Chính trị - Xã hội
Bài cuối: Chủ rừng "hờ", không quyền, không tiền
Đó là thực trạng quản lý Nhà nước về rừng tại các địa phương có rừng ở Đà Nẵng từ trước đến cuối tháng 11 vừa qua. Vai trò là chủ rừng nhưng tại các địa phương này, chính quyền chỉ là chủ rừng “hờ”, bởi họ chưa được phân giao quản lý rừng và đất lâm nghiệp.
Rừng giáp lâm phận Thừa Thiên-Huế bị tàn phá nghiêm trọng. |
Tại Điều 2 Quyết định 07 của Chính phủ về phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, tại mục 3 quy định trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn có rừng rất cụ thể, đó là: Chịu trách nhiệm quản lý diện tích, ranh giới; các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo thẩm quyền; xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng…
Quy định rõ ràng vậy, song ở các địa phương có rừng ở Đà Nẵng không có thực quyền, thậm chí việc giao đất rừng đều do cơ quan kiểm lâm và chủ rừng khác thực hiện. Quyết định cũng quy định, cấp xã hợp đồng lao động và phòng cháy, chữa cháy rừng và các hoạt động khác trong quản lý, bảo vệ rừng, song lĩnh vực này từ trước đến nay do cơ quan kiểm lâm đảm nhiệm.
Do không thực hiện triệt để việc phân cấp quản lý Nhà nước về rừng nên đã có sự đổ trách nhiệm cho nhau về chủ thể quản lý bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm cho rằng địa phương chịu trách nhiệm chính trong quản lý bảo vệ rừng. Ngược lại, địa phương cho trách nhiệm đó thuộc về kiểm lâm, bởi họ chuyên trách, có lực lượng, có trang thiết bị và có kinh phí trên cấp; còn với địa phương chỉ là “tay không bắt giặc”. Trên thực tế, từ trước đến nay, kiểm lâm luôn đóng vai trò chính trong quản lý, bảo vệ rừng; địa phương chỉ là lực lượng phối hợp khi cần thiết.
Tại Điều 5 quy định chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng cơ sở của Quyết định 07 nêu: Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật. Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Chiếu theo quy định này, các xã ở Hòa Vang đều có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thế nhưng đến nay, không xã nào có. Diện tích rừng lớn như xã Hòa Bắc, 10.778 ha, lâu nay cũng không có một chuyên trách cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Có chăng, công an, dân quân địa phương kiêm nhiệm công tác này.
Điều 3 quy định hỗ trợ kinh phí cho UBND xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở của Quyết định 07 của Chính phủ nêu rất chi tiết: Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho ngân sách xã để bảo đảm chi thường xuyên cho công tác quản lý, bảo vệ rừng với mức 100.000 đồng/ha/năm đối với toàn bộ diện tích rừng do xã quản lý. Kinh phí này được sử dụng cho việc duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; hợp đồng lao động bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và các hoạt động khác trong công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Quy định là vậy, thế nhưng từ trước đến nay, các địa phương có rừng chưa nơi nào nhận được kinh phí hỗ trợ. Nếu như có kinh phí hỗ trợ theo quy định, với 10.778 ha, mỗi năm xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) có hơn 1 tỷ đồng cho công tác bảo vệ rừng. Với kinh phí không nhỏ đó, chắc chắn xã này sẽ triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, ngăn chặn được tình trạng tàn phá rừng dai dẳng từ nhiều năm nay. Có thể nói, chậm triển khai chính sách hỗ trợ này là một trong các nguyên nhân làm cho rừng liên tục bị tàn phá, bởi không có kinh phí, chính quyền địa phương có quyết tâm nỗ lực đến mấy cũng đành bó tay.
Đầu tháng 12 vừa qua, Sở NN&PTNT đã triển khai việc phân cấp, phân giao quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 7262/QĐ-UBND ngày 14-10-2014. Qua đó, các địa phương có rừng đã được phân cấp, phân giao diện tích rừng tại địa phương rất cụ thể. Hy vọng, từ việc phân giao này, công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.
Xin được nói thêm: Sở NN&PTNT đang triển khai việc thành lập Hạt kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, giám đốc ban đồng thời là hạt trưởng. Không ít người cho rằng, chủ trương này không hợp lý và sẽ nảy sinh nhiều phức tạp trong quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
Điều 26 quy định cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, thuộc Nghị định 117 có nêu: Tùy theo điều kiện cụ thể, khu rừng đặc dụng được tổ chức tối đa các đơn vị trực thuộc, trong đó có Hạt kiểm lâm. Như vậy, với điều kiện của Đà Nẵng, việc thành lập Hạt kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa không phù hợp.
Lâu nay, Ban quản lý và Hạt kiểm lâm là hai cơ quan riêng, chức năng, nhiệm vụ khác nhau: Ban quản lý có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên lâm phận được giao, còn Hạt kiểm lâm có trách nhiệm thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng. Riêng biệt như vậy rừng vẫn bị tàn phá, huống hồ khi Hạt kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, chủ rừng đồng thời là Hạt trưởng kiểm lâm thì không thể nào bảo đảm rừng sẽ không bị tàn phá, bởi lúc đó chẳng khác nào “đá bóng không được thổi còi”...
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU