Chính trị - Xã hội
Ngôi trường đặc biệt
Ở Trường Giáo dưỡng số 3 (Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an), các em từng vi phạm pháp luật không những được dạy chữ, rèn người mà còn được thắp lên ngọn lửa hy vọng vào tương lai tươi sáng.
Niềm vui của thầy và trò khi thu hoạch được những nông sản chất lượng do chính học sinh trồng. |
Em rất biết lỗi!
Thoạt nhìn không ai nghĩ H.N.N.V. (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đã 17 tuổi. Em nhớ rõ đã 13 tháng, 7 ngày em đến trường và còn 5 tháng nữa thì chấp hành xong án phạt. Khuôn mặt non nớt, các ngón tay run run đan vào nhau khi em nhớ lại những lỗi lầm mà mình đã gây ra.
Nhà nghèo, ba mẹ phải rất vất vả để V. được đến trường. Song, học đến lớp 8, V. bỏ ngang và theo lời đám bạn bè xấu rủ rê, bỏ nhà đi vài ngày mới về, rồi dần dần nhiễm những thói hư, tật xấu ngoài xã hội. V. bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 3 vì tội trộm cắp tài sản. “Ở đây tuy gò bó hơn ở ngoài nhưng em được học rất nhiều điều bổ ích”, V. nói trong nước mắt.
Trong bức thư gửi một cán bộ Công an phường Hòa Xuân nơi V. ở, em viết: “Có nhiều người nói anh hãy cho em đi Trường Giáo dưỡng nhưng anh đã không làm vậy… Nhưng học nghề được vài tháng, em lại ngựa quen đường cũ, bỏ học cùng bạn bè quậy phá, đi ăn trộm. Nay vào Trường Giáo dưỡng, được các thầy cô dạy dỗ, khuyên bảo, em đã nhận thức được rất nhiều điều. Vì vậy, hôm nay em viết lá thư này chỉ mong anh bỏ qua hết lỗi lầm của em để em không còn cắn rứt trong lòng và cố gắng phấn đấu thật tốt để em nhanh về với xã hội, anh nhé!”. Bức thư của V. đã đoạt giải cao trong cuộc thi Viết thư bày tỏ lời xin lỗi do nhà trường phát động.
Chẳng riêng V., tất cả các em vào Trường Giáo dưỡng số 3 ít nhiều đều có “thành tích” bất hảo. L.L.H. (SN 1996, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vào trường vì tội cố ý gây thương tích. Trải qua 16 tháng học tập, được thầy cô uốn nắn, đến nay, H. là một trong những gương mặt tiến bộ vượt bậc. Ngoài học văn hóa, H. còn được học nghề cắt tóc.
“Nhiều lúc nghĩ tới bữa cơm gia đình, em ân hận lắm, nhất là những lúc ốm đau, không được ông bà ngoại và mẹ chăm sóc… Em chỉ mong sau khi ra trường sẽ mở một tiệm cắt tóc của riêng mình để tự nuôi bản thân và phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học”, H. bộc bạch. Với H., Trường Giáo dưỡng số 3 như gia đình thứ hai của em, bởi đây là lần đầu tiên trong đời em được những người xa lạ yêu thương, chở che như thành viên trong nhà.
Xóa bỏ mặc cảm
Các thầy cô của Trường Giáo dưỡng số 3 luôn tâm niệm: xóa bỏ nỗi mặc cảm là “thành phần bỏ đi của xã hội” có trong suy nghĩ của các em là một trong những mục tiêu quan trọng mà nhà trường hướng đến. Khi mới vào trường, hầu hết các em đều tỏ ra ương bướng, không nghe lời và khước từ mọi sự dạy bảo của thầy cô. 206 học sinh đang học tập tại trường là 206 tính cách khác nhau. Nhưng bằng sự kiên nhẫn cùng tình yêu thương, các thầy cô đã đưa các em trở lại con đường sáng.
Tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các giáo viên chủ nhiệm lại thay phiên nhau đến phụ đạo, trò chuyện với các học sinh cá biệt, học sinh bị xử lý kỷ luật nhiều lần, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em để kịp thời động viên, uốn nắn, giúp các em an tâm rèn luyện.
Nhà trường còn liên kết với các trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố dạy một số nghề như: điện dân dụng, may mặc, cắt tóc, cơ khí,… nhằm giúp các em có “cần câu cơm” sau khi ra trường. Ngoài giờ học, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giao lưu cắm trại với các trường bạn tại địa phương.
Thượng úy Nguyễn Duy Chung, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Việc xây dựng các mô hình đội học sinh kiểu mẫu, lớp học tiên tiến được học sinh hào hứng tham gia. Các em vào đây được học chữ, học nghề nhưng trên hết là chúng tôi dạy các em làm người có ích và biết yêu thương, giúp đỡ mọi người”.
Bài và ảnh: BÌNH AN