Chính trị - Xã hội
Người lao động mất quyền lợi
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng, khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp hiện nợ BHXH với tổng số tiền hơn 112 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động đang bị mất quyền lợi như: hưu trí, ốm đau, thai sản...
Khi quyền lợi của người lao động được bảo đảm sẽ giảm thiểu đình công. TRONG ẢNH: Một số lao động ngừng việc tập thể đòi quyền lợi tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. |
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng, khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp hiện nợ BHXH với tổng số tiền hơn 112 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động đang bị mất quyền lợi như: hưu trí, ốm đau, thai sản...
Hứa thật nhiều rồi không thực hiện
Làm việc cho một công ty may ở Hòa Khánh được 2 năm, chị L.T.N nghỉ thai sản thì mới té ngửa khi biết công ty chưa đóng BHXH cho chị, nhưng hằng tháng vẫn bị công ty trích lương để đóng khoản tiền này. “Khi tôi hỏi thì công ty nói do khó khăn nên chưa đóng đầy đủ cho BHXH. Công ty còn nói rằng, tôi cứ yên tâm nghỉ ngơi, công ty sẽ có bù đắp nhất định”, chị N. thổ lộ.
Cũng theo chị N., hầu hết người lao động lúc vào làm việc đều được các công ty hứa nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn và đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ đến khi “có chuyện” như nghỉ vì đau ốm hay thai sản thì mới biết đơn vị chưa đóng BHXH.
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết: “Hằng tháng các đơn vị này vẫn trích trừ % nộp BHXH của các nhân viên nhưng không nộp BHXH mà chiếm dụng. Bởi vậy, nhiều lao động không biết hoặc biết nhưng không dám lên tiếng vị sợ mất việc”.
BHXH Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, có trên 1.000 doanh nghiệp nợ BHXH. Trong đó có 363 đơn vị không còn sản xuất, kinh doanh ở địa điểm đã đăng ký, 18 đơn vị phá sản, ngừng hoạt động do bị rút giấy phép kinh doanh. Điều đáng nói, có nhiều đơn vị nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH với số tiền lớn trong nhiều năm liền…
Chẳng hạn, Công ty Cơ khí ô-tô và thiết bị điện Đà Nẵng nợ 2,6 tỷ đồng trong gần 2 năm; Công ty CP Someco Sông Đà tại miền Trung nợ 4,9 tỷ đồng trong hơn 2 năm; Công ty CP Lilama 7 nợ 3,3 tỷ đồng trong 10 tháng…
Nợ BHXH không còn là chuyện mới nhưng vẫn là vấn đề “nóng” bởi số đơn vị nợ ngày càng tăng. Bên cạnh nguyên nhân do tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của một số đơn vị gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với người lao động, vẫn còn những đơn vị chây ì để chiếm dụng vốn do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên họ chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.
Chế tài còn nhẹ
Điều đáng lo ngại hiện nay là việc “né” đóng BHXH của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi hơn. Chẳng hạn, ký hợp đồng dưới 3 tháng, thường xuyên đổi địa điểm để tránh việc kiểm tra của các cơ quan chức năng, khai thấp hơn thực tế số lượng nhân viên để đóng thấp hơn mức phải đóng, v.v…
“Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, tuyên truyền để các doanh nghiệp và người lao động hiểu về việc thực hiện đóng BHXH. Ngoài ra, việc phối hợp với các bên liên quan tổ chức thanh tra tình hình nợ đọng BHXH cũng được tiến hành để xử lý một số đơn vị nợ”, ông Long cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Long, hiện nay, điều khó là cơ quan BHXH không có chức năng xử phạt mà chỉ lập biên bản rồi báo cáo với cơ quan chức năng; sau đó, các đơn vị này mới tiến hành thanh, kiểm tra. Ngoài ra, lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng nên không thể xử lý hết được các doanh nghiệp nợ BHXH.
Trước tình hình đó, việc khởi kiện các đơn vị chây ì được coi là biện pháp “mạnh tay”. Chỉ tính trong năm 2014, BHXH thành phố Đà Nẵng đã khởi kiện 74 đơn vị nợ BHXH với số tiền lên đến 19 tỷ đồng. Lập tức, sau khi bị kiện, có 45 đơn vị chịu lấy “hầu bao” trả nợ 5 tỷ đồng. Tuy vậy, theo ông Long, bên cạnh đó, người lao động cũng phải có những hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho mình như đề nghị công ty làm thủ tục đăng ký BHXH, theo dõi thường xuyên về sổ BHXH đã được đăng ký…
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