Chính trị - Xã hội

40 năm giữ bài thuốc gia truyền

07:58, 23/12/2014 (GMT+7)

78 tuổi, lương y Nguyễn Thị Quế, nguyên Chủ tịch Hội Đông y quận Sơn Trà, vẫn có thể một mình “phóng” xe Chaly đi thăm bệnh, hay đọc sách, viết chữ mà không dùng kính lão.

Ngoại trừ chiếc máy trợ tim gắn vào lồng ngực cho thấy sức khỏe bà đã thay đổi theo thời gian, còn lại từ vóc dáng, giọng nói, mái tóc, sức lao động đều dễ khiến người đối diện nghi ngờ tuổi thật của bà.

Chăm sóc cây thuốc và nhận điện thoại bệnh nhân báo tin bệnh đã giảm là niềm vui mỗi ngày của lương y Nguyễn Thị Quế.
Chăm sóc cây thuốc và nhận điện thoại bệnh nhân báo tin bệnh đã giảm là niềm vui mỗi ngày của lương y Nguyễn Thị Quế.

Tuổi càng cao, bà Quế lại càng bận rộn với công việc khi bệnh nhân, nhất là người ngoài tỉnh, liên tục gọi nhờ chữa bệnh đái tháo đường bằng bài thuốc gia truyền mà bà gìn giữ hơn 40 năm qua.

Chữa “bệnh khó”

Ngôi nhà của lương y Nguyễn Thị Quế tại số 150 Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thoáng nhìn qua không thấy có gì liên quan đến… thuốc vì mặt tiền được sử dụng làm cửa hàng tạp hóa. Chỉ khi đi qua cầu thang hẹp dẫn lên căn gác nơi bà làm việc mới bắt đầu cảm nhận không gian của lương y với những câu răn dạy của Hải Thượng Lãn Ông, cùng nhiều sách vở do bà ghi chép, sưu tầm và vườn thuốc tự trồng nơi sân thượng.

Cách đây một năm, tức lúc lương y Nguyễn Thị Quế 77 tuổi, bà mới được nghỉ hưu thực sự sau 15 năm liên tiếp làm Chủ tịch Hội Đông y Sơn Trà và trước đó là hơn 10 năm làm lương y tại Trạm Y tế phường An Hải Đông. Thế nhưng, cũng từ lúc về hưu, bà càng không thể nghỉ ngơi khi dành toàn bộ thời gian cho việc phát triển, ứng dụng bài thuốc gia truyền điều trị đái tháo đường 4 đời cha ông để lại.

Nếu trước đây, với vai trò lương y, bà thăm khám nhiều loại bệnh khác nhau, thì những cuộc tiếp xúc bệnh nhân gần đây chỉ xoay quanh chủ đề: trị đái tháo đường. “Đây là bệnh khó chữa, lại nhiều người mắc nên tôi càng muốn giúp mọi người vượt qua. Đời mình không còn bao lâu nữa nên phải cố gắng làm thật nhiều...”, lương y Nguyễn Thị Quế tâm sự.

Bệnh nhân đến với bà đa dạng độ tuổi. Có bé ở Hà Nội mới 7 tuổi đã mắc bệnh. Người già nhất đã 90, nhưng hầu hết khoảng 60 tuổi. Lương y Nguyễn Thị Quế nói rằng, bà chỉ giữ bài thuốc của cha ông, không phải là người sáng tạo cách điều trị bệnh này. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản là kê toa theo những gì đã được hướng dẫn. Bằng kinh nghiệm, khả năng riêng của mình, bà căn cứ vào từng cơ địa, tuổi tác, chiều cao, cân nặng và mức độ bệnh để gia giảm lượng thuốc cho phù hợp.

Nhiều người khỏi bệnh sau khi uống thuốc của bà đã viết các bài giới thiệu chia sẻ với cộng đồng. Những tít bài đầy hứng khởi như: “100% khỏi bệnh, không tái phát”, v.v… khiến bà vừa vui, vừa phải mất công… đính chính: “Qua đánh giá của cá nhân tôi thì chừng 70% đáp ứng tốt, 20% có đỡ nhưng chưa khỏi hẳn và 10% là không theo dõi được”.

