Chính trị - Xã hội
Một số giải pháp căn bản
Trước hết, cần phải thống nhất quan điểm xem công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TT-PB-GDPL) về trật tự an toàn giao thông (ATGT) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, coi đây là biện pháp hàng đầu để có thể giảm thiểu TNGT một cách bền vững.
Hiệu quả của công tác TT-PB-GDPL về ATGT chính là việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho các cơ quan, đơn vị và cả cộng đồng, doanh nghiệp và người tham gia giao thông; TT-PB-GDPL về ATGT là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và người tham gia giao thông; đặc biệt cần quan tâm hơn công tác này với đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên và người nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cần nâng cao chất lượng tuyên truyền về an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên và khu vực nông thôn. |
Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Giải pháp thứ nhất, đề nghị thành lập và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế phối hợp giữa Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải (GTVT) trong hoạt động TT-PB-GDPL về ATGT, bởi đây là 2 cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về ATGT, có vai trò tham mưu UBND thành phố ban hành, phê duyệt chính sách, chương trình, kế hoạch TT-PB-GDPL về ATGT; đồng thời các cơ quan này có vai trò phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể trong việc TT-PB-GDPL về ATGT và trực tiếp xây dựng, đề xuất UBND thành phố ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về công tác này.
Giải pháp thứ hai, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các nguồn lực (nhân lực và tài chính) như: Tăng cường năng lực cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác TT-PB-GDPL bằng các nội dung và biện pháp cụ thể; xây dựng hạng mục ngân sách cho công tác TT-PB-GDPL hằng năm của thành phố và nguồn kinh phí ATGT từ dự toán kinh phí hằng năm của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố nhằm bảo đảm bố trí phân bổ đủ kinh phí cho công tác TT-PB-GDPL ở cấp thành phố; cho phép địa phương xây dựng hạng mục ngân sách và nguồn kinh phí ATGT được cấp sử dụng cho công tác TT- PB-GDPL hằng năm của địa phương...
Giải pháp thứ ba, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT thông qua việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông và phải được lồng ghép vào chương trình thực hiện văn hóa, văn minh đô thị của thành phố. Nội dung này, yêu cầu gồm: Sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch theo cách lồng ghép; tăng cường năng lực lập kế hoạch và quản lý công tác TT-PB-GDPL về ATGT; xây dựng tài liệu cho các đối tượng được tuyên truyền khác nhau; triển khai các chiến dịch tuyên truyền tại địa phương thông qua các cơ quan thông tin đại chúng; thường xuyên tổ chức theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền…
Giải pháp thứ tư, cần xã hội hóa công tác TT-PB-GDPL về ATGT: Sở GTVT và Công an thành phố chủ động cung cấp thông tin và công khai các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về ATGT cho các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các nội dung đến bạn đọc, xã hội. Vận động sự hợp tác, đóng góp kinh phí của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, đơn vị và các tổ chức nước ngoài, trong đó bảo đảm hài hòa các lợi ích: lợi ích xã hội và lợi ích của nhà tài trợ về quảng bá thương mại.
Giải pháp thứ năm, tăng cường xử phạt, cưỡng chế. Đối với những hành vi cố ý vi phạm pháp luật về ATGT cần sử dụng các biện pháp giáo dục có tính chất cưỡng chế; giám sát chặt chẽ hành vi thông qua sự hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật hiện đại và kiên quyết xử phạt nghiêm với một số hành vi cố ý vi phạm.
Giải pháp thứ sáu, xây dựng chương trình nội dung giảng dạy phù hợp về các quy tắc, quy định ATGT đường bộ vào chương trình giáo dục thường xuyên của các trường phổ thông. Đối với học sinh THPT, đề xuất trong năm học cuối cấp tổ chức học Luật Giao thông đường bộ và sát hạch cấp Giấy chứng nhận đã tham gia khóa học Luật Giao thông đường bộ cho các em sau khi tốt nghiệp.
Giải pháp thứ bảy, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng một cách thường xuyên, liên tục, thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng thành phố văn hóa, văn minh đô thị.
Giải pháp thứ tám, xây dựng và thống nhất cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác TT-PB-GDPL về ATGT giữa các cơ quan thuộc thành phố cũng như giữa sở, ngành, đoàn thể thành phố và chính quyền cơ sở trong công tác TT-PB-GDPL về trật tự ATGT. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng cưỡng chế, xử phạt với cơ quan TT-PB-GDPL về ATGT.
Việc đẩy mạnh công tác TT-PB-GDPL về ATGT cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm làm thay đổi nhận thức của mọi người dân, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng như các nhiệm vụ chính trị trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, thông qua công tác này, hy vọng sẽ nâng cao nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, qua đó góp phần xây dựng, tạo lập môi trường giao thông an toàn, thân thiện trên địa bàn thành phố.
NGUYỄN HỮU CƯỜNG
Chánh Văn phòng Ban ATGT TP. Đà Nẵng