện tuyển dụng cán bộ, nhất là cán bộ khoa học ở các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, tạo nguồn cán bộ kế cận, bảo đảm tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ.

Thứ ba, làm tốt quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm và 5 năm nhằm một mặt, giúp cho học viện chủ động hơn trong công tác chiêu sinh, đáp ứng được nhu cầu đào tạo cán bộ cho các địa phương, ban, ngành, nhất là đội ngũ cán bộ dự nguồn các chức danh chủ chốt và đội ngũ cán bộ, đảng viên được quy hoạch vào các cấp ủy trong các kỳ đại hội.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm bảo đảm trang bị cho người học lượng tri thức cần thiết về lý luận chính trị để vận dụng vào thực tiễn công tác ở các ban, ngành, địa phương một cách thiết thực, hiệu quả. Theo đó, cần trang bị cho người học một cách hệ thống, cơ bản những môn lý luận chính trị, giúp họ nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Cùng với đó, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học với phương châm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

PGS, TS PHẠM HẢO

.