Có cả toa thuốc... tâm lý

Từ nhỏ, bà Quế đã tập tành làm thuốc, nhưng đến 30 tuổi vẫn còn là “sinh viên thực tập” của chú ruột, một thầy thuốc có tiếng trong làng (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Công việc của bà lúc bấy giờ là phụ giúp chú cân thuốc; còn việc bắt mạch, đoán bệnh vẫn chỉ được làm nháp chứ chưa được phép làm thật. Chú muốn bà khi chính thức ra nghề phải thực sự chắc tay, không thể biến bệnh nhân thành đối tượng tiếp tục thực tập. Vì vậy, đến tuổi 35, bà mới một mình đi trên con đường điều trị bằng đông y như hiện nay.

Ngồi một buổi sáng với bà và câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi nhiều cuộc điện thoại từ Kiên Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… mới hiểu một phần “cách riêng” của vị lương y này. Ngoài quan tâm đến bệnh chính tiểu đường, bà còn lắng nghe bệnh nhân kể về các bệnh kèm theo như: mỡ trong máu, viêm gan, đau dạ dày, sỏi thận, v.v… rồi lần lượt hướng dẫn cách ăn uống trị những bệnh đó không tốn nhiều tiền và lại không ảnh hưởng đến việc uống thuốc đái tháo đường.

Đặc biệt, mỗi toa thuốc bà gửi đến bệnh nhân bao giờ cũng kèm “toa tâm lý” có tên gọi “Vươn lên để sống và khỏe”. “Đó là những tâm sự của tôi viết ra trên giấy mong bệnh nhân có tâm lý thật thoải mái. Tâm lý tốt thì bệnh mau khỏi, còn nếu cứ nghĩ chắc bệnh nặng lắm, chữa không xong thì có khi chết vì muộn phiền chứ không phải vì bệnh”, lương y Quế nói. “Toa thuốc tâm lý” của bà có những câu thơ như: Một tiếng cười giúp thêm thế lực/ Một lời than cắt đứt nhơn tình…

Có thể nói lương y Nguyễn Thị Quế là người lớn lên cùng những bài thuốc đông y, khi ông cố, ông nội rồi cha, chú của bà đều làm nghề bốc thuốc. Gia đình có 10 anh em tại xã Điện Phương (huyện Điện Bàn) nhưng chỉ mỗi mình bà là theo nghề cha ông. Điều bà trăn trở lúc này là tuổi tác ngày càng cao nhưng vẫn chưa có người con cháu nào trong gia đình tỏ ra mặn mà với nghề để bà truyền đạt tất cả bài vở, kinh nghiệm và bí quyết.

Dù bài thuốc gia truyền nhưng lương y Nguyễn Thị Quế sẵn sàng chia sẻ đến mọi người thông qua bài báo. Tuy nhiên, bà cũng mong người đọc xem đây như sự tham khảo, không nên áp dụng rập khuôn, bởi một bài thuốc không thể ứng dụng cho tất cả đối tượng mà phải thông qua sự thăm khám của bác sĩ hoặc lương y để đưa ra toa thuốc phù hợp với tuổi, cân nặng, mức độ bệnh, yếu tố di truyền hay tự nhiên mắc v.v...

Bài 1: Nhân sâm, đảng sâm, thục địa, táo nhân, bạch thược, bạch truật, phục linh, hoài sơn, ngũ vị tử, sơn tra, sanh bắc hoàng kỳ (mỗi thứ 3 chỉ) và sanh cương 3 lát.

Bài 2: Nhãn nhục, nhục quế, viễn chí, liên nhục, đương quy, đậu khấu, xuyên khung, trần bì, từ thạch, táo đỏ (mỗi thứ 2 chỉ) và cam thảo (1 chỉ).

Bài và ảnh: THU HOA

.