Chính trị - Xã hội
Đừng biến "bác tài" thành "giặc lái"
ĐNĐT - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Doanh nghiệp vận tải với Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” do Sở GTVT thành phố phối hợp với Ban ATGT thành phố tổ chức vào ngày 6-2 tại Nhà hát Trưng Vương.
Sau khi Giám đốc Sở GTVT thành phố Lê Văn Trung triển khai Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã có bài phát biểu rất ấn tượng khiến đại diện doanh nghiệp và đặc biệt là cánh tài xế tâm phục, khẩu phục.
Hãy làm sứ giả thân thiện
Mở đầu bài phát biểu, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết, năm nay, thành phố chọn là "Năm văn hóa, văn minh đô thị" với mong muốn có sự thay đổi lớn để Đà Nẵng không đơn thuần có những công trình giao thông, công trình kiến trúc, khu dân cư hiện đại khang trang, mà thành phố còn có nếp sống văn hóa, văn minh.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là công việc cần sự chung tay của tất cả mọi người, từ lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và từng người dân. Đặc biệt, trên lĩnh vực văn hóa, văn minh đô thị, vai trò của các “bác tài” rất quan trọng.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ phát biểu tại hội nghị |
"Thế các bạn có hiểu vì sao mọi người gọi là “bác tài” chứ không phải "chú tài” hay từ gọi gì khác?".
Câu hỏi bất ngờ của Bí thư Thành ủy khiến cả hội trường cười ồ và sôi nổi hẳn, nhưng rồi ngay sau đó, đều lắng xuống khi nghe Bí thư giải thích “bác” ở đây là người nắm sinh mệnh của người khác, các tài xế chở khách trên xe mình cũng chính là “nắm” sinh mệnh của người khác rồi. Vì vậy, phải ý thức được ý nghĩa của điều này.
"Nghề “bác tài” rất cực khổ, căng thẳng và áp lực, chỉ cần sơ sẩy 1 giây có thể đánh đổi bằng mạng người, vì thế hơn lúc nào hết, tôi mong các “bác tài” ý thức điều này để bảo vệ cho mình, người thân và mọi người khác trên đường. Nhưng những “bác tài” cũng là những đại sứ đầu tiên của thành phố tiếp đón du khách khắp nơi đến với mình, để làm sao ngay từ bước chân đầu tiên đến lúc rời thành phố, họ cảm nhận được sự thân thiện, mến khách, văn minh và an toàn".
Bí thư đã chỉ ra những điều nên làm đối với các "bác tài".
Theo đó, cái “nên” đầu tiên là làm nghề tài xế thì phải nghiêm túc thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ, tức là không phóng nhanh, vượt ẩu, không đậu, đỗ xe trái phép...
Nên đeo thẻ nhân viên, có thái độ phục vụ thân thiện, chu đáo, ân cần - đây là thái độ tôn trọng chính mình và tôn trọng hành khách, cũng là tạo nên uy tín và thương hiệu cho công ty của mình.
Nên cố gắng học ngoại ngữ, không nhiều thì chí ít phải trao đổi được, giới thiệu với du khách nước ngoài đặt chân đến thành phố.
Nên tìm hiểu về văn hóa, lịch sử thành phố để trở thành hướng dẫn viên cho thành phố.
Nên trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên trên xe. Nên có ý thức giữ gìn cảnh quan thành phố, vệ sinh chung. Nên có ý thức phòng chống trộm cướp.
"Cái “nên” này thì tôi yêu cầu các “bác tài” về nhà lo học võ để bảo vệ cho mình và hành khách" - Bí thư Thành ủy nói thêm khiến tất cả đều cười và cam kết sẽ cố gắng.
Và cái “nên” cuối cùng là biết lắng nghe và tiếp thu sự góp ý từ mọi người để mình tốt lên từng ngày, trở thành những sứ giả thân thiện của thành phố Đà Nẵng mến khách, thành phố đáng sống.
Những điều không nên làm
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng nhắc nhở các “bác tài” về những điều không nên làm.
"Đầu tiên là “đã uống rượu, bia thì không điều khiển xe”, cái này là đương nhiên vì uống vô rồi rất dễ gây TNGT, đừng biến “bác tài” thành “giặc lái” trên đường. Không nhanh phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành hành khách rồi gây gỗ nhau gây hình ảnh rất phản cảm. Không nên đụng đâu đậu, đỗ đó, ở đâu cũng dừng trả khách được. Không nên né các hành khách đi tuyến gần. Không nên giở bài đi lòng vòng để kéo dài hành trình. Lúc nằm nghỉ không nên nằm vắt chân lên ghế, thò cả chân ra ngoài trông rất mất thẩm mỹ", Bí thư Thành ủy thẳng thắn nói.
Và điều không nên cuối cùng là tránh "giao ban" tại các cây xăng, điều này gây nên sự lộn xộn, bát nháo tại đây và dễ gây ra những nguy hiểm về cháy nổ.
Riêng với đội ngũ lái xe buýt, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu nghiêm cấm kiểu chạy đoạn rùa bò, đoạn phóng nhanh vượt ẩu, cấm bóp còi inh ỏi giành đường, cấm đột ngột ép xe vào đường khi thấy có khách đón trên đường.
Còn đối với các “bác tài” xe xích lô thì tuyệt đối tránh tình trạng giăng hàng ngang chiếm lối đi trên đường cản trở giao thông. Không được bu bám, chèo kéo du khách gây nên những hình ảnh phản cảm cho thành phố du lịch.
Để những cái nên và không nên này đi vào cuộc sống, Bí thư Thành ủy yêu cầu,. đến đầu tháng 3-2015, trên các xe buýt, xe taxi, xích lô phải in và dán lên xe, nhằm nhắc nhở chính đội ngũ tài xế và cả hành khách. Bên dưới cần có thêm số điện thoại đường dây nóng của thành phố và của từng đơn vị để người dân kịp thời phản ánh những tồn tại để khắc phục.
Ngay sau lời phát biểu của Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố, thay mặt các doanh nghiệp vận tải hành khách đã hứa và cam kết trong thời gian đến sẽ thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị 43-CT/TU, những chỉ đạo rất sát thực tế của Bí thư Thành ủy. Các đơn vị vận tải sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho mình, trong đó lấy sự an toàn giao thông làm trọng tâm và thái độ phục vụ hành khách làm khâu đột phá để góp phần thực hiện tốt chủ trương "Năm văn hóa, văn minh độ thị 2015" của thành phố.
TRẦN LUÂN SƠN