Chính trị - Xã hội
Khuyến khích bỏ đất hoang?
Báo Đà Nẵng nhận được kiến nghị của một số hộ dân có đất ruộng ở cánh đồng Hóc Miếu, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) phản ánh việc đất nông nghiệp của họ bị ảnh hưởng dự án Trung tâm huấn luyện bóng đá SHB nên không thể trồng lúa, trồng màu.
Không thể trồng lúa vì thiếu nước, một số hộ dân đã chủ động chuyển mô hình trang trại sản xuất ở phường Hòa Khánh Nam. |
Những năm trước, việc chi trả hỗ trợ đất nông nghiệp bỏ hoang của thành phố vẫn được thực hiện. Tuy nhiên năm nay, một số hộ chủ động chuyển đổi thành đất trang trại sản xuất thì khoản hỗ trợ bị cắt.
Dự án Trung tâm huấn luyện bóng đá SHB đã triển khai đền bù, giải tỏa gần chục năm nay và khởi công xây dựng từ năm 2011, kéo theo đất nông nghiệp (ngoài dự án) khu vực lân cận bị ảnh hưởng, không thể sản xuất. “Ngày trước có ruộng, trồng lúa, trồng hoa màu cũng đủ ăn.
Rồi dự án tràn đến, kênh mương bị lấp bít, hệ thống thủy lợi bị đứt mạch, đồng ruộng nham nhở, nơi thừa nơi thiếu nước, phải bỏ hoang đất. Người có đất thuộc dự án, việc đền bù còn đỡ vì có đồng vào đồng ra. Người nằm ngoài dự án, nhìn đất bỏ không mà thấy xót lòng”, ông H.V.C cho biết.
Theo phản ánh của các hộ dân ở khu vực cánh đồng Hóc Miếu, hiện có khoảng gần chục hộ làm trang trại trồng chuối, nuôi heo, nuôi cá để cải thiện đời sống trên đất bỏ hoang, nhưng hầu hết đều không hiệu quả. Trước đây, khi đất bỏ hoang, họ vẫn được hưởng mức hỗ trợ 1m2 là 3.000 đồng.
Nhưng khi đăng ký làm trang trại thì khoản hỗ trợ trên bị cắt. Không những thế, nhiều người dân thắc mắc vì sao lại có sự khác biệt giữa đất quỹ 1 (có sổ đỏ) và đất quỹ 2 (do xã, phường quản lý) trong việc chi hỗ trợ đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án. Trong khi đó, các loại đất (quỹ 1 và 2) đều là đất nông nghiệp sản xuất lúa và màu như nhau.
Đại diện UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết dự án Trung tâm huấn luyện bóng đá SHB có 122 hộ có đất bị ảnh hưởng với tổng quỹ đất 87.848m2, chỉ 4 hộ đăng ký làm trang trại với gần 10.000m2 (đất quỹ 1). Quá trình lập hồ sơ xét hỗ trợ, UBND phường đã “ghi chú” đầy đủ về số trường hợp có làm trang trại nói trên. Và đây là “thước đo” cho các cơ quan chức năng ráp vào các quy định bằng văn bản để xét duyệt chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp đối với từng hộ.
Theo đại diện Phòng Kinh tế UBND quận Liên Chiểu, sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, kiểm tra và phê duyệt, một số hộ ở phường Hòa Khánh Nam làm trang trại trên diện tích đất nông nghiệp trước đây nên không được nhận hỗ trợ vì đã… “không bỏ hoang đất”. Đối với đất quỹ 2, theo quy định của thành phố, chỉ đền bù một lần duy nhất (năm 2013) và đã chi trả xong.
Đối với các hộ dân vừa chuyển đổi mô hình sản xuất trang trại ở phường Hòa Khánh Nam, họ mong muốn thành phố chưa nên cắt hỗ trợ trong những năm đầu để có thời gian phát triển ổn định.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY