Chính trị - Xã hội
Gốc của văn hóa là giáo dục
Nhà văn André Malraux, từng nói: “Văn hóa là những gì còn lại, khi tất cả đã mất đi”.
Còn GS Mạc Văn Trang bày tỏ: “Con người và văn hóa là gốc, chi phối tất cả đời sống xã hội. Mọi hoạt động đều do con người tiến hành; mọi hoạt động đều mang bản chất văn hóa. Nhưng khi hoạt động kinh tế, chính trị lớn mạnh, tiền và quyền có thể làm phát triển rực rỡ nền văn hóa, hoặc cũng có thể hủy hoại, làm biến dạng, suy đồi nền văn hóa… Quyền và tiền xét đến cùng, cũng chỉ là phương tiện, cái quyết định vẫn chính là con người, gốc văn hóa của con người”.
Trích dẫn như trên để thấy rằng, cái gì có thể mất nhưng văn hóa thì không, cái gốc văn hóa của con người chỉ có được thông qua giáo dục. Chăm lo đến giáo dục chính là lo cho cái gốc của văn hóa, để văn hóa ngày càng được vun dày và đậm đà, giàu bản sắc dân tộc. Và những quyết sách của chính quyền thành phố liên quan đến giáo dục ngay những ngày đầu năm 2015 có lẽ là điều ấn tượng, sâu sắc nhất. Có thể nói đây là những hành động vì văn hóa, thiết thực nhất của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.
Một ngôi trường tiểu học Trần Cao Vân chật chội với 3 cơ sở ở quận trung tâm thành phố có mật độ dân cư đông nhất thành phố luôn ở trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất chắp vá, còn các em thì có lớp không được học 2 buổi ngày sẽ dần khoác lên mình chiếc áo mới vào thời khắc 27-1-2015 với một ngôi trường được xây dựng trên diện tích gần 2.000m2 từ trụ sở Hội Nông dân thành phố. Khi đó, tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp sẽ được giải quyết, bảo đảm 100% học sinh các lớp ở ngôi trường này được học 2 buổi/ngày.
Còn ngôi trường THPT Hòa Vang – một ngôi trường với truyền thống dạy học hơn 50 năm qua, là cái nôi đào tạo biết bao thế hệ học trò vùng ngoại ô “một chân đồng, một chân lớp” nhưng có ý chí vượt khó, vượt khổ… giờ đây đã được tháo gỡ bài toán khó về cơ sở sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục thể chất khi được giao sử dụng chung khu đất Trường tiểu học Ngô Quyền ở góc đường Cách mạng Tháng Tám-Ông Ích Đường với UBND phường Khuê Trung.
Ở tận Hòa Phong, Hòa Vang, ngôi trường tiểu học mang tên nhà chí sĩ yêu nước Lâm Quang Thự cũng được lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương mở rộng về phía Nam. Tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà được cho phép chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư thêm trường mầm non theo chủ trương xã hội hóa.
Trước đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành khảo sát nhu cầu về phòng học để bảo đảm 100% học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày vào năm học 2015-2016.
Từ các quyết sách kể trên của chính quyền thành phố, ngân sách sẽ không thu được vài trăm tỷ từ tiền chuyển quyền sử dụng đất, lại cộng thêm một nguồn kinh phí không nhỏ để đầu tư cho giáo dục. Trước mắt, thành phố sẽ mất đi một khoản kinh phí khá lớn nhưng lại được về dài hạn, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho một tương lai phát triển của thành phố với những con người thân thiện, văn hóa, một điểm đến yên bình, văn minh trong mắt bạn bè và du khách. Đó là cách mà chính quyền thành phố đã chọn, và cũng là điều người dân mong đợi.
HỘI AN