Chính trị - Xã hội

Mùa xuân của phụ nữ khiếm thị

13:23, 11/02/2015 (GMT+7)

Ước muốn được nhìn phố phường nhộn nhịp trong những ngày xuân vốn là điều bình thường nhưng lại quá khó đối với những phụ nữ khiếm thị. Nhưng họ không xây ốc đảo cho riêng mình mà tự tìm kiếm mùa xuân từ cuộc sống.

Hầu hết phụ nữ khiếm thị kiếm sống bằng nghề massage.
Hầu hết phụ nữ khiếm thị kiếm sống bằng nghề massage.

Những mảnh đời...

Tôi gặp chị nhiều lần tại các cuộc họp của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng; dáng nhanh nhẹn, phong thái tự tin của chị đã thu hút ánh nhìn từ người đối diện. Cuối tháng 12-2014, việc chị được nhận giải thưởng Kova (giải thưởng thường niên do Tập đoàn sơn Kova, Ủy ban giải thưởng Kova trao hằng năm cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đời sống xã hội) càng làm nhiều người khâm phục. Chị là Lê Thị Diệu Châu, Chủ tịch Hội Phụ nữ mù thành phố.

Dù khá mạnh dạn nói trước đám đông, nhưng khi trò chuyện về cuộc đời mình, giọng chị Châu bỗng lạc đi. Chị kể rằng chị bị mù bẩm sinh, dù được cha mẹ đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. “Nghe bạn bè cùng trang lứa ríu rít gọi nhau đến trường hay nhộn nhịp nô đùa, lòng mình nghẹn đi. Năm 1992, khi 14 tuổi, mình mới được đi học tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu”, chị Châu nhớ lại.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Thanh Vân (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) được sinh ra và lớn lên bình thường như bao người khác nhưng rồi căn bệnh u não quái ác đã khiến đôi mắt của chị không còn thấy ánh sáng nữa. “Bỗng nhiên không nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình, tôi hoàn toàn bị sốc. Rất khó khăn để chấp nhận mọi thứ. Mới đó mà đã 15 năm trôi qua”, chị Vân tâm sự.

Đi tìm mùa xuân

Nhiều phụ nữ khiếm thị khác trên địa bàn thành phố mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng họ tự phấn đấu vươn lên, hòa nhập cuộc sống. Như trường hợp chị Lê Thị Diệu Châu, sau nhiều năm miệt mài với con chữ, năm 2006, chị tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Duy Tân. Năm 2007, chị được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù thành phố Đà Nẵng, phụ trách công tác Tuyên giáo. Châu cùng Ban Thường vụ Hội tổ chức nhiều lớp dạy chữ Braille cho hội viên và trực tiếp tham gia giảng dạy. Đặc biệt, chị là một trong 6 người mù đầu tiên ở Đà Nẵng học sử dụng vi tính. Với phần mềm dành cho người mù JAWS, chị đánh được văn bản tiếng Việt, văn bản chữ Braille và thành thạo nhiều chương trình khác. Hiện nay, chị Châu là Chủ tịch Hội Phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng.

Chị Châu khiêm tốn cho rằng, mình bản thân chẳng làm được gì nhiều, chỉ cố gắng sao để không trở thành người thừa của xã hội. “Chị em phụ nữ khiếm thị thiệt thòi nhiều nhưng chúng tôi động viên nhau cùng phấn đấu xây dựng tổ ấm và tạo thu nhập để không là gánh nặng của gia đình”, chị Châu chia sẻ thêm.

Hiện Hội Phụ nữ mù thành phố có 315 hội viên, đa số có hoàn cảnh khó khăn. Một số chị em trong độ tuổi lao động kiếm sống bằng nghề massage, làm thủ công (tăm, chổi, đũa), buôn bán sản phẩm do người mù tạo ra… Trong đó, nghề massage được Hội xác định là nghề mũi nhọn, tạo thu nhập cao hơn những nghề còn lại nên các cấp hội mở cơ sở massage, giúp các chị em có thu nhập từ
2,5 - 2,8 triệu đồng/tháng. Nhiều chị thành thục nghề, tự tạo cơ sở massage như trường hợp chị Lê Thị Anh Thủy (ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Không chỉ phấn đấu cho bản thân, chị Thủy còn nhận nhiều chị em khiếm thị khác về làm cùng.

“Tết đang đến gần, ai cũng háo hức bàn luận về đường hoa, về phố phường rộn rịp người mua sắm… Nhiều khi cũng chạnh lòng nhưng chúng tôi cũng tự tạo mùa xuân cho chính mình”, chị Phạm Thị Thanh Vân bùi ngùi nói.

“Mùa xuân” mà các chị nói đến là người chồng cùng cảnh ngộ, đồng cảm, chia sẻ; là nghe con trẻ trò chuyện; là những người thân bên cạnh luôn hỗ trợ chăm sóc con cái, việc nhà; là sự lạc quan về cuộc sống khi được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, các cấp Hội vẫn dành cho những mảnh đời kém may mắn sự quan tâm trong dịp Tết này.

Là Chủ tịch Hội Phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng, gần gũi với chị em nhiều nên chị Châu hiểu được tâm trạng của họ. Chị cho biết: “Với phụ nữ khiếm thị, họ sống trong thế giới của sự “cảm nhận”. Vì thế, rất cần những chia sẻ, những đồng cảm để họ hòa nhập cộng đồng”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.