Chính trị - Xã hội
Bước ngoặt ra đời Đảng bộ Quảng Nam
Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp thế giới, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc - con đường cứu nước theo ý thức hệ vô sản.
Từ năm 1925, Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (VNCMTN), mở các lớp huấn luyện, in tác phẩm “Đường Kách mệnh” để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước. Bấy giờ, một số học sinh người Quảng Nam đang học tập ở Huế đã được tiếp xúc với sách, báo tiến bộ và các giáo viên có lòng yêu nước.
Họ thường xuyên đến thăm cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Bến Ngự để nghe cụ khuyên bảo về chí hướng đấu tranh; đặc biệt được con rể của cụ Phan là Vương Thúc Oánh, phái viên Tổng bộ Hội VNCMTN, tuyên truyền giác ngộ chính trị theo con đường cách mạng vô sản…
Giữa lúc ấy, Đỗ Quang được Tổng bộ Hội VNCMTN phái về nước phát triển hội viên, khi vừa đến Huế thì tại đây nổ ra cuộc bãi khóa lớn. Đỗ Quang đã kịp thời tiếp xúc với số học sinh tham gia bãi khóa, vận động thành lập Ban Vận động Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam, gồm có Đỗ Quang cùng em trai Đỗ Quỳ và các anh, chị Lê Quang Sung, Phan Long, Thái Thị Bôi.
Tháng 6-1927, Ban Vận động Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam chuyển về Đà Nẵng, lấy trường Cự Tùng làm nơi dạy học và địa điểm liên lạc cách mạng. Ban Vận động ra đời đúng lúc tuổi trẻ, nhân dân tỉnh nhà đang khao khát tìm hiểu cách mạng để chọn hướng đi. Việc Ban Vận động chuyển về hoạt động ở Đà Nẵng với những hoạt động của mình, đánh dấu chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tháng 9-1927, Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam ra đời do Đỗ Quang làm Bí thư. Ngoài ra còn có Chi bộ Hội VNCMTN ở Đà Nẵng do Nguyễn Tường làm Bí thư và một chi bộ ở Hội An do Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh) làm Bí thư. Đầu năm 1928, các chi bộ ở Đà Nẵng và Hội An thống nhất hoạt động trong tổ chức Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam và cử ra Ban Chấp hành do Đỗ Quang làm Bí thư.
Hội đã giao nhiệm vụ cho Đỗ Quỳ in hàng trăm cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc để làm tài liệu tuyên truyền. Qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”, tuổi trẻ Quảng Nam tiếp thu được tư tưởng cách mạng, tìm thấy được con đường đấu tranh mới, vì vậy việc phát triển hội viên Hội VNCMTN diễn ra khá thuận lợi, nhiều thanh niên gia nhập.
Tháng 3-1929, Tỉnh bộ VNCMTN Quảng Nam tách khỏi Đà Nẵng, do Trần Văn Tăng làm Bí thư; Nguyễn Thái làm Ủy viên phụ trách tuyên truyền và chịu trách nhiệm liên lạc với các phủ, huyện.
Tháng 6-1929, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập. Hội viên Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam có ý kiến cho rằng nên chuyển một số chi bộ sang Đông Dương cộng sản Đảng; ý kiến khác nên cho chuyển toàn thể. Để đi đến kết luận, Tỉnh Hội thống nhất tiến hành kiểm tra các chi bộ về nguyện vọng chuyển sang Đông Dương Cộng sản Đảng.
Cuối cùng, tất cả đều thống nhất chủ trương chuyển Hội VNCMTN thành Đông Dương Cộng sản Đảng do Phan Văn Định làm Bí thư; Phạm Thâm (Phạm Tấn Khánh) làm Phó Bí thư; Nguyễn Thái, Tỉnh ủy viên, phụ trách công tác tuyên truyền, vận động tổ chức.
Nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, Đảng bộ chủ trương xuất bản báo “Lưỡi Cày”. Báo ra mỗi tháng một số, 4 trang; in bằng kỹ thuật đông sương. Ngày 10-10-1929, Tỉnh ủy được củng cố, gồm 7 ủy viên; đồng chí Trần Đại Quả, Tỉnh ủy viên được phân công phụ trách công tác huấn luyện; Trần Kim Bảng, Tỉnh ủy viên, phụ trách tuyên truyền, viết báo; Huỳnh Lắm phụ trách ấn loát.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 28-3-1930, theo chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định đổi tên Đảng bộ. Địa điểm tổ chức lễ tại bãi cát Trường Lệ, Hội An. Đồng chí Phan Văn Định, Bí thư Tỉnh ủy tuyên bố: Kể từ ngày 28-3-1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Quảng Nam chuyển thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam.
Giờ phút thiêng liêng này làm cho mọi người có mặt trong buổi lễ đều xúc động. Thông cáo nêu rõ: “Phong trào cộng sản tỉnh Quảng Nam ta cùng xu hướng chung với cả nước, nó phát triển trên cơ sở tranh đấu của vô sản dân cày và những người bị áp bức trong tỉnh”.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ công tác tuyên truyền, cổ động, chủ nghĩa Mác - Lênin đã xâm nhập trong một bộ phận nhân dân Quảng Nam, nhất là thanh niên, học sinh và đó là cơ sở dẫn đến sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Quảng Nam. Công tác tuyên truyền, cổ động trong thời gian này chủ yếu thông qua tài liệu, sách, báo và tất cả các hội viên Hội VNCMTN cũng như đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng đều là những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, cổ động.
Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng trong tỉnh nói chung, công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ nói riêng.
Đ.K sưu tầm và biên soạn